- Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ y tế Trịnh Quân Huấn về tình hình dịch cúm A/H1N1 trong buổi giao ban công tác phòng chống dịch cúm chiều 26/8.
Công bố các nơi xét nghiệm phục vụ mùa đông
Theo Thứ trưởng Huấn, dịch ở Việt Nam hiện nay chưa chạm đỉnh. “Dù số ca bệnh vẫn tăng từng ngày nhưng dịch mới lây lan mạnh trong cộng đồng tại một số địa phương”, Thứ trưởng Huấn cho biết.
Để chuẩn bị cho mùa đông tới, Thứ trưởng Huấn chỉ đạo các đơn vị liên quan cần lập ngay danh sách các nơi có khả năng và đủ điều kiện xét nghiệm cúm A/H1N1, công bố rộng rãi tới tất cả các địa phương và toàn thể người dân được biết.
Trong thời gian tới sẽ công bố các cơ sở có thể xét nghiệm cúm A/H1N1 để phục vụ nhu cầu của người dân sẽ tăng rất cao trong mùa đông. Việc này cũng nhằm giúp giảm tải các viện tuyến trên (Ảnh: Người dân đăng ký xét nghiệm cúm A/H1N1 tại Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới QG - Cẩm Quyên) |
“Nhu cầu được chủ động xét nghiệm của người dân là chính đáng. Họ có thể tìm tới những địa chỉ này, nếu âm tính sẽ phải trả phí xét nghiệm như các bệnh khác”, ông Huấn nói.
Trước tình trạng một số địa phương phản ánh thiếu kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch, dẫn đến nhiều bất cập như thiếu trang thiết bị, … Thứ trưởng Huấn yêu cầu: “Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ phải có trách nhiệm báo cáo cụ thể ngân sách dự trù đối phó dịch của riêng mình. Việc này đã được thông báo từ lâu và là một trong những nội dung của kế hoạch phòng chống dịch, cần phải làm nhanh vì mùa đông đang đến gần”.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), phương án giám sát dịch bệnh đã được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, nhất là trong mùa đông tới.
Theo đó, tại các địa phương dịch lây lan mạnh trong cộng đồng chỉ giám sát các chùm ca bệnh lớn có nhiều bệnh nhân và các đối tượng có nguy cơ cao.
Tại các địa phương dịch xâm nhập rải rác, giám sát các ca nhiễm và tại nơi chưa có dịch, cần tăng cường giám sát ca nghi ngờ.
Lo ngại virut cúm biến đổi gen
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có chuyến đi Bắc Kinh (Trung Quốc) để tham dự hội nghị về cúm A/H1N1. Theo đó, điểm nổi bật đáng lo ngại hơn cả được rút ra từ hội nghị này là khả năng virut cúm biến đổi gen.
Chưa có bệnh nhân cúm nào của Việt Nam kháng thuốc (Ảnh: Phạm Hải)
Ông Trịnh Quân Huấn cho hay: “Hiện trên thế giới đã có Nhật Bản, Mỹ, Hong Kong, Trung Quốc đại lục, và một số nước khác có bệnh nhân nhiễm cúm, phải sử dụng thuốc khác tamiflu điều trị và đều khỏi bệnh”.
Theo ông Huấn, điều này chứng tỏ đã có những biến đổi về một số nhóm gen trong virut, gây kháng thuốc. “Như vậy, các nhóm còn lại cũng có thể biến đổi hoặc sắp xếp lại trình tự, tạo ra một chủng virut mới có độc lực cao hơn”, ông Huấn nói.
Hiện nay, chưa có kết quả nghiên cứu hoặc trường hợp cụ thể nào chứng tỏ những chủng virut cúm đã kháng thuốc này có lây lan từ người sang người, từ nơi này sang nơi khác hay không.
“Nếu hiện tượng trên có xảy ra, việc điều trị bằng tamiflu sẽ trở nên rất phức tạp”, ông Huấn lo lắng.
Theo thông tin từ ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, hiện nay việc gửi mẫu bệnh phẩm từ các địa phương xa xôi thế này về tận Hà Nội là một bất cập lớn, vừa gây tốn kém vừa gia tăng thời gian chờ đợi, gây áp lực cho cả người bệnh lẫn cơ sở y tế.
Ngoài ra, hiện nay số tamiflu dự phòng của 2 tỉnh này sắp hết hạn sử dụng (tháng 11/2009). Do đó, 2 tỉnh có đề nghị bộ Y tế chuyển số tamiflu này đến các nơi đang cần phải dùng ngay để tránh lãng phí và cung cấp số tamiflu còn dài hạn để dự phòng.
Đề nghị này đã được Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn ghi nhận. Trong điều kiện mới, tại những nơi nhu cầu dùng tamiflu chưa có hoặc chưa cao, lượng dự phòng sẽ được chuyển cho các khu vực đang là điểm nóng.
Trong tuần qua, hơn 5.000 viên tamiflu đã được chuyển từ Sở Y tế Hà Nội sang TP.HCM và Viện các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia.
Không được trừ lương công nhân nhiễm cúm A/H1N1 Tại buổi giao ban, ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết: Qua đợt công tác tại khu vực phía Nam, chúng tôi có thấy một số phản ánh công nhân làm việc tại các khu công nghiệp bị nhiễm cúm phải cách ly tại bệnh viện, bắt buộc phải nghỉ làm nên công ty đã trừ lương của họ. “Việc làm như vậy là không được. Nhà nước đã có chủ trương điều trị miễn phí và tạo mọi điều kiện cho bệnh nhân. Các khu công nghiệp không những không được trừ lương của công nhân mà thậm chí còn phải hỗ trợ họ để họ mau chóng điều trị khỏi bệnh, sớm đi làm trở lại bình thường. Nếu trừ lương, công nhân (vỗn đã có thu nhập thấp) sẽ lo lắng và tìm cách đi làm khi chưa khỏi bệnh, khiến nguy cơ dịch lây lan mạnh hơn”, ông Dương nói. |
-
Cẩm Quyên