Bài 3:

Giáo viên vùng xa: Muốn làm thêm thì... đi buôn

Cập nhật lúc 07:37, 13/09/2010 (GMT+7)

 – Ngay cả với các giáo viên dạy các môn học chính thì ở nông thôn, thu nhập của cán bộ giáo viên cũng không được cải thiện nhiều do nhu cầu học tập và điều kiện kinh tế của phụ huynh, học sinh nông thôn không tốt.
- Hé lộ việc ’dạy thêm’ của giáo viên thể dục 
-
Giáo viên om kiến thức mang đến lớp học thêm: Oan quá! - Thu nhập “siêu khủng” của giáo viên thành thị

Dạy thêm – công việc xa xỉ

Là giáo viên dạy Toán đã 20 năm tại một trường THPT của huyện Mỹ Đức (Hà Nội), chị Loan cho biết chị hầu như không dạy thêm bởi học sinh không có nhu cầu (mặc dù chị có nhu cầu dạy thêm). Nếu học sinh có nhu cầu học thêm thì lại gặp lực cản là điều kiện kinh tế của gia đình các em.

Mô tả ảnh.
Ngoài lương, giáo viên các cấp ở nông thôn và vùng sâu vùng xa hầu như không có khoản thu nào thêm bởi nhu cầu học thêm gần như không có. Mặt khác, điều kiện gia đình học sinh rất nghèo nên nhà trường có tìm cách lạm thu (như ở thành phố) cũng không thực hiện được (Ảnh minh họa: VNN)

Theo đánh giá cá nhân của mình, chị Loan cho rằng tinh thần ham học và đua nhau học tập, sự đầu tư cho con cái của phụ huynh nông thôn thua xa thành phố. Hàng năm chúng ta có những “thủ khoa nông dân” khi thi vào các trường ĐH đỉnh nhất nhưng nhìn về tỷ lệ mà nói thì số ham học là rất ít.

Điều “oái oăm” là các “thủ khoa nông dân” này đều tự học và hầu như không có nhu cầu học thêm. Vì thế, chị Loan cho rằng giáo viên nông thôn “hết cửa” dạy thêm để tăng thu nhập.

  • Trong năm học, hầu như chỉ đến giai đoạn cuồi kỳ, cuối khóa thì nhà trường có tổ chức dạy thêm cho học sinh nhưng với mục đích “hệ thống hóa lại kiến thức đã được học để các em thi học kỳ, thi tốt nghiệp cho tốt” chứ không phải học thêm mang tính chất giống như ở thành phố. Đây cũng là thời kỳ mà các thầy cô phải làm việc vất vả hơn, nhưng vẫn vui vì nhờ có việc hệ thống lại kiến thức như trên mà thu nhập cũng nhỉnh hơn đôi chút.

    Chị Loan cho biết chỉ duy nhất một hình thức chị đã làm cũng có thể “tạm gọi” là kèm thêm, phụ đạo. Đó là hàng xóm láng giềng gửi con, nhờ chị chỉ bảo thêm sau những giờ lên lớp. “Mỗi tháng mỗi cháu chỉ vài chục ngàn thôi, không đáng là bao. Ở nông thôn không có phong trào học thêm, không thể nói là giáo viên tăng thu nhờ dạy thêm được”, chị Loan nói.

    Khảo sát 54 giáo viên của trường THPT Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức) sinh từ năm 1972 đến 1986 cho thấy người cao nhất có mức lương 2,59 triệu (đã bao gồm cả phụ cấp chức vụ). Mức lương phổ biến của 54 giáo viên này là 1,1 đến 1,7 triệu/tháng.

    “Chúng tôi sống ở nông thôn, không mất tiền thuê nhà, sinh hoạt phí không đắt đỏ như ở thành phố nhưng với mức lương trên, nếu cả 2 vợ chồng cùng làm giáo viên mà lại có con nhỏ thì thực sự phải “cầu cạnh” gia đình”, chị Loan nói.

    Chị Loan có những đồng nghiệp dạy các môn phụ, lấy vợ nhưng vợ chưa được vào biên chế. Đến khi có con, đồng lương hợp đồng được trên 600 ngàn của chị chưa đủ để mua sữa cho con.

    “Cùng là giáo viên, cùng ở thành phố mà có những điểm khác nhau quá xa”, chị Loan thở dài.

    Sáng đi dạy, chiều đi buôn

    Tại các thành phố lớn (như TP HCM), theo kết quả điều tra năm 2008, có 33,8% học sinh học thêm từ cấp tiểu học, trong đó có 7,0% cho biết đã học thêm ngay từ khi học lớp 1, tức là ngay khi vừa học xong bậc học mẫu giáo. Ngoài ra, có tới 66,2% học sinh đã bắt đầu đi học thêm từ khi vào học THCS, trong đó có đến 29,5% bắt đầu học thêm ngay từ năm học đầu cấp học này (tức lớp 6). Tỷ lệ này ở cấp3 còn lớn hơn nhiều (với khoảng 90% học sinh).
    Không phải là vùng khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng giáo viên xã An Phú (xã miền núi của huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng là một trong những đối tượng được hưởng các chế độ chính sách đãi ngộ cao hơn các khu vực khác trong toàn thành phố.

    Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phú – ông Lại Xuân Vượng - cho hay: “Lương theo ngạch bậc thì không khác nhau được rồi. Nhưng trong khi giáo viên các khu vực khác được hưởng 30% phụ cấp đứng lớp thì riêng tại các trường thuộc xã An Phú, giáo viên được hưởng 50% phụ cấp đứng lớp”.

    Vì thế, ông Vượng cho biết giáo viên ở đây dù sao cũng hơn được nhiều người nông dân không có nguồn thu nào. Tuy nhiên, vì cuộc sống phải lo toan nhiều, các giáo viên sáng đi dạy, chiều vẫn đi làm ruộng, bón phân, chăn nuôi tăng gia thêm.

    Thậm chí có người còn đi buôn như một nghề tay trái sau giờ lên lớp. Chỉ rất ít trường hợp lấy chồng là cán bộ xã, huyện thì gánh nặng áo cơm mới nhẹ bớt.

    “Phải nói ở các thành phố, học tập trở thành một phong trào, người người đầu tư, nhà nhà đầu tư cho con em ăn học. Còn ở nông thôn, nhất là những khu vực miền núi như An Phú, người dân còn đang lo ăn chưa xong thì làm sao tính đến chuyện học hành tốt cho con cái?”, ông Vượng nói.

    Đó là chưa kể đến việc các thầy cô ngoài giờ lên lớp còn phải đi vận động các em học sinh đang có ý định bỏ học, bởi để học sinh bỏ học nhiều là “có vấn đề”. Nhưng công việc này không được tính tiền công!

    Mô tả ảnh.
    Cuộc sống và công việc của giáo viên khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa trái ngược hoàn toàn với khu vực thành thị (Ảnh minh họa: VNN)

    Đặc biệt là ở các vùng núi cao, vùng sâu vùng xa, thậm chí có gia đình bắt con nghỉ học vì không có người làm. Cô giáo còn phải thay phiên nhau đi làm thay cho học sinh để thuyết phục gia đình đồng ý cho em đến trường, hoàn thành trách nhiệm và chỉ tiêu mà cấp trên đã giao cho (năm học 2008- 2009, vùng đồng bào dân tộc cả nước có 221.780 trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi, nhưng chỉ có 141.330 trẻ em ra lớp, chiếm 63%).

    “Chúng tôi còn phải bỏ tiền túi để mua kẹo nhử học trò đến lớp. Nếu các em bỏ học thì điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi không hòan thành nhiệm vụ”, chị Nguyễn Thị Minh, giáo viên Trường Tiểu học Tân Dương (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) kể lại.

    Hai vợ chồng chị Mai Anh đều là giáo viên. Chị dạy tại trường Mầm non Pú Đao, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Thu nhập hai vợ chồng rất eo hẹp, lại có con nhỏ nhưng tháng nào cũng trích ra một phần cố định để đổ xăng xe máy đi kêu gọi các em học sinh đến trường!

    • Cẩm Quyên

    Các tin khác