221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
222204
Đấu thầu để bình ổn giá thuốc
1
Article
null
Đấu thầu để bình ổn giá thuốc
,

(VietNamNet) - Đó là nội dung của cuộc họp diễn ra vào hôm nay 3/3, giữa Bộ Y tế với đại diện các bệnh viện để bàn về các biện pháp bình ổn giá thuốc, cùng dự thảo quy chế cung ứng thuốc cho bệnh viện. 

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đều đề cập đến việc đấu thầu thuốc tại các bệnh viện. Hiện nay, phương thức cung ứng thuốc vẫn qua hình thức đấu thầu (đấu thầu rộng rãi; đấu thầu hạn chế; chỉ định thầu). Mỗi bệnh viện sẽ áp dụng cách thức đấu thầu riêng của mình. Trong khi đó, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức đấu thầu thống nhất trong cả nước. Việc đấu thầu thuốc khác nhau dễ dẫn đến gía thuốc ở mỗi địa phương cũng khác nhau. Đó là chưa kể đến việc tiền mua thuốc chưa thanh toán dứt điểm, khiến cho lúc giá thuốc trên thị trường biến động đã buộc bệnh viện phải tăng giá thuốc vì doanh nghiệp cung ứng thuốc tính giá cao hơn so với thời điểm nợ.

Trước tình hình giá thuốc trên thị trường liên tục biến đổi, đại diện Bộ Y tế cho biết: Theo dự thảo quy chế, việc cung ứng thuốc cho bệnh viện sẽ được tổ chức đấu thầu tập trung trong thời gian sáu tháng hoặc một năm. Đến tháng 6/2004, Bộ Y tế sẽ cùng Bộ Tài chính đưa ra văn bản thống nhất hướng dẫn đấu thầu thuốc trong bệnh viện. Các bệnh viện trung ương sẽ chủ động đấu thầu, còn bệnh viện tuyến dưới do Sở Y tế đảm nhiệm.

 

Đại diện nhiều bệnh viện đều đề xuất phải có một khung giá sàn, chống độc quyền trong nhập khẩu thuốc; có các quy định về thanh - kiểm tra việc kê đơn, bán thuốc theo đơn và kê đơn theo tên gốc cùng các giải pháp chống độc quyền - cụ thể là quy định về nhập khẩu song song và nhập khẩu thuốc chuyên dụng. Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam nên chủ động việc sản xuất và tự cung ứng thuốc, không nên nhập khẩu của nước ngoài nhiều.

 

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cũng đưa ra danh mục 177 loại thuốc thiết yếu thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá để lấy ý kiến của đại diện các bệnh viện.

Được biết trước khi có cuộc họp hôm nay, vào ngày 2/3, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm một lần nữa đã phải cùng nhau ngồi lại góp ý cho bản dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người.

Chỉ trong vòng một năm, giá thuốc đã có ba đợt biến động lớn. Nhằm bình ổn giá thuốc trên thị trường, cuối năm 2003, liên Bộ Y tế - Tài chính đã đưa ra Thông tư 08 hướng dẫn việc kê khai, niêm yết giá thuốc phòng, chữa bệnh cho người. Thế nhưng vào sát thời điểm thông tư này có hiệu lực thì Bộ Y tế lại quyết định hoãn thời hạn niêm yết giá thuốc với lý do tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có phương án xây dựng giá thành, tính toán lại chi phí cũng như lợi nhuận thích hợp; từ đó có thể đưa ra giá thành hợp lý; hạn chế việc niêm yết giá ''đón đầu'' như hiện nay.

Đến nay, Thông tư 08 vẫn còn nằm trên... văn bản thì một lần nữa giá thuốc trên thị trường lại tăng cao. Theo Bộ Thương mại, giá thuốc nhập khẩu trong tháng 2 và những ngày đầu tháng 3 đã tăng trung bình 5-10% so với tháng 12/2003, do một số loại nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng giá. Có bốn loại thuốc tiêm của nhà sản xuất F. Hoffmann – La Roche (Thuỵ Sĩ) có mức tăng khá cao, khoảng 21,48% - 57,08% (Biotin 5mg, hộp sáu ống tăng từ 1,95 USD/hộp lên 2,4USD/ hộp; Laroscorbin 500mg, hộp sáu ống, tăng từ 2,19 USD/hộp lên 3,44 USD/ hộp;…).

  • Lệ Hà

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,