Đại sứ Mỹ tại LHQ John Negroponte ngày 23/3 cho biết, ''Washington đã liên lạc với Tổng thư ký LHQ Kofi Annan để nói rằng Mỹ đã sẵn sàng ủng hộ cuộc điều tra về chương trình đổi dầu lấy lương thực''.
Tại Baghdad, Hội đồng điều hành Iraq (IGC) tuyên bố đã mở một cuộc điều tra riêng đối với những cáo buộc tham nhũng trong chương trình đổi dầu lấy lương thực. Trong khi đó, Pháp và Nga vẫn còn chần chừ lên tiếng ủng hộ cuộc điều tra này.
Hồi tháng 1 năm nay, tờ Al-Mada của Iraq đã đăng một bản danh sách gồm 270 quan chức, nhà báo và các nhà hoạt động thuộc hơn 46 quốc gia bị cáo buộc nhận hối lộ từ các hợp đồng bán dầu của quốc gia vùng Vịnh này.
Entifadh Qanbar, người phát ngôn của thành viên IGC Ahmad Chalabi tuyên bố: ''Hàng nghìn quan chức chính phủ cũng như thành viên các tổ chức phi chính phủ, các nhà chính trị đã nhận hối lộ ngay trước mắt LHQ. LHQ để mọi việc diễn ra mà không can thiệp. Trong vụ việc này, một số quan chức cấp cao của LHQ cũng có liên quan''.
Những cáo buộc trên thực sự là điều hổ thẹn đối với LHQ và Tổng thư ký Kofi Annan khi tổ chức cũng như những người lãnh đạo của nó muốn nhanh chóng xoá bỏ tiếng xấu liên quan tới mình. Trong số những người bị buộc tội nhận hối lộ từ chương trình đổi dầu lấy lương thực của Iraq có ông Benon Sevan giám đốc phụ trách chương trình này. Ông Benon ngay sau đó đã phủ nhận cáo buộc.
Về tuyên bố của IGC, ông Fred Eckhard, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan nói, ông Annan hoan nghênh việc Baghdad tiến hành điều tra. Tuy nhiên, một cuộc điều tra độc lập vẫn cần phải được triển khai. ''Tôi cho rằng Tổng thư ký có trách nhiệm phải tiến hành một cuộc điều tra của riêng LHQ''. Tuy nhiên, cho tới nay, ông Annan vẫn chưa chỉ định nhân sự tiến hành cuộc điều tra.
Song song với cuộc điều tra do LHQ và IGC tiến hành, các nhà điều tra Mỹ có thể đưa vấn đề này ra xem xét. Cuối tuần trước, Mỹ buộc tội chính quyền Saddam Hussein buôn lậu dầu, thu tiền hoa hồng của các nhà cung cấp lương thực để thu lợi 10,1 tỷ USD - việc làm vi phạm chương trình đổi dầu lấy lương thực.
Chương trình đổi dầu lấy lương thực triển khai từ tháng 12/1996 và kết thúc vào tháng 11/2003, cho phép chính quyền Iraq được bán dầu không hạn chế để lấy tiền mua mặt hàng cần thiết cho người dân và đền bù thiệt hại cho nạn nhân cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.
(Hoài Linh - Theo AP)