221
448
Sức khoẻ
suckhoe
/suckhoe/
135197
Dịch sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát mạnh tại miền Trung
1
Article
null
Dịch sốt xuất huyết tiếp tục bùng phát mạnh tại miền Trung
,

 Ngành y tế các tỉnh miền Trung đang phải tiếp nhận điều trị số ca bệnh sốt xuất huyết tăng vọt. 

(VietNamNet)
- Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, trước tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn đã tăng hơn 2 lần so với những tuần trước đây, (trung bình có 70 - 80 ca/tuần), nâng tổng số ca mắc bệnh lên hơn 500 trường hợp.

Vì vậy, ngành y tế TP.Đà Nẵng đã tập trung điều tra, ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. Trong đó, đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua hóa chất diệt muỗi, cung cấp đầy đủ trang thiết bị và hóa chất cho các trung tâm y tế quận, huyện, chủ động phòng ngừa dịch bệnh... Nhờ vậy, 100% các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đã được khống chế. Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng đang tiến hành phun hóa chất tồn lưu (loại hóa chất đặc biệt, có tác dụng diệt muỗi cao và khả năng tồn lưu 04-05 tháng) cho các nhà trẻ và các lớp học bán trú trên địa bàn thành phố để tránh dịch sốt xuất huyết bùng phát trong học sinh.

Tại Quảng Nam, dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện ở 9 huyện, thị với 926 ca, tăng trên 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9, Quảng Nam có số bệnh nhân sốt xuất huyết cao nhất các tỉnh, thành miền Trung với 269 ca. Nhiều địa phương như các xã Quế Phước, Quế Phú (huyện Quế Sơn), Bình Minh, Bình Hải (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), Tam Quang, Tam Hải, Tam Giang (huyện Núi Thành), Phước Hoà, An Mỹ, Tam Đàn (thị xã Tam Kỳ)... sốt xuất huyết đã bùng phát thành các ổ dịch. Lúc cao điểm, khoa Lây (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) thường xuyên tiếp nhận điều trị từ 35 – 40 ca bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 4 đến giữa tháng 10/2003, khoa Lây (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) đã tiếp nhận và chữa trị 259 ca bệnh sốt xuất huyết, tập trung ở thị xã Tam Kỳ, huyện Thăng Bình và Quế Sơn. Hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện điều trị đều tự mình phát hiện ra bệnh. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong nhưng đây là những con số đáng báo động.

Qua theo dõi giám sát côn trùng tại các vùng có dịch cho thấy, môi trường ở đó thường ẩm thấp, vệ sinh môi trường kém, mật độ dân cư dày, các chỉ số về muỗi, bọ gậy rất cao. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, theo nhận định của giới chuyên môn, dịch sốt xuất huyết xảy ra trên diện rộng ở Quảng Nam năm nay là biểu hiện của sự quay trở lại theo chu kỳ kể từ vụ dịch lớn nhất năm 1998. Để dập tắt các ổ dịch hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các địa phương đã tiến hành phun, tẩm hơn 20 lít hoá chất diệt muỗi, xử lý môi trường các khu dân cư có dịch, phân phát cho người bệnh hơn 450 lọ dịch truyền chống sốc cùng một số biện pháp khác...

Vấn đề ngăn chặn và đẩy lùi dịch sốt xuất huyết đang được ngành y tế đặt lên hàng đầu. Song qua việc bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Quảng Nam và Đà Nẵng thời gian qua cũng đã cho thấy những điểm yếu nhất định của khâu phòng dịch. Sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin phòng trừ đặc hiệu nên các cơ quan chức năng cần có kế hoạch cụ thể trong vấn đề phòng dịch, không thể quen lệ thường là hễ có dịch bùng phát rồi mới lo dập dịch.

  • Thanh Hải

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,