221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
49897
Người nhiễm HIV/AIDS còn ''mơ'' đến thuốc điều trị?
1
Article
null
Người nhiễm HIV/AIDS còn ''mơ'' đến thuốc điều trị?
,

(VietnamNet) - Sau 12 năm kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên tới nay. Việt Nam đã phát hiện trên 65.000 trường hợp nhiễm HIV/AIDS. Bệnh nhân AIDS ngày càng tăng, nhu cầu thuốc điều trị càng lớn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là người bệnh chủ yếu là dân nghèo, ít có điều kiện tiếp cận với thuốc bởi thuốc điều trị AIDS quá đắt.

Trên thế giới, chi phí tiền thuốc điều trị cho một bệnh nhân khoảng 14.000 USD/người/năm. Số tiền này tương ứng với 4-6 tháng lương của một người lao động ở nước phát triển và 30 năm lương của một lao động ở các nước đang phát triển. Đây là lý do khiến hầu hết bệnh nhận ở nước đang phát triển không không thể tiếp cận với thuốc điều trị. Việt Nam là một trong những nước có cùng chung tình trạng này.

Lần đầu tiên một cuộc hội thảo bàn về vấn đề tiếp cận thuốc điều trị AIDS tại Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Các ý kiến đều tập trung vào việc thuốc điều trị AIDS tại Việt Nam còn quá cao. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là dân lao động nghèo, không có đủ khả năng mua thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, thuốc sản xuất trong nước có thể chất lượng không đảm bảo bằng thuốc nhập ngoại?

''Người nội dùng hàng nội''

Đây là một trong những ý kiến được sự ủng hộ của nhiều đại diện các cơ quan tham dự hội thảo. Từ năm 1996, Việt Nam đã bắt tay vào sản xuất thuốc điều trị AIDS, đến nay đã có 31 xí nghiệp tham gia sản xuất. Hiện Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã đưa 12 loại thuốc điều trị vào danh mục thuốc thiết yếu để các nước có thể áp dụng nhưng không phải bất cứ bệnh nhân AIDS nào cũng tiếp cận được với thuốc. Ở Việt Nam các thuốc chống HIV/AIDS đang được bào chế dưới dạng rắn, chủ yếu dưới dạng viên nén và năng cứng.

Giá thuốc sản xuất trong nước chỉ bằng 1/4 giá nhập khẩu, giúp cho người bệnh tăng cơ hội tiếp cận thuốc. Chẳng hạn thuốc nhập khẩu của Hãng Lamivudine có giá 2,5USD/viên trong khi giá thành loại thuốc này nếu sản xuất trong nước chỉ là 10.000 đồng/viên (thấp hơn 0,7 USD/viên)̀.

Theo GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ Y tế, ''việc dùng thuốc cho Việt Nam sản xuất có nhiều ưu điểm, đó là giá rẻ, phù hợp với điều kiện của người Việt Nam. Khi sản xuất thuốc tại Việt Nam sẽ tiết kiệm ngoại tệ, kiểm soát được điều kiện sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trong ngành dược, khuyến khích phát triển sản xuất trong nước.... Thế nhưng, việc sản xuất thuốc điều trị AIDS cần phải cân nhắc cẩn thận, bởi các hoạt chất còn trong thời gian bảo hộ bản quyền. Khi đưa ra sản phẩm các tổ chức nghiên cứu khoa học phải kết hợp giữa đông và tây y. Chúng ta cần kiểm nghiệm chất lượng thuốc chặt chẽ hơn trước khi đưa vào điều trị''.

Sản xuất thuốc điều trị HIV/AIDS còn gặp trở ngại

Phương châm ''người nội dùng thuốc nội'' được sự ủng hộ của nhiều người nhưng người bệnh lại đặt ra câu hỏi liệu thuốc nội có đảm bảo chất lượng không? Theo Ths.Trần Công Ky- Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, ''Việt Nam đã đáp ứng được những yêu cầu về quy trình, chất lượng để sản xuất các thuốc điều trị HIV/AIDS''.

Kể từ năm 1999, các loại thuốc điều trị đặc hiệu đã được nhập vào Việt Nam. Với kinh phí trên dưới 3 tỷ đồng/năm cho công tác điều trị HIV/AIDS, chỉ đủ cho 50 bệnh nhân và các đối tượng bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Kinh phí điều trị thấp, giá thành thuốc nhập ngoại lại cao, còn thuốc sản xuất trong nước gặp khó khăn.

Một cản trở là thuốc sản xuất tại Việt Nam gặp phải là phản ứng từ các hãng dược phẩm có bản quyền các thuốc cùng chủng loại do sợ mất thị trường. Đấy là chưa kể đến sự ràng buộc của các hiệp định quốc tế, cụ thể là Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).

Do đó, các hãng sản xuất tự do áp đặt giá thành cao mà theo họ là để bù đắp chi phí cho nghiên cứu. Mặc dù các nước kém phát triển có áp đặt giá ưu đãi nhưng thực tế không thấp hơn đáng kể so với giá thực tế. Việt Nam lại không nằm trong nhóm được hưởng ưu đãi đó.

Để giải quyết những khó khăn trên, theo GS.Phạm Mạnh Hùng, Việt Nam cần có chiến lược điều trị HIV/AIDS, trong đó nêu bật các giải pháp cụ thể.

Hiện nay, trên thế giới có trên 34 triệu người nhiễm HIV/AIDS. Tính đến 4/2003 Việt Nam đã phát hiện 65.151 trường hợp nhiễm HIV/AIDS trong đó 9.974đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 5.535 trường hợp tử vong do AIDS. Theo ước tính và dự báo đến năm 2005, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000 người nhiễm trong đó hơn 51.000 trường hợp sẽ tiến triển thành AIDS và trên 46.000 trường hợp tử vong do AIDS.
  • Lệ Hà
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,