Chưa đầy 6 tháng tuổi, trẻ bỗng nhiên thở khò khè, nôn hoặc đau bụng, đi phân lỏng (có thể lẫn máu). Những biểu hiện đáng lo ngại này nhiều khi chỉ do loại sữa bé bú hàng ngày, thường là sữa bò và sữa hộp, thỉnh thoảng do sữa đậu nành. Có đến 30-40% bé dùng các loại sữa này bị dị ứng và cần được xử trí đúng.
Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ít bị dị ứng hơn so với trẻ được nuôi bằng sữa bò. |
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dị ứng sữa thực chất là biểu hiện dị ứng với chất protein (chất đạm) có trong sữa bò và sữa hộp. Hàm lượng cao protein trong các loại sữa này (đặc biệt là sữa bò) chưa được xử lý có thể làm trẻ khó tiêu hóa; các chất điện giải (muối) trong đó cũng gây khó khăn cho thận chưa hoàn toàn trưởng thành của trẻ.
Biểu hiện dị ứng sữa diễn ra theo 2 cách:
- Ðột ngột thở khò khè, nôn, toàn thân có phản ứng nghiêm trọng (hiện tượng phản vệ), phù nề, nổi đám mẩn ngứa trên da.
- Diễn biến từ từ (thường gặp hơn) với các triệu chứng như đi phân lỏng (có thể lẫn máu), nôn, hay đau bụng, không tăng cân và phát triển bình thường. Kiểu phản ứng này khó chẩn đoán hơn vì dễ lầm với nhiều bệnh khác.
Từ 2 tuổi trở lên, hầu hết trẻ sẽ vượt qua tình trạng không dung nạp protein trong sữa. Riêng trẻ không dung nạp đường lactoza, các triệu chứng thường là chướng bụng, đau dạ dày, đánh hơi nhiều và tiêu chảy.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây dị ứng sữa chưa được hiểu rõ hoàn toàn, cũng như tại sao có một số trẻ bị nhưng một số trẻ khác lại không? Tuy nhiên các bác sĩ nhi nhận thấy những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ít có nguy cơ bị dị ứng hơn so với trẻ nuôi bằng sữa bò hay sữa đậu nành. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân dị ứng sữa là do sự phối hợp của yếu tố di truyền và việc cho trẻ ăn sớm sữa bò hay sữa đậu nành.
Chẩn đoán
Nếu nghi ngờ trẻ quấy khóc là do dị ứng sữa, nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi (với bác sĩ chuyên khoa khác, bệnh dễ bị bỏ qua, xem là không nghiêm trọng và dễ chẩn đoán nhầm). Bác sĩ sẽ tìm hiểu bệnh sử gia đình có dị ứng hay không dung nạp với những loại thức ăn nào, khám thực thể trẻ, cho làm một số xét nghiệm như thử phân (thường lẫn máu nếu trẻ bị dị ứng với protein của sữa). Trường hợp trẻ không dung nạp với đường lactoza thì phân có độ toan do có đường không tiêu hóa được.
Test dị ứng trên da cũng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện ( thường nổi mẩn đỏ vùng thử), nhưng test này không đặc hiệu vì nhiều trẻ lớn không bị dị ứng với protein của sữa cũng cho kết quả dương tính.
Ðiều trị
Với thể bệnh có diễn biến đột ngột thì chuyển sang dùng sữa đậu nành có thể đem lại kết quả, vì các protein trong sữa đậu nành khác với protein trong sữa bò nhưng vitamin và chất khoáng lại giống nhau nên giá trị dinh dưỡng về cơ bản vẫn bằng nhau. Một con số đáng khích lệ là chỉ có 8-15% trẻ có phản ứng phụ với sữa làm từ đậu nành.
Nếu vẫn không kết quả, cần cho trẻ dùng loại sữa được chế tạo đặc biệt với những protein ít gây dị ứng. Khoảng 50% cháu dị ứng với protein của sữa có diễn biến từ từ lại cũng dị ứng với sữa đậu nành, do đó cần thay thế bằng loại sữa ít gây dị ứng. Loại sữa đặc biệt này đắt hơn sữa thông thường khoảng 3 lần.
Có thể tìm mua sữa chứa protein ít gây dị ứng ở các khoa dinh dưỡng của các bệnh viện nhi hoặc trên thị trường. Công thức sữa ít gây dị ứng có thể là: dịch tiết của sữa chua đã đông, các protein bị phá vỡ để dễ tiêu hóa, ít gây dị ứng; thủy phân casein để chỉ còn chứa các mảnh protein và các amin acid (thành phần đơn giản nhất của protein). Nên dùng loại sữa ít gây dị ứng trong 2 tháng hay hết năm đầu rồi mới cho trẻ làm quen dần với sữa bò. Nếu trẻ vẫn bị dị ứng thì cứ 3-6 tháng lại cho trẻ dùng thử lại sữa bò.
Cũng có thể cho trẻ chuyển sang bú mẹ, tuy nhiên cần theo dõi sát các cháu vì chất protein trong các sản phẩm làm bằng sữa bò mà người mẹ ăn có thể đi vào sữa; người mẹ sẽ buộc phải kiêng ăn các sản phẩm làm từ sữa.
BS. Ðào Xuân Dũng (Sức khoẻ & Đời sống)