Pierre Josef, một người kinh doanh quan tài ở Thủ đô Port au Prince đang lo lắng rằng, anh có thể phải ngừng công việc của mình.
Chiếc quan tài này có tới ba tử thi bên trong được chở tới một nghĩa địa tại Port-au-Prince . Những người còn sống của gia đình Sidney buộc phải làm như vậy vì không có đủ tiền mua quan tài (Ảnh AP)
Nguyên nhân không phải do anh mất xưởng hay văn phòng làm việc sau trận động đất ngày 12/1, anh làm ở một sân sau dưới bóng mát cây xanh, gần một ngôi trường nhỏ. Cũng không phải anh thiếu lực lượng lao động hay gỗ vật liệu. Vấn đề ở chỗ, anh nói một cách buồn rầu rằng, “không có khách hàng”.
Ước tính, cơn địa chấn huỷ diệt đã cướp đi sinh mạng 200.000 người, nhưng nhu cầu dùng quan tài của Josef lại ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Vào lúc cao điểm, xưởng của anh có thể sản xuất 10 quan tài/ngày, từ đơn giản tới phức tạp. Anh có thể bán giá 250USD cho loại sơn bóng hay thậm chí tới 1.000 USD cho hàng cao cấp. Nhưng kể từ khi động đất xảy ra, Josef chỉ bán được hai tới ba quan tài/ngày.
Lý do là: gia đình của những người thiệt mạng đã mất tất cả, và họ không thể tổ chức một đám tang dù chỉ rất giản đơn; hoặc có khi toàn bộ gia đình đã chết cả, không còn ai chôn cất các tử thi; hoặc các thi thể bị chất đống trong những mồ chôn tập thể hay mắc lại ở các đống đổ nát và không ai tìm thấy.
Và, Josef cũng gặp phải sự cạnh tranh: chính phủ Haiti vẫn cho thu gom và chôn hàng chục nghìn tử thi ở những mồ chôn tập thể vùng ngoại ô.
Anh cho biết: “Thời điểm này, những người tới đặt quan tài chỉ là người giàu có”. Thậm chí, các gia đình nghèo khi tìm được thi thể người thân cũng không thể làm gì hơn là đưa xác họ ra ngoài đường, chờ xe tải của chính phủ đến thu gom.
Làm hai cỗ quan tài một ngày, kể cả đắt tiền cũng không thể duy trì công việc của Josef. Anh chỉ hy vọng thực tế tái diễn những gì đã xảy ra sau các trận bão năm 2008. Nhiều người thiệt mạng, sau đó người thân của họ sống ở nước ngoài, bắt đầu liên lạc với người còn sót lại. Phần lớn họ đều bị ốm bệnh hay thương nặng, sống lay lắt và lại ra đi, nhưng được nằm trong quan tài chôn cất tử tế.
Nếu Josef có thể cố duy trì kinh doanh, anh có thể không phải chờ đợi lâu để tìm kiếm khách hàng. Trong khu trường cạnh xưởng của anh, hơn 400 người còn sống sau động đất chen chúc ở các khu lều bạt tạm thời, hay thậm chí là cảnh màn trời chiếu đất. Rất nhiều người bị thương, mùa mưa lại sắp bắt đầu, và hậu quả sẽ là bệnh dịch rồi người tiếp tục chết.
"Một số người trong đó chắc chắn không thể sống nổi”, Josef chỉ tay về phía khu trại và nói. “Những nơi ở thế này có ở khắp thành phố”.
-
Kỳ Thư (Theo TIME)