- Đây là nhận định về diễn biến dịch sốt xuất huyết của ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế). Dịch sôt xuất huyết (SXH) sẽ tiếp tục hoành hành mạnh, trong tháng 11, 12 có nguy cơ bùng phát thành dịch quy mô trung bình nếu không triển khai triệt để các biện pháp dự phòng. Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao Ông Nga cho biết, báo cáo của các địa phương tính đến ngày 22/10, cả nước ghi nhận 72.155 trường hợp sốt xuất huyết (SXH), 58 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2008, số mắc tăng 7,1%, tử vong giảm 13,4%. Điểm đáng chú ý là năm nay, có tới 28/63 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc SXH tăng so với cùng kỳ năm 2008 như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Kiên Giang, Trà Vinh, TP. Hồ Chí Minh...
Miền Nam tiếp tục duy trì “truyền thống” là khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân SXH nhất cả nước với 54.635 trường hợp. Đây cũng là khu vực dẫn đầu về số bệnh nhân tử vong do SXH (với 50 trường hợp).
Trong khi đó, khu vực miền Trung ghi nhận 8.214 trường hợp mắc SXH, 7 trường hợp tử vong. Khu vực Tây Nguyên ghi nhận 1.028 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2008, số mắc tăng 56,1%, tử vong không tăng.
Tuy có số mắc lớn nhưng miền Nam hầu như không có đột biến. Trong khi đó, điểm đột biến trong mùa dịch SXH năm nay rơi vào miền Bắc với diễn biến bệnh đang hết sức phức tạp, đặc biệt là tại Hà Nội.
Từ đầu năm đến nay miền Bắc ghi nhận 8.278 trường hợp mắc, chiếm tỷ lệ 11,5% so với cả nước. So với cùng kỳ năm 2008, số mắc yết của khu vực tăng 4,6 lần, đặc biệt tại Hà Nội tăng 8,8 lần.
Tại Hà Nội, dịch đã xuất hiện ở 29/29 quận/huyện. Tính đến ngày 22/10/2009 đã ghi nhận 7.813 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2008, số mắc sốt xuất tăng 8,8 lần. Tại tháng cao điểm của dịch, số mắc tăng cao gấp gần 12 lần so với năm 2008.
Bệnh nhân mắc SXH ở Hà Nội chủ yếu là người lớn và trẻ trên 15 tuổi (chiếm 86,4%), trong đó đối tượng mắc chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lao động tự do (54%).
Dịch ở Hà Nội diễn biến phức tạp từ tháng 6/2009 trở lại đây và hiện đang có xu hướng giảm dần.
Đề phòng dịch tái bùng phát vào cuối năm
Nhận định về nguyên nhân khiến bệnh nhân SXH năm 2009 tăng cao, diễn biến phức tạp, ông Nga cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, cụ thể là lượng mưa lớn, thường xuyên xảy ra hiện tượng ngập lụt trong khu đô thị, tốc độ đô thị hoá nhanh không đi kèm với việc phát triển cơ sở hạ tầng cùng với tập quán trữ nước và ý thức kém của người dân tạo điều kiện cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh”.
Kết quả giám sát muỗi cho thấy chỉ số muỗi luôn duy trì ở mức cao, vượt ngưỡng xảy dịch là nguyên nhân phát sinh dịch.
Một nguyên nhân quan trọng khác là công tác y tế dự phòng của các địa phương chưa được thực hiện triệt để, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát.
Tại khu vực miền Bắc, hiện có hai tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thanh Hoá có báo cáo triển khai phun hoá chất, tuy nhiên mới chỉ triển khai tại một số ổ dịch. Trong khi đó, cả 29/29 quận/huyện của Hà Nội đã có bệnh nhân SXH.
Ông Nga cảnh báo: “Dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch quy mô trung bình tại một số tỉnh, thành phố vào thời điểm cuối năm (tháng 11,12) nếu không triển khai triệt để chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại cộng đồng”.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ ngày 17 đến ngày 23/10 toàn TP có 300 ca sốt xuất huyết, chỉ còn tăng 28 ca so với tuần trước đó. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái 21,79%. Số ca bị tử vong do sốt xuất huyết cũng nhiều hơn thời điểm năm ngoái 3 ca. Đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM là 1.583 ca. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP, chưa hết thời gian đỉnh điểm phát triển mà dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM đã có dấu hiệu giảm. Đó là do ý thức phòng, chống dịch bệnh tích cực của người dân và nỗ lực của ngành y tế. Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo 24 quận, huyện trên địa bàn từ nay đến hết tháng 11 phải tiến hành phun thuốc diệt lăng quăng đợt 3. Mục tiêu phun thuốc là các điểm có nguy cơ cao như trường học, các khu chế xuất, công trường xây dựng bỏ trống, nhà trọ… Ngoài ra, nếu ngành y tế phát hiện nơi nào còn để các vật chứa nước tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển thì chủ nơi đó sẽ bị xử phạt hành chính. Thanh Huyền
TP.HCM: Dịch sốt xuất huyết có chững lại trong tháng 10
Cụ thể ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi sốt xuất huyết, trong đó 10% là ca nặng.
28 ngày qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 780 ca sốt xuất huyết. Bệnh viện Nhiệt Đới mỗi ngày điều trị cho khoảng 20 người lớn bị sốt xuất huyết. Nhìn chung, số bệnh nhân sốt xuất huyết tại 3 bệnh viện trên có vẻ chững lại từ 1 tuần nay.
- Cẩm Quyên