(VietNamNet)
Năm 2003 qua đi để lại đằng sau nhiều sự kiện ghi đậm dấu ấn của mình trong lịch sử, trong đó cuộc chiến Iraq chiếm vị trí nổi bật nhất.1. Mỹ phát động tấn công Iraq
Với chiêu bài ''giải giáp Iraq và giải phóng nhân dân Iraq'', ngày 20/3, liên quân Anh-Mỹ đã chính thực phát động tổng tấn công Iraq mà không thèm ''hỏi han'' LHQ.
Với lực lượng hùng hậu và được trang bị vũ khí tối tân hiện đại, liên quân Anh-Mỹ đã ''hạ gục'' chế độ của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein chỉ trong vòng 3 tuần kể từ ngày khởi hấn. Chắc chắn, thế giới không thể quên được khoảng khắc bức tượng Saddam Hussein bị kéo đổ vào ngày 9/4.
Cuộc chiến Iraq bị nhiều nước trên thế giới cực lực lên án. Đó là sự can thiệp quân sự thô bạo vào một đất nước có chủ quyền. Về bản chất, cho dù Mỹ lên giọng tố cáo Iraq có vũ khí huỷ diệt hàng loạt, song ý đồ chính là giành quyền kiểm soát các mỏ dầu quý giá của Iraq và dằn mặt các nước thuộc cái mà Mỹ gọi là ''Liên minh ma quỷ''. Hơn nữa, với hành động ''hợm hĩnh'' và ''mục hạ vô nhân'' này, Mỹ muốn giới thiệu cho thế giới học thuyết ''Tấn công phủ đầu'' - một học thuyết đe doạ nghiêm trọng tới an ninh hoà bình thế giới. Không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ đang tạo một tiền đề nguy hiểm.
Cho dù Baghdad thất thủ nhanh chóng và cựu Tổng thống Saddam cùng nhiều quan chức dưới quyền đã bị bắt, song đối với Mỹ và đồng minh, Iraq không phải là miếng bánh dễ chia và dễ ăn. Ngay khi tiếp quản, Mỹ và đồng minh đã phải điên đầu với nạn cướp bóc, những khó khăn trong việc khôi phục điện nước và các dịch vụ cơ bản khác. Hậu quả là, binh lính Mỹ và đồng minh phải ''miễn cưỡng'' ở lại Iraq lâu hơn dự kiến và phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Tính đến nay, tổng số đã có gần 200 lính Mỹ thiệt mạng và hàng nghìn binh sĩ khác bị thương kể từ khi ông Bush tuyên bố bế mạc ''chiến dịch tổng tấn công Iraq''. Trong khi đó, Washington đang phải chịu sức ép to lớn từ phía cộng đồng quốc tế buộc nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho người Iraq. Quan trọng hơn, Mỹ đang ''bẽ mặt'' khi lực bất tòng tâm trong việc phát hiện vũ khí huỷ diệt hàng loạt WMD - cái cớ chính để phát động chiến tranh Iraq.
TIN LIÊN QUAN: |
2. Cải thiện quan hệ Ấn Độ - Pakistan xung quanh vấn đề Kashmir
Bước sang năm 2003, bức tranh quan hệ Ấn Độ - Pakistan đã có những sắc màu mới tương sáng hơn so với bức tranh ảm đạm cùa năm 2002.
Mặc dù căng thẳng vẫn tiếp diễn thể hiện qua việc hai bên tăng cường các vụ thử tên lửa hạt nhân, đã có nhiều tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, biểu hiện rõ nét nhất qua việc nối lại đường hàng không giữa hai nước đã bị đóng cửa suốt 2 năm nay.
Trên thực tế, những tranh cãi chính giữa hai bên xoay quanh việc Ấn Độ cáo buộc Pakistan nuôi dưỡng và huấn luyện các phần tử ly khai Kashmir gây ra nhiều vụ tấn công tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, điều mà Pakistan hoàn toàn phủ nhận. Và các vụ thử tên lửa là một biện pháp chứng minh cho sức mạnh của mỗi bên. Đây được coi là một con bài đắc lực để cả Ấn Độ và Pakistan có thể mặc cả trong các vấn đề chính trị, ngoại giao.
Nếu như hồi đầu năm, tình hình còn rất căng thẳng với việc hai bên trục xuất các cán bộ ngoại giao khỏi nước mình, thì trong nửa cuối năm, quan hệ có phần hoà dịu, thậm chí còn đạt được những cải thiện mang tính đột phá. Tháng 10, lần đầu tiên Ấn Độ đưa ra đề xuất đàm phán với lực lượng ly khai Kashmir, đồng thời công bố một loạt giải pháp nhằm cải thiện quan hệ với Pakistan. Đáp lại, Pakistan đã đưa ra đề xuất ngừng bắn tại khu vực Kashmir nhằm bày tỏ thiện chí. Đầu tháng 12 vừa qua, hai bên đã nhất trí sẽ nối lại dịch vụ đường hàng không kể từ tháng 1/2004, chấm dứt lệnh cấm kéo dài trong suốt 2 năm gây nhiều trở ngại. Trước đó, Ấn Độ và Pakistan đã nối lại các dịch vụ xe buýt giữa Dehli và Lahore.
3. Đại dịch SARS
Vào giữa tháng 11/2002, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) xuất hiện một căn bệnh lạ. Những triệu chứng ban đầu là đau đầu, sốt cao, khô họng và ho vì thế mọi người cứ nghĩ đây cũng chỉ là dạng cúm thông thường. Tuy nhiên bệnh phát triển rất nhanh, trong vòng 10 ngày, bệnh nhân bị tử vong do không thở được (chính vì vậy các chuyên gia đã gọi là Severe Acute Respiratory Syndrome - Hội chứng suy hô hấp cấp - viết tắt là SARS).
Gần ba tháng sau, Bộ Y tế Trung Quốc mới ra thông báo rằng đã phát hiện được 300 ca SARS. Chính do sự chậm trễ này mà dịch SARS bùng phát dữ dội ở tỉnh Quảng Đông, lan nhanh sang Hồng Kông, từ đó lan qua Việt Nam và các nước khác trong khu vực và khắp thế giới. Đỉnh điểm của đại dịch SARS diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thủ đô Bắc Kinh, Đặc khu hành chính Hồng Kông, đảo Đài Loan và Canada. Đại dịch SARS đã cướp đi sinh mạng của 812 người tại 10 nước ở khắp các châu lục.
Dịch SARS đã tác động mạnh gây ra những hậu quả nặng nề trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội ở nhiều nước và khu vực trên thế giới . Điều nguy hiểm nhất của đại dịch SARS là sự lây lan rất nhanh và đến nay, mặc dù đã có sự đầu tư lớn cho việc nghiên cứu nhưng các chuyên gia y tế trên khắp thế giới vẫn chưa thể xác định chính xác loại virut gây bệnh nên chưa thể khống chế được bệnh này. Mối nguy hiểm càng tăng khi SARS đang có dấu hiệu quay trở lại với 2 ca nhiễm mới được phát hiện tại Đài Loan và Trung Hoa Đại lục.
Việt Nam nằm ngay cạnh trung tâm phát sinh dịch SARS, nhưng do có sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết và đúng đắn của Chính phủ, các cơ quan chức năng và sự tận tuỵ dũng cảm của đội ngũ y bác sĩ, nước ta đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS.
TIN LIÊN QUAN: | ||||||||
|
4. Thảm hoạ động đất lớn tại Iran
Vào hồi 8 h sáng 26/12 (giờ Việt Nam) một trận động đất dữ dội cường độ 6,6 độ Richter đã xảy ra tại thành phố Bam, tỉnh Kerman phía đông nam Iran khiến ước tính khoảng 50.000 người chết và mất tích.
Với cường độ chỉ "thường thường bậc trung", trận động đất này có thể không để lại hậu quả kinh khủng như vậy nếu chất lượng các công trình tại thành cổ Bam được đảm bảo. Thống kê, có tới 70% số các toà nhà tại thành phố vốn được mệnh danh ''Thành phố Con đường Tơ lụa'' bị phá huỷ, trong đó có thành cổ xây bằng gạch hơn 2.500 năm tuổi.
Trận động đất kinh hoàng này đã đẩy hàng chục nghìn người lâm vào cảnh vô gia cư và đói khát. Người ta thống kê được tới 19.500 ngôi mộ mới ở Bam và 5.500 ở các khu vực lân cận. Thậm chí, một số quan chức dự tính rằng số người chết sẽ lên tới 40.000 người vì còn có khoảng 30.000 người bị thương và hơn 100.000 người không chốn nương thân trong băng tuyết mùa Đông. Đó là chưa tính số người mắc kẹt trong đống đổ nát, vốn khó có khả năng sống sót.
Tổng thống Khatami cũng đã chính thức thỉnh cầu cộng đồng quốc tế (ngoại trừ Israel) giúp đỡ Iran khắc phục hậu quả. Đây là một động thái bất ngờ vì trong trận động đất khủng khiếp năm 1990 khiến 36.000 người thiệt mạng, Tehran đã khước từ mọi sự trợ giúp của thế giới.
Hàng loạt các nước và tổ chức chính phủ đã viện trợ cho Iran. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ quốc tế cũng gửi hàng nghìn lều bạt, chăn và lò sưởi tới khu vực xảy ra động đất. Nhiều tổ chức đã cử nhân viên tới bam để hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm cứu hộ và trợ giúp nhân đạo.
TIN LIÊN QUAN: | |||
|
5. Khủng hoảng hạt nhân Bán đảo Triều Tiên
Cuộc khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên bắt đầu nổ ra vào tháng 10/2002 khi các quan chức Mỹ tuyên bố CHDCND Triều Tiên đã thừa nhận đang tiến hành chương trình vũ khí hạt nhân bí mật, vi phạm các công ước quốc tế.
Washington và đồng minh ngay lập tức ngừng cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng. Đổi lại, Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên vũ khí hạt nhân, rút khỏi hiệp ước không phổ biến hạt nhân và khởi động lại cơ sở hạt nhân lớn nhất đất nước.
Một loạt các sự kiện tiếp theo xảy ra càng làm vấn đề hạt nhân CHDCND Triều Tiên trở nên nóng hơn. Tháng 7/2003 Bình Nhưỡng tuyên bố đã có đủ plutonium để sản xuất bom hạt nhân. Tháng 10/2003, quốc gia phía bắc Bán đảo Triều Tiên tuyên bố hoàn thành tái chế 8.000 thanh nhiên liệu hạt nhân và có đủ những gì cần thiết để chế tạo 6 quả bom hạt nhân.
Bế tắc quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn chưa có lối thoát vì đến nay Mỹ và CHDCND Triều Tiên vẫn kiên quyết giữ yêu cầu của mình. Bình Nhưỡng tuyên bố chỉ huỷ chương trình hạt nhân nếu Washington cam kết viện trợ và ký kết văn bản đảm bảo an ninh cho nước này. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Bush tuyên bố sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào trước khi CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Một cuộc hội đàm đa phương về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên với 6 bên tham gia là Mỹ, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản đã diễn ra song không đi tới kết quả nào. Cuộc hội đàm 6 bên lần 2 dự kiến tiến hành vào cuối năm nay lại tiếp tục bị trì hoãn mặc dù các bên đều tỏ quyết tâm sẽ tham gia.
TIN LIÊN QUAN: | ||||||||||||
|
6. Nghị viện châu Âu phê chuẩn việc mở rộng EU
Ngày 9/4, Nghị viện châu Âu phê chuẩn nghị quyết mang tính lịch sử: mở rộng Liên minh châu Âu (EU) về phía đông - mở đường cho 10 quốc gia gia nhập kinh tế - chính trị lớn nhất hành tinh này vào tháng 5/2004. 10 nước này bao gồm: Cyprus, CH Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia.
Đến ngày 22/9, 10 nước trên đã tiến hành trưng cầu dân ý và nhận được sự ủng hộ của đa số người dân trước quyết định gia nhập khối. Các nước thành viên cũng đã ký vào Tuyên bố Athens sau đó, thể hiện sự quyết tâm chấm dứt mọi xung đột đã chia rẽ châu Âu trong hàng trăm năm qua.
Với những ảnh hưởng sâu rộng cả trong và ngoài khối, đây là một sự kiện mang tính lịch sử, được ví như sự kiện Bức tường Berlin bị phá sập. Đối với 10 nước thành viên mới, việc gia nhập EU cũng mang ý nghĩa tương đương với việc một quốc gia đang phát triển tham gia vào WTO vậy. Bên cạnh cơ hội, một thách thức thực sự đáng sợ đang chờ đón họ. Gia nhập EU, họ sẽ nhận được một nguồn hỗ trợ tài chính hào phóng từ các nước phát triển. Đồng tiền của họ cũng sẽ tăng giá trị đột biến. Nhưng bước vào EU cũng tức tham gia vào một thị trường cạnh tranh khốc liệt với những tiêu chuẩn mậu dịch và lao động vô cùng khắt khe. Hàng trăm ngành nghề sẽ bị đảo thải, hàng triệu người lao động sẽ thất nghiệp. Nhưng cũng chừng đó ngành nghề mới sẽ xuất hiện, chừng đó con người sẽ tìm được việc làm. Đây thực sự là một cuộc mưu sinh của hơn 75 triệu con người.
Đây là kế hoạch mở rộng khối lớn nhất trong 6 lần kết nạp thêm thành viên của EU từ trước đến nay. Với kế hoạch này, EU, tiền thân là Cộng đồng châu Âu thành lập năm 1957 với 6 thành viên ban đầu, sẽ tăng từ 15 lên 25 quốc gia vào năm 2004, với 75 triệu công dân mới.
Tuy nhiên, xem ra, EU còn rất nhiều việc phải làm. Hội nghị thượng đỉnh của khối vào trung tuần tháng 12 đã thất bại trong việc thông qua dự thảo hiến pháp chung với sự phản đối kịch liệt của 2 nước Ba Lan và Tây Ban Nha.
Việc EU mở rộng cũng là một thách thức to lớn đối với các tổ chức cũng như các quốc gia khác. Việt Nam chúng ta không phải là ngoại lệ. Chúng ta sẽ được tiếp cận một thị trường khồng lồ nhưng đồng thời cũng rất khó tính cùng với các tiêu chuẩn khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu. Là một nước đang phát triển, Việt Nam hàng năm vẫn đều đặn nhận được viện trợ tài chính từ EU. Song một khi khối này mở rộng, nguồn viện trợ cho những nước thuộc thế giới thứ ba như Việt Nam, dù vẫn gia tăng, song rất có thể sẽ tăng với tốc độ chậm hơn.
TIN LIÊN QUAN: | |||||
|
7. Lộ trình hoà bình Trung Đông dẫm chân tại chỗ
Đầu năm nay, dư luận quốc tế rất hy vọng sẽ có những tiến bộ đột phá trong quá trình thực hiện Lộ trình Trung Đông do Bộ Tứ (Mỹ - Nga- Liên Hợp quốc và châu Âu) bảo trợ.
Lý do là Tổng thống G. Bush đã có những hành động cụ thể cho thấy, Mỹ sẽ can dự tích cực hơn vào tiến trình này và gây áp lực nhiều hơn với Israel để đổi lấy sự ủng hộ của thế giới A rập trong cuộc chiến chống khủng bố và nhất là trong chiến dịch tấn công Iraq. Việc ông M. Abbas, một người có quan điểm không quá cứng rắn với Israel được bầu làm Thủ tướng Palestine cũng được coi là một tín hiệu lạc quan cho cuộc hoà đàm giữa hai bên. Một số tổ chức Hồi giáo vũ trang đã có lúc đồng ý chấp nhận ngừng bắn trong vòng ba tháng.
Tuy nhiên, tất cả những thay đổi đó đã không đủ để giải quyết những bất đồng sâu sắc không chỉ giữa hai cộng đồng người Do Thái và Palestine mà còn cả giữa những phe phái trong nội bộ của họ. Vòng xoáy bạo lực vẫn tiếp diễn với các cuộc đánh bom liều chết của những người Palestine tiếp nối các cuộc truy quét và giết chóc của quân đội Israel gây ra những cái chết oan nghiệt cho nhiều người vô tội của cả hai bên. Bất chấp sự phản đối của đại đa số các quốc gia trên thế giới thể hiện qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Thủ tướng Israel A. Sharon tuyên bố tiếp tục cho xây dựng "bức tường an ninh" và đơn phương hành động trong việc vạch lại đường biên giới. Tình hình khu vực không những không khả quan hơn thời điểm cuối năm 2002 mà còn có phần xấu đi. Như vậy là một năm qua đi, tiến trình hoà bình ở khu vực này vẫn giẫm chân tại chỗ.
TIN LIÊN QUAN: | ||||||||||
|
8. Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái
Vào hồi 9 h sáng 15/10/2003 (giờ Bắc Kinh), con tàu vũ trụ Thần Châu V rời bệ phóng tại căn cứ Cửu Tuyền (tỉnh Cam Túc), và sau 10 phút nó đã bay vào không gian. Trên tàu là nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc: trung tá Dương Lợi Vĩ.
Đài Truyền hình trung ương đã cắt ngang chương trình để đưa những hình ảnh lịch sử này đến với hơn 1 tỷ người dân Trung Quốc và cũng là để thông tin đến với cả thế giới rằng kể từ ngày này, sau Liên Xô và Mỹ, Trung Quốc đã chính thức gia nhập vào "tam đại gia" có khả năng đưa người lên vũ trụ . Sau 22 giờ đồng hồ, tàu Thần Châu V đã bay quanh Trái Đất 14 vòng và đến 6h23phút 16/10, bộ phận đổ bộ đã đưa Dương Lợi Vĩ trở về Trái Đất an toàn.Sức khoẻ nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc rất tốt, đánh dấu sự thành công rực rỡ của chương trình phóng tàu vũ trụ mà nước này bắt đầu từ 11 năm trước.
Thực ra ngay từ ngày 5/1/2003, khi Trung Quốc phóng thành công tàu Thần Châu IV với thiết kế hoàn toàn đảm bảo cho chuyến bay vào không gian của con người, không còn ai nghi ngờ gì về thắng lợi trong chuyến bay của Dương Lợi Vĩ. Tàu Thần Châu có hình dáng bên ngoài và cơ chế hoạt động tương tự với tàu Liên Hợp của Liên Xô trước đây, nhưng có kích thước và khối lượng lớn hơn nên có đủ chỗ cho 3 nhà du hành vũ trụ cùng bay lên. Nếu như 42 năm trước, nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới, công dân Liên Xô Yuri Gagarin hầu như phải ngồi yên hoàn toàn trong suốt 108 phút bay một vòng quanh Trái Đất và thì bây giờ nhà du hành Dương Lợi Vĩ của Trung Quốc đã có thể thực hiện nhiều hoạt động trên vũ trụ.
Việc Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ có người lái không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học kỹ thuật mà có ý nghiã chính trị to lớn. Một mặt nó là kết quả của những thành quả to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc những năm gần đây, mặt khác, chính nó đã đưa vị thế của đất nước Trung Quốc lên một tầm vóc mới, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh hơn trong những năm tới.
TIN LIÊN QUAN: | |||||||
|
9. Chủ nghĩa khủng bố mở rộng hướng tấn công
4 vụ nổ liên tiếp tại Thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mà Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm là một minh hoạ điển hình cho chiến thuật mới của mạng lưới khủng bố quốc tế do bin Laden đứng đầu: chuyển hướng tấn công.
Chỉ vài ngày sau vụ đánh bom khiến 23 người thiệt mạng, hôm 20/11, Istanbul lại rung chuyển bởi 4 vụ nổ liên tiếp tại khu vực gần ngân hàng HSBC (của Anh) và lãnh sự quán Anh khiến 26 người thiệt mạng.
Chỉ vài ngày trước đó, một vụ tấn công liều chết nhằm vào 2 giáo đường Do Thái hôm 15/11 khiến 23 người thiệt mạng. Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom này. Đây là lần đầu tiên một quốc gia thành viên NATO ngoài Mỹ bị Al-Qaeda tấn công. Sự kiện không chỉ tiếp tục làm rung chuyển đất nước này khi người dân và chính giới còn chưa hoàn hồn sau vụ đánh bom nhà thờ của người Do Thái, mà đã biến nước này chính thức trở thành một điểm nóng của bạo lực khủng bố.
Hơn thế, sự kiện còn là câu trả lời của Al-Qaeda đối với quyết tâm của Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Anh Blair, 2 người lúc bất giờ đang gặp nhau ở London. Ông Bush và ông Blair càng thể hiện quyết tâm chống khủng bố bao nhiêu, càng phô trương sự nhất trí và đồng lòng bao nhiêu thì câu trả lời từ Istanbul cũng có mức độ tương ứng bấy nhiêu. Mục tiêu của vụ đánh bom nhằm vào cơ sở lợi ích của Anh và thời điểm của vụ đánh bom vào đúng khi ông Bush đang ở London chẳng khác gì một cú đòn vỗ mặt giáng thẳng vào thể diện Chính phủ Mỹ và Anh.
Những kẻ chủ mưu muốn thể hiện khả năng của mình trong cuộc chiến với Mỹ và Anh, muốn phát đi thông điệp khích lệ các tổ chức và lực lượng khác đang tiến hành các hoạt động bạo lực chống Mỹ và cho thấy từ nay Mỹ và Anh phải đối phó ở tất cả mọi nơi, vào mọi thời điểm và còn ở cách rất xa khả năng kiểm soát hiệu quả tình hình an ninh ở Trung Đông, vùng Vịnh cũng như ở những nơi có sự hiện diện của Mỹ và Anh.
Sự kiện này, cùng với các vụ tấn công tại Ai Cập, Nigeria, Sudan, Ảrập Xêút và các nước khác (bị nghi là do Al-Qaeda tiến hành), cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ dẫn đầu đã không làm cho thế giới an toàn hơn mà ngược lại, lại càng đổ thêm dầu vào lửa. Nhiều người đã lên tiếng gay gắt chỉ trích chính sách đối ngoại của chính quyền Washington, coi đó là chính sách thân Do Thái. Thậm chí có người còn cho rằng, chính sách này đã làm... tăng thêm sức mạnh cho Al-Qaeda bởi người Hồi giáo coi cuộc chiến Afghanistan và Iraq là hành động xâm lược, chống lại Hồi giáo và thể hiện ý đồ gia tăng ảnh hưởng của Mỹ.
TIN LIÊN QUAN: | ||||||||||
|
10. Giải quyết thành công một số cuộc xung đột ở châu Phi
Năm 2003 chứng kiến những biến động lớn ở châu Phi với việc lực lượng quân nổi dậy thuộc Liên minh vì Hoà giải và Dân chủ Liberia (LURD) chấp nhận ký hiệp định hoà bình với chính phủ, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 14 năm ở quốc gia Tây Phi này...
Cựu Tổng thống Charles Taylor phải sang Nigeria sống lưu vong, mở đường cho việc triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ. Trong khi đó, tại nước láng giềng Bờ Biển Ngà, tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng ở khu vực phía tây sau khi các lực lượng chống đối và chính phủ tuyên bố chấm dứt giao tranh do sự có mặt của các tay súng Liberia.
Tại Liberia, bạo lực đã bùng lên từ tháng 3 khi quân nổi dậy chiếm được một số khu vực xung quanh thủ đô Monrovia. Đến tháng 7, các cuộc giao tranh càng gia tăng tại thủ đô khiến hàng nghìn người dân rơi vào cảnh không nhà cửa. Dưới sức ép của lực lượng chống đối, Cựu Tổng thống Charles Taylor bắt buộc phải từ chức, trao lại quyền lực cho Phó tổng thống Moses Blah và sang Nigeria sống lưu vong hồi tháng 8 tạo điều kiện cho lực lượng gìn giữ hoà bình các nước Tây phi (ECOWAS) triển khai tới Liberia dưới sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Ngay sau sự ra đi của ông Taylor, một hội nghị đã mở tại Ghana trong đó lực lượng quân nổi dậy đã chấp nhận ký hiệp định hoà bình với chính phủ lâm thời. Cũng tại hội nghị này, các bên nhất trí chọn ông Gyude Bryant làm người đứng đầu chính phủ Liberia.
Tháng 10, lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ bắt đầu thực thi sứ mạng của mình, giám sát việc chuyển giao quyền lực tại quốc gia này. Cũng trong tháng này, ông Gyude Bryant chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liberia. Hiện lực lượng hoà bình LHQ đang giám sát việc giải giáp vũ trang của quân nổi dậy.
Còn tại nước láng giềng Bờ Biển Ngà, Tổng thống Laurent Gbagbo đã phải chấp thuận ký thoả thuận thành lập chính phủ mới với sự tham gia của lực lượng quân nổi dậy dưới sự hậu thuẫn của Pháp. Tuy nhiên, bạo lực vẫn gia tăng tại khu vực phía tây nước này, nơi có sự hiện diện của các tay súng Liberia. Sau vụ tấn công đài truyền hình Abidjan khiến 19 người thiệt mạng, lực lượng quân nổi dậy đã chấp nhận quay lại hợp tác với chính phủ, tạm thời chấm dứt tình trạng bạo lực tại quốc gia vốn giàu có nhất Tây Phi này.
TIN LIÊN QUAN: | ||||||||
|