221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
233135
Bộ Y tế: Bảy biện pháp bình ổn giá thuốc
1
Article
null
Bộ Y tế: Bảy biện pháp bình ổn giá thuốc
,

 

(VietNamNet) - Sau báo cáo kết quả thanh tra của liên ngành về nguyên nhân tăng giá thuốc trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa ra bảy biện pháp nhằm bình ổn thị trường. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra dự thảo về chỉ thị của bộ trưởng về việc chấn chỉnh công tác cung ứng thuốc trong bệnh viện. Những nội dung trên được đưa ra tại hội thảo ''Công tác đảm bảo cung ứng thuốc cho nhân dân'', do Bộ Y tế tổ chức sáng 24/3 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

7 giải pháp bình ổn giá thuốc

Thứ nhất, nhập khẩu: Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư hướng dẫn bổ sung hướng dẫn xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đồng thời, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc áp mã thuế nhập khẩu đối với các thuốc đã được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu không áp dụng vào mã thuế của mỹ phẩm; xem xét lại việc sử dụng phương pháp dựa vào giá bán lẻ để tính thuế nhập khẩu.

Thứ hai, nhập khẩu: Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ban hành chỉ thị mới về việc cung ứng thuốc, sử dụng thuốc trong các cơ sở điều trị. Bên cạnh đó, Bộ Y tế có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích sử dụng thuốc của các cơ sở sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn ''Thực hành sản xuất thuốc tốt'' (GMP). Tổng Công ty Dược Việt Nam, các Công ty - Xí nghiệp Dược nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức đấu thầu.

Thứ ba, quản lý giá thuốc: Bộ Tài chính phải xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý giá thuốc sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý giá thuốc, đồng thời ban hành các quy định về đấu thầu thuốc cung ứng cho bệnh viện và chế tài xử phạt những cơ sở vi phạm về giá thuốc.

Thứ tư, chống độc quyền: Nhập khẩu song song và tổ chức nhập khẩu song song các thuốc đang bị áp đặt giá cao tại Việt Nam. Đồng thời, phải có quy định về sản xuất thuốc theo hợp đồng.

Thứ năm, tài chính: Các bệnh viện phải được tạo nguồn kinh phí để chủ động đấu thầu mua thuốc cho bệnh viện trong thời gian sáu tháng - một năm. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cước vận chuyển thuốc tới vùng sâu, vùng xa...

Thứ sáu, tuyên truyền giáo dục: Tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, giúp người dân hiểu chất lượng thuốc sản xuất trong nước, khắc phục thị hiếu chuộng thuốc ngoại, biệt dược.

Thứ bảy, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: Kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, lậu thuế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về giá thuốc trên thị trường.

Về tình hình thuốc tăng giá thời gian qua, thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng cũng phải thừa nhận: ''Thị trường thuốc Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Song từ năm 2002 trở lại đây, thị trường thuốc có biến động. Nguyên nhân chính là khâu nhập khẩu và phân phối thuốc''.

Phân phối thuốc: Đường ''lòng vòng''

Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước mới đáp ứng 40% nhu cầu sử dụng của xã hội, còn lại 60% ''nhường chỗ'' cho thuốc nước ngoài. Ngành dược mới có khả năng sản xuất được thuốc thành phẩm với khoảng 400 hoạt chất, trong đó chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc điều trị các bệnh thông thường. Việc cung cấp thuốc ở các bệnh viện (BV) chủ yếu bằng hình thức đấu thầu, chỉ thầu. Trừ những BV lớn đảm bảo thuốc cung ứng cho bệnh nhân, còn lại ở các BV khác người bệnh phải tự mua thuốc tại cơ sở.

Việc cung ứng thuốc và kê đơn thuốc thời gian qua còn tồn tại một số việc như chưa đáp ứng yêu cầu điều trị, chưa thống nhất phương thức cung ứng thuốc cho người bệnh, chưa thực hiện nghiêm túc quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn. Bên cạnh các vấn đề như quản lý nhà nước, sử dụng thuốc, kinh phí, độc quyền... thì quá trình phân phối thuốc cũng là khâu làm ảnh hưởng đến giá thuốc trong thời gian qua. Thuốc nhập về qua các công ty xuất nhập khẩu dược phẩm đến khâu bán thường chênh lệch giá 5-10% so với giá nhập khẩu. Ví dụ: Công ty Dược phẩm TP.HCM bán chênh lệch 3-8%, Công ty Dược phẩm TW 1: chênh lệch 6-8%...

Về vấn đề này, cục trưởng Cục Quản lý Dược Trần Công Kỷ cho biết: ''Sau khi qua các công đoạn của quá trình phân phối từ lúc nhập khẩu đến lúc vào đến BV, giá thuốc đã tăng bình quân lên 20-25% so với giá nhập khẩu ban đầu. Nếu thuốc nhập khẩu lại được ủy thác qua các công ty TNHH độc quyền phân phối, phải chi cho các khâu tiếp thị, quảng cáo thì giá sẽ bị đẩy lên cao, cá biệt có nơi tới 340% so với giá bán buôn ban đầu''.

Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng cũng đồng tình với quan điểm này: ''Phân phối thuốc như thế nào là vấn đề quan tâm. Tổ chức lại việc hệ thống cung ứng thuốc tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Thứ nhất là tổ chức cho một số công ty đủ mạnh phân phối thuốc. Thứ hai là việc tổ chức đấu thầu thuốc cho BV phải đổi mới - như đấu thầu ở cấp quốc gia cho công ty lớn, đấu thầu tập trung do Sở Y tế từng tỉnh chỉ đạo, đấu thầu theo mặt hàng; thay vì theo gói thầu như trước kia đi thu gom của một số công ty khác, khiến cho giá thuốc tăng...''.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm, đại diện Sở Y tế TP.HCM khẳng định: ''Hệ thống cung ứng thuốc nhiều tầng, nhiều cấp đã làm cho giá thuốc tăng lên chóng mặt''!

Nhiều ý kiến cho rằng phương thức đấu thầu cung ứng thuốc chỉ cho phép doanh nghiệp nhà nước tham gia dự thầu theo gói thầu, dẫn đến hiện tượng mua bán thuốc ''lòng vòng''  giữa các doanh nghiệp nhà nước, các công ty TNHH, nhà thuốc. Và đó là nguyên nhân chính của việc chênh lệch lớn giữa giá nhập khẩu và giá bán ra, vì mỗi khâu đều phải cộng thêm chi phí.

Với hàng loạt nguyên nhân, giải pháp nào cho thỏa?

Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trần Công Kỷ

Phân phối chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thuốc tăng trong thời gian qua nhưng lại được nhiều đại diện các địa phương quan tâm. Trong khi đó, hãy còn hàng loạt các nguyên nhân khác, như quản lý nhà nước độc quyền, kinh phí... Nhằm khắc phục những tồn tại đang diễn ra, Bộ Y tế đã nêu lên bảy giải pháp chính của các khâu nhập khẩu, phân phối, quản lý giá thuốc, chống độc quyền, tài chính, tuyên truyền giáo dục và thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trần Công Kỷ nói: ''Việc sử dụng thuốc trong BV và cộng đồng phải thực hiện nghiêm quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn. Nếu thực hiện nghiêm quy chế này, sẽ tránh được hiện tượng nhiều công ty tổ chức bán thuốc ngay tại Khoa, Phòng của BV. Tiếp đó, phải xem xét hệ thống bán lẻ thuốc bên ngoài. Tăng cường truyền thông để bác sĩ và người sử dụng thuốc hiểu rằng hiện nay chúng ta không thiếu thuốc, có rất nhiều thuốc để thay thế và có những thuốc được thử sinh học giá rẻ hơn nhiều, thay vì chạy theo biệt dược, thuốc tên thương mại''.

Tại hội thảo có hàng chục ý kiến khác nhau, song ý kiến nào cũng xoay quanh những nguyên nhân tăng giá thuốc, đồng thời đề xuất những biện pháp nhằm ''hạ nhiệt'' thị trường thuốc. Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng cho biết: Trong thời gian tới, sẽ có một số văn bản pháp quy nhằm bình ổn giá thuốc trên thị trường, đặc biệt là Nghị định về quản lý giá thuốc.

Ngay trong buổi sáng hôm nay, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo Chỉ thị chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện. Theo đó, giám đốc BV có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ thuốc, không để người bệnh phải tự mua thuốc trong thời gian điều trị tại BV, tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc trong BV, không để trình dược viên tiếp xúc với cán bộ y tế của BV...

Kết quả đến đâu, còn phải chờ thực tế trả lời.

  • Lệ Hà 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,