Thảm họa nhân loại ở Haiti: Đôi điều lý giải
- Trận động đất mạnh 7 độ richter hủy diệt Haiti chiều ngày 12/1 vừa qua được các nhà khoa học đánh giá là có sức mạnh công phá gấp 35 lần quả bom nguyên tử từng tàn phá Hiroshima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới 2.
Chỉ trong tích tắc, Port-au-Prince như trở thành bình địa với bầu không khí tang thương, hỗn loạn - Ảnh: ft.com |
Chỉ trong hơn một phút rung chuyển trời đất, hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng, hàng triệu người phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”, thủ đô Port-au-Prince gần như trở thành bình địa. Theo các quan chức Haiti, đây là trận động đất tồi tệ nhất trong vòng hơn 2 thế kỉ qua ở quốc gia này.
Tổn thất về người ở Haiti lần này được so sánh với thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 từng làm hơn 230.000 người thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ động đất đang dần được làm sáng tỏ.
Kinh nghiệm non yếu
Một trong những nguyên nhân đầu tiên là Haiti chưa hề có kinh nghiệm và sự chuẩn bị cần thiết cho những đại thảm họa như vậy. Trong điều kiện khoa học kĩ thuật kém phát triển, việc dự báo trước một trận động đất bất ngờ và khủng khiếp như vậy là quá sức với quốc gia này. Năm 2008 khi những nhà khoa học ở đại học Texas (Mĩ) đưa ra dự đoán về một trận động đất rất lớn có thể xảy ra ở Haiti trong tương lai gần, không ai nghĩ đó là sự thực. Vì trên thực tế, Haiti được cho là nơi có ít động đất hơn những quốc gia cùng khu vực (Mexico, Dominica…). Trận động đất đáng kể gần đây nhất ở quốc đảo này đã xảy ra vào năm 1770 và số người thiệt mạng chỉ là hơn 200 người. Chính tâm lí chủ quan không phòng bị trước đã đẩy Haiti và thủ đô Port-au-Prince vào bi kịch này.
Hạ tầng ọp ẹp
Phủ thủ tướng cũng chung cảnh ngộ - Ảnh: ft.com |
Haiti là một trong những quốc gia nghèo nàn nhất thế giới. Nhà cửa ở nơi đây được xây dựng chủ yếu bằng bê tông khối không cốt thép. Khi động đất xảy ra, nhà cửa dễ dàng đổ sụp theo một hiệu ứng kiểu “domino”. Ngay cả công trình được cho là chắc chắn và đẹp nhất Haiti là dinh Tổng thống cũng nhanh chóng trở thành đống hoang tàn sau cơn động đất. Mặt khác, hàng trăm ngàn người dân ở thủ đô Port-au-Prince đang phải sinh sống trong những khu ổ chuột nhếch nhác và ọp ẹp. Họ sống dưới những mái lều gỗ hay kim loại tạm bợ trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, không điện, không hệ thống nước thải… Với kết cấu hạ tầng sơ sài như thế, chỉ cần chấn động không lớn lắm, thiệt hại đã thật khó đo đếm. Trận động đất vừa rồi hầu như “cào bằng” mọi thứ ở thủ đô Haiti, đẩy hàng triệu người vào cảnh không chốn dung thân trong điều kiện y tế vô cùng tồi tệ.
Một số người sống sót trong hoảng loạn và ngổn ngang đầy đường là xác những người xấu số - Ảnh: ft.com |
Đứt gãy địa tầng
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, quốc đảo Haiti nói riêng và toàn bộ các nước vùng Carribe nói chung nằm trên hai đứt gãy địa tầng lớn là: “Septentrion” ở phía Bắc và “Vườn Enriquillo-Plaintain” ở phía Nam. Đây là một trong những vùng đất bị kẹp chặt trong sự cọ xát của các địa tầng. Năng lượng được tích tụ dần dần qua nhiều thế kỉ và tất yếu là sẽ phải được giải phóng. Đó là nguyên nhân của nhiều vụ động đất lớn trong vùng vào các năm: 1770, 1946 và 2010. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, Haiti thực sự rất kém may mắn trong vụ động đất lần này khi tâm chấn chỉ cách vùng đông dân cư (thủ đô Port-au-Prince) khoảng 15km và độ sâu chỉ là 8km. Thông thường, độ sâu của tâm chấn động đất càng gần mặt đất thì sức tàn phá của nó càng khủng khiếp. Với những công trình kiến trúc yếu ớt ở Port-au-Prince thì độ sâu 8km thực sự là một thảm họa.
Có thể nói, trận động đất ở Haiti xứng đáng là một trong những thảm họa nhân loại lớn nhất trong thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 này: thảm họa thiên nhiên và thảm họa nhân đạo. Nguyên nhân của những thiệt hại to lớn về người và của ở quốc gia này có thể đến từ nhiều phía: chủ quan và khách quan. Nhưng, ở đâu đó bên kia nửa địa cầu đang có những con người phải vùng vẫy trong biển tang thương và quằn quại trong nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Đó mới là sự thực lớn nhất…
-
Minh Phương