– Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có 8 triệu người (chiếm xấp xỉ 1/10 tổng dân số) bị ngộ độc thực phẩm hoặc ngộ độc do liên quan đến thực phẩm.
Đây là thông tin do ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký, trưởng ban pháp chế phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cung cấp tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được tổ chức sáng 10/9.
Theo ông Huỳnh, thực trạng ATVSTP ở Việt Nam đang ở mức báo động. Nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ và khó chọn lựa thực phẩm an toàn, kể cả những thực phẩm thiết yếu.
Tình hình ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam đang ở mức báo động, người dân mất lòng tin về độ an toàn ở nhiều loại thực phẩm, kể cả thực phẩm thiết yếu (Ảnh minh họa: Cẩm Quyên) |
Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Cục ATVSTP, nhận thức của người dân về vấn đề ATVSTP đều được nâng cao hơn trong 3 năm trở lại đây (từ 2005-2008).
Theo đó, nhận thức của người sản xuất sản phẩm thực phẩm tăng từ 47,8% lên 55,7%; nhận thức của người kinh doanh thực phẩm tăng từ 38,6% lên 49,4%; nhận thức của người sử dụng thực phẩm tăng từ 38,3% lên 48,65%.
Nhờ đó, số vụ ngộ độc thực phẩm trong cả nước vẫn cao (8 triệu người/năm) nhưng đã bắt đầu có chiều hướng giảm. Số người mắc ngộ độc thực phẩm năm 2005 đã giảm gần một nửa (43,34%) so với năm 1994, số ca tử vong cũng giảm 28,17%.
Các cơ sở đảm bảo ATVSTP tăng mạnh. Năm 2006, cả nước chỉ có 1.106 cơ sở đạt yêu cầu. Nhưng chỉ sau 2 năm, con số này đã lên tới 17.592 cơ sở.
Quản lý ATVSTP: Bộ Công thương là “thừa”?
Theo đóng góp của bà Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học pháp lý thì dự thảo luật ATVSTP chưa chỉ rõ được trách nhiệm chủ chốt của các cơ quan liên quan trong quản lý thực phẩm.
“Dự thảo nêu rõ: Cả 3 bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Y tế, Bộ Công thương cùng quản lý ATVSTP nhưng thực chất là không chỉ rõ bộ nào đứng ra làm đầu mối chủ chốt, thành ra có nhiều mà thực chất lại là không có ai”, bà Hồng nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam cho rằng: “Không nên đưa Bộ Công thương vào đây làm gì. Thực phẩm trên thị trường không do Bộ NN&PTNT kiểm soát đã có Bộ Y tế đứng ra chịu trách nhiệm về độ an toàn. Thực chất quản lý ATVSTP chỉ cần 2 bộ này là đủ”.
Tuy nhiên, việc để Bộ Công thương “đứng ngoài” hiện là điều không thể xảy ra nên ông Chương vẫn đề xuất quản lý ATVSTP nên thực hiện thao hướng: Đúng người, đúng việc, mỗi việc chỉ một bộ phận phụ trách, tránh chồng chéo.
Ông Chương ví dụ: Việc xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn do bộ NN&PTNT chủ trì, 2 bộ còn lại phối hợp. Nhưng xây dựng chiến lược chính sách, quy hoạch bảo vệ sức khỏe người dân Việt Nam trước nguy cơ thực phẩm không an toàn phải do bộ Y tế chủ trì, 2 bộ còn lại phối hợp. Và sự phối hợp giữa các bộ này phải nhịp nhàng, thông suốt.
“Như vậy, nếu mắc khâu nào thì sẽ biết rõ đầu mối mà truy trách nhiệm, không nên chỉ nói chung chung là cả 3 bộ cùng quản lý”, ông Chương nói.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến các vấn đề quảng cáo, truy xuất nguồn gốc thực phẩm,… Ông Nguyễn Xuân Vang, Phó Chủ nhiệm ủy ban khoa công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: “Từ nay đến khi luật được thông qua vào năm 2010, nội dung dự thảo luật sẽ thay đổi đến 70%!”.
Chi chưa tới 1.000 đồng/người/năm cho ATVSTP
Ông Nguyễn Xuân Vang, Phó Chủ nhiệm ủy ban khoa công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: “ATVSTP hiện nay là một vấn đề nóng bỏng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Theo tính toán, mỗi năm, trung bình mỗi người dân Việt Nam chỉ được chi 780 đồng cho công tác đảm bảo ATVSTP”.
Theo ông Vang, những bất cập trong công tác đảm bảo VSATTP còn thể hiện ở chỗ: Cả 2 bộ (bộ Y tế và bộ NN&PTNT) chỉ có 12 người làm công tác đảm bảo ATVSTP của cả nước. Như vậy là quá tải, không thể làm xuể.
Tại các tỉnh, hầu như mỗi tỉnh chỉ có 1 cán bộ làm công tác đảm bảo ATVSTP. Nhưng cán bộ này còn kiêm nhiệm luôn cả công tác thanh tra, kiểm tra.
-
Cẩm Quyên