221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
1231726
Hà Nội mải lo cúm A/H1N1, lơ là sốt xuất huyết?
0
Article
null
Hà Nội mải lo cúm A/H1N1, lơ là sốt xuất huyết?
,

 - Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang vào thời kì cao điểm nhất nhưng gần như bị “chìm nghỉm” trước dịch cúm A/H1N1. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội tăng gấp 10 lần.

 

Học sinh, sinh viên mắc bệnh tăng đột biến

 

Theo nhận định của ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thì năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn 1 tháng so với mọi năm. “Đây đang là thời gian cao điểm nhất của dịch. Thời kì căng thẳng này kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 9”, ông Huấn nói.

 

Mô tả ảnh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm la liệt tại hành lang, lối đi của Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia.

 

Trong tháng 7 và tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết mới của Hà Nội chiếm đến 80% tổng số bệnh nhân tính từ đầu năm. Còn tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, tính từ tháng 1/2009 đến tháng 7/2009 có gần 500 người mắc sốt xuất huyết. Trong đó, số ca mắc tháng 6 cao gấp 3 lần so với tháng 5. Số ca mắc tháng 7 cao gấp 2 lần so với tháng 6.

 

Từ đầu tháng 8, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh. Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cho biết: “Mỗi ngày trung bình có đến gần 40 ca sốt xuất huyết nhập viện”.

 

Theo ông Hà, điều đáng lo ngại là rất nhiều ca nhập viện trong tình trạng đã có biến chứng nặng do không phát hiện và điều trị sớm. Trong số đó, đối tượng học sinh, sinh viên chiếm nhiều nhất.

 

“Tháng 8, sinh viên đổ về Hà Nội nhập học với số lượng lớn, lại thường thuê nhà cấp 4 ẩm thấp, có thói quen xấu khi ngủ là không mắc màn, tạo điều kiện cho bệnh sốt xuất huyết phát triển”, ông Hà lý giải.

 

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 20/8, 100% quận, huyện của thành phố đã có người sốt xuất huyết, tổng lượng bệnh nhân trên 2.100 người, chủ yếu tập trung tại khu vực nội thành và các nơi có tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ (như Từ Liêm, Thanh Trì).

 

Mải lo cúm A, lơ là sốt xuất huyết?

 

Trong thời gian vừa qua, cả người dân lẫn phương tiện thông tin đại chúng đều tập trung vào diễn biến dịch cúm A/H1N1 và hầu như không “đả động” đến dịch sốt xuất huyết, dù đây đang là thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ nhất.

 

Mô tả ảnh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể sẽ tử vong nếu người dân không cảnh giác, phát hiện và điều trị kịp thời

 

Theo ghi nhận tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, có rất nhiều bệnh nhân không hề biết dịch sốt xuất huyết đang hoành hành ở khu vực nội thành và dịch đang lên đỉnh vào thời gian này.

 

Chị Nguyễn Thị Hoà, bệnh nhân sốt xuất huyết đến từ quận Hoàng Mai thật thà kể: “Tôi chỉ nghe nói đang có dịch cúm chứ sốt xuất huyết khi bị rồi tôi mới biết là có lắm người mắc đến thế”.

 

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết cả nước đã tăng  thêm 25%, số tử vong tăng 24%. Các tỉnh phía Nam vẫn là nơi có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhất và đã có 5 người tử vong”.

 

Ông Nga nhấn mạnh: “Các địa phương rốt ráo phòng cúm, người dân lo bị nhiễm cúm nhưng không được lơ là sốt xuất huyết. Người dân cần tích cực giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, an toàn để dịch không có điều kiện phát triển”.

 

Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết

 

Bệnh nhân sốt cao đột ngột (39-40 độ) kèm các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn, đau cơ, da xung huyết hoặc có phát ban sau 2-3 ngày.

 

Bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không được điều trị kịp thời có thể gây chảy máu nội tạng, truỵ mạch, mất nhiều máu, nguy cơ tử vong rất cao.

 

  • Cẩm Quyên

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,