Động đất Haiti khiến hàng nghìn trẻ em mồ côi
Một bệnh nhân mới năm tháng tuổi ở bệnh viện dã chiến của Israel chỉ có số hiệu thay vì tên gọi. Không ai biết nguồn gốc của em bé trong một trung tâm y tế tạm thời khi em được đưa ra khỏi đống đổ nát một toà nhà đổ sập vào bốn ngày sau khi xảy ra thảm hoạ động đất.
Giờ đây, khi em đã phục hồi, các bác sĩ lại đối mặt với những quyết định khó khăn phía trước. "Chúng tôi sẽ làm gì với cậu bé này khi công việc hoàn thành?”, bác sĩ Assa Amit - phụ trách nhóm cấp cứu khoa nhi của bệnh viện cho biết.
Nhân viên cứu trợ nỗ lực giúp các em nhỏ bị thương sau động đất (Ảnh AP)
Không ai biết gia đình của cậu bé, hay người thân em có còn sống hay không?
Hàng chục nghìn trẻ em đã trở thành mồ côi sau thảm hoạ, thống kê từ các nhóm cứu trợ. Với rất nhiều toà nhà bị phá huỷ, hỗn loạn trong thủ đô của Haiti ngày một gia tăng, thì con số này không phải là ước tính quá lớn.
Theo Quỹ Trẻ em của LHQ, thậm chí trước cơn địa chấn huỷ diệt hôm thứ Ba, Haiti - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới – cũng tràn ngập trẻ em mồ côi với 380.000 em sống trong các trại mồ côi hay nhà tế bần.
Nhiều em bị mất cha mẹ trong các thảm hoạ trước, bao gồm bốn trận bão và cuồng phong khiến hàng trăm người chết năm 2008, những cơn bão chết người năm 2005 và 2004, nạn lụt thường xuyên xảy ra. Nhiều em bị bỏ rơi khi quốc gia Caribea lâm vào cảnh khủng hoảng chính trị, hàng nhìgn người xin tị nạn ở Mỹ nhưng không mang theo con nhỏ. Có những em cha mẹ quá nghèo không đủ tiền nuôi con.
Các nhóm luật sư quốc tế đang cố gắng giúp đỡ trẻ mồ côi bằng cách thúc đẩy các thủ tục nhận con nuôi, kêu gọi cá nhân các nhân viên cứu trợ có khả năng đưa hàng nghìn em nhỏ mồ côi tới Mỹ và những quốc gia khác.
Hôm thứ hai, chính phủ Hà Lan đã điều động quan chức nhập cư tới Haiti để xác định và chuyển khoảng 100 em nhỏ đã được người Hà Lan nhận làm con nuôi.
Cùng ngày, tổ chức Kids Alive International tại Ấn Độ cũng lên kế hoạch đưa 50 trẻ mồ côi Haiti tới Cộng hoà Dominica.
Trong khi đó, phụ trách nhân đạo LHQ John Holmes khẳng định, LHQ đang thiết lập một nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em - mồ côi hay không mồ côi - ở Haiti khỏi nạn buôn người, bắt cóc hay xâm hại tình dục.
Tại bệnh viện dã chiến Israel, các bác sĩ tiếp tục điều trị ngày càng nhiều trẻ mồ côi. Nằm trên một chiếc cáng, bệnh nhân số 236, một cậu bé 6 tháng tuổi đang khóc vì đau đớn. Có người mang em tới đây sau thảm hoạ rồi rời đi, họ không nói với bất cứ ai tên của cậu bé.
Bỏ thành phố, về nông thôn
Trong lúc này, hàng nghìn nạn nhân động đất Haiti đang cố gắng thoát ra khỏi thủ đô bị tàn phá vì thảm hoạ, và bạo lực. Họ hy vọng tìm được lương thực, nước uống dễ dàng hơn ở vùng nông thôn.
Nhưng cả dầu và lương thực đều cực kỳ khan hiếm ở Port-au-Prince, và các tài xế xe buýt thì hét giá trên trời, bắt nhiều người trả số tiền bằng tiền lương trong ba ngày chỉ để có một chỗ ngồi.
"Hàng nghìn và hàng nghìn người đang rời đi, tôi chưa bao giờ thấy đám đông như thế, kể cả vào dịp giáng sinh”, tài xế Garette Saint-Julien vừa nói vừa cố gắng giải tán đám đông tập trung trước xe của anh ở Portail Leogane, vùng ngoại ô nơi xe buýt tập trung để đi tới bán đảo phía nam Haiti.
Hầu hết người ra khỏi thủ đô đều nói rằng, họ đến các trang trại nhỏ của người thân để không bị chết đói khi hàng viện trợ nước ngoài không tới với họ.
"Chúng tôi không còn lương thực, không nhà cửa, nên việc ra đi là điều duy nhất cần làm”, Livena Livel, 22 tuổi cho biết. Cô đang tới nhà của cha mình ở gần thị trấn Les Cayes, cách Port-au-Prince bốn giờ đi xe. "Ít nhất ở đó, chúng tôi có thể trồng trọt để có lương thực”, cô mang theo bé gái một tuổi Othmeline quả quyết như vậy.
Livel và sáu người thân khác đã phải vét những đồng tiền cuối cùng để trả cho chuyến đi này. “Đắt không thể tưởng nổi”, cô hét lên giữa tiếng ồn ào của đám đông. Vé một chiều gần 7,70 USD – hơn thu nhập trong ba ngày của hầu hết người Haiti.
Một số quan chức ước tính, có 200.000 người thiệt mạng sau động đất ở Thủ đô Port-au-Prince, và khoảng 1,5 triệu người mất nhà cửa.
Một số người Haiti quyết định chỉ gửi con về nông thôn còn họ ở lại để cố tìm việc làm.
Sợ hãi bạo lực và bệnh dịch bùng phát, Charlemagne Ulrick đã đưa ba đứa con tuổi từ 4-11 lên chiếc xe tải chật cứng người để tới Mole Saint Nicolas – cách thủ đô cả một ngày đường. "Chúng phải đi và tự cứu lấy mình”, Ulrick, một nha sĩ nói. “Tôi không biết khi nào chúng sẽ quay trở lại”.
-
Kỳ Thư (Tổng hợp từ AP, Reuters)