221
12004
Radio VietNamNet
radiovnn
/radiovnn/
1308594
Người Hà Nội "thèm" lắm một trung thu xưa
1
Article
null
Người Hà Nội 'thèm' lắm một trung thu xưa
,

- Trong cuộc sống hiện đại, với người lớn, trung thu nhiều khi chỉ là trách nhiệm đối với con trẻ.

TIN LIÊN QUAN

[video(20853)]


Khi trăng rằm toả sáng cũng là lúc lòng người háo hức chuẩn bị đón Tết trung thu. Phố Hàng Mã rực rỡ đèn hoa, kẻ mua người bán tấp nập. Trung thu nay đầy đủ, tươm tất hơn xưa rất nhiều nhưng người Hà Nội vẫn không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối trung thu xưa.

Thời kỳ trước, cuộc sống còn khó khăn, đồ chơi cho trẻ nhỏ chưa đa dạng như bây giờ. Chủ yếu là đồ chơi tự làm như đèn lồng tre dán giấy bóng kính xanh đỏ, chong chóng tre, mặt nạ ông địa...Có những gia đình không có tiền mua đèn lồng cho con, các ông bố đã nghĩ ra cách lấy lon sữa bò tự chế ra đèn lồng. Đến tận bây giờ, tiếng leng keng của chiếc đèn lồng bằng lon sữa bò vẫn còn vang vọng trong tâm thức của nhiều người.

Bác Thảo – sống tại 45 Hàng Gà chia sẻ: Trung thu xưa trẻ con háo hức, hồ hởi vui mừng để đón ngày tết. Giờ thì các em cũng bình bình, không háo hức như xưa. Ngày đó, các em mà được cái đầu sư tử bé bé hoặc chiếc đèn ông sao là các em rất thích.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Trung thu nay đã khác xưa rất nhiều. Khác từ chiếc bánh nướng bánh dẻo đến không khí đêm hội. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân đậu xanh, hạt sen, hình cá chép, chú lợn ngộ nghĩnh khi xưa đã được thay thế bằng những loại bánh cao cấp với đủ mẫu mã và mùi vị. Những trò chơi dân gian trong đêm rước đèn như rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê đã trở nên lỗi thời, thay vào đó là những trò chơi hiện đại...Thậm chí đèn lồng giấy cũng được thay bằng nhựa và thắp đèn pin. Những trò chơi dân giã ngày xưa như chiếc tàu thủy làm bằng sắt, mặt nạ bằng giấy … vẫn được những người dân phố cổ làm vào mỗi dịp trung thu. Người bán kiên trì đợi khách còn người mua chỉ là một vài người ưa sự hoài cổ.

Cô Hương Lan sống tại phố Châu Long – Ba Đình – Hà Nội, người đã sống tại Hà Nội từ bé chia sẻ: Theo như cảm nhận của mình thì trung thu ngày đó trăng sáng hơn bây giờ, Hà Nội nhiều cây xanh hơn, ít nhà cao tầng hơn. Vì vậy mọi người có cơ hội để “trông giăng” nhiều hơn. Trung thu đến ai mà chẳng háo hức chứ. Trẻ con thì đương nhiên rồi. Người lớn cũng bồn chồn không kém. Họ vui với niềm vui hiện tại của em mình. Trung thu là vầng sáng trong trẻo huyền diệu trong ký ức tâm hồn của mỗi người.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Nhắc đến trung thu xưa và nay, ngoài bánh nướng, bánh dẻo, đèn lồng, đồ chơi trung thu ra thì không khí của trung thu là điều mà nhiều người Hà Nội nhớ hơn cả. Khoảng 20 -30 năm về trước, cuộc sống tuy vất vả nhưng không khí của trung thu luôn rộn ràng trong suy nghĩ của người lớn và tâm hồn con trẻ. Tâm lý háo hức chờ đến trung thu có khi đến trước cả tháng. Người Hà Nội thường ăn tết trông trăng to và đủ đầy hơn những nơi khác. Đến ngày trung thu, trẻ con thường được bố, mẹ mặc cho những bộ quần áo đẹp nhất. Nhà nào khá giả lắm mới sắm cho con một bộ quần áo mới. Bữa cơm chiều được hoàn thành sớm hơn thường ngày để khi mặt trời tắt nắng, trăng lên là trẻ con đã sẵn sàng, í ới gọi nhau ra đường ngắm trăng rằm. 

Buổi tối Trung thu, những cụm dân cư trên phố cổ Hà Nội thường tập hợp lại và tổ chức các đám múa lân, múa sư tử. Trẻ em rất náo nức và thích thú, tay cầm đèn ông sao, đeo mặt nạ theo các đoàn múa lân, múa sư tử đi biểu diễn khắp các tuyến phố của Hà Nội, tiếng hát trẻ thơ hòa cùng với tiếng trống tùng rinh đêm rằm. Sau đó, khi vầng trăng tỏa ánh sáng rực rỡ nhất, trẻ em trở về nhà, ngồi quân quầy bên mân ngũ quả để phá cỗ, trông trăng, nghe người già kể chuyện.

 

Trung thu xưa, mân ngũ quả thường được bàn tay của mẹ, của chị chuẩn bị rất chu đáo và khéo léo, là rất nhiều loại quả của mùa thu, là những chú chó đáng yêu được làm bằng những múi bưởi, là bánh dầy, bánh dẻo. Mân ngũ quả thường được bày ra giữa sân nhà, bên cạnh là một chậu nước sạch. Trước trung thu những trẻ con thường cùng ông, bà ngồi làm những chiếc đèn kéo quân, những người tỉ mỉ, tinh tế còn đưa những câu chuyện cổ tích vào những vòng xoay chầm chậm của đèn để đến tối trung thu, các em lại được lắng nghe ông bà kể chuyện.

Trong không gian trung thu ấy, còn có thoảng mùi thơm của hạt bưởi bị đốt, thơm dìu dịu của hương cốm mùa thu. Những mùa trung thu ấm áp, giản dị, không đủ đầy nhưng chắc chắn sẽ chẳng bao giờ phai trong tâm trí của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


 
Trung thu nay, vẫn là vầng trăng tròn vành vạnh của đêm rằm tháng 8, vẫn là đèn ông sao, bánh trung thu, không thiếu một sản vật gì. Nhưng tâm lý của mỗi người lại không háo hức như xưa. Bởi cuộc sống hiện đại, khi con người bị cuốn vào vòng quay của đồng tiền, bộn bề lo toan với công việc thì trung thu nhiều khi chỉ là trách nhiệm đối với con trẻ. Nhưng khi cuộc sống quá dư giả thì có những giá trị chỉ khi thiếu thốn ta mới có thể cảm nhận được. Và có lẽ không chỉ người Hà Nội, mà rất nhiều người dân ta vẫn “thèm” lắm được hưởng không khí của trung thu xưa một lần.

Bạn mong muốn có một trung thu như thế nào khi rằm tháng Tám sắp đến. Kỉ niệm trung thu nào khiến bạn ấn tượng nhất hãy chia sẻ với chúng tôi bằng cách comment vào hộp phản hồi bên dưới hoặc gửi thu theo địa chỉ : radio.vietnamnet@gmail.com.

  • Tuấn Hải - La Hoàn ( thực hiện)
 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,