Những người đi canh biển:

Bài2: Ghi từ nơi lá cờ đỏ tung bay giữa biển xanh

Cập nhật lúc 07:34, 10/03/2010 (GMT+7)

- Những người lính nơi đảo Bạch Long Vĩ kiên trung ngày đêm bồng súng để canh giữ biển trời, để giữ nguyên dáng hình của Tổ quốc. Mặc nắng đốt cháy, mặc gió bão gầm rú, những người lính hải quân Đoàn C52 thuộc vùng 1 Hải quân vẫn ngày đêm vững chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòn đảo mà cha ông đã từng hy sinh máu xương để giành lấy. 

Thế đứng giữa biển 

Đoàn C52 đóng trên cao chót vót của đảo Bạch Long Vĩ, ngửa cổ nhìn ra, tứ bề là biển. Đứng trên trụ sở chỉ huy của đoàn nhìn xuống, vẫn nhìn rõ mồn một những con sóng bạc đầu ngày đêm gối đầu vào nhau cùng những con tàu của ngư dân đánh cá bồng bềnh giữa biển khơi xanh thẳm. 

Toàn cảnh đảo Bạch Long Vỹ nhìn từ biển.

Trung đoàn trưởng Đoàn C52 - Thượng tá Vũ Đình Duẩn, người đã gắn bó với vùng đảo này 25 năm - thông báo tình hình về chỉ huy Bộ tư lệnh Hải quân vùng 1. Là người đã từng gắn bó với vùng đảo này mấy chục năm nên hơn ai hết, ông là người hiểu rõ những khó khăn, vất vả và nhiệm vụ nặng nề mà người lính nơi đây đang mang trên mình. 

Thượng tá Duẩn say sưa kể về lịch sử của hòn đảo Bạch Long Vỹ. Đảo có từ bao giờ thì không ai rõ, chỉ biết rằng, từ thủa hồng hoang, khi thiên nhiên vừa tạo thành đất mẹ thì đã thấy một con rồng trắng từ xa bay tới thăm vùng đất Việt. Vì quá yêu dải đất hình chữ S này nên rồng trắng đã từ từ hạ mình xuống dòng nước trong xanh và nhả ra một chuỗi ngọc quý. Chuỗi ngọc ấy đã hóa thạch tạo thành lũy thép để bảo vệ đất mẹ yêu thương. 

Trung đoàn trưởng Đoàn C52, thượng tá Vũ Đình Duẩn đang kể chuyện ngày xưa và ngày nay ở đảo Bạch Long Vỹ với phóng viên VietNamNet.

Lũy thép ấy chính là hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long ngày nay. Để đánh dấu ngày đến thăm đất Việt, rồng trắng cũng nhả xuống vùng biển đó một khúc đuôi yêu quý của mình. Khúc đuôi ấy đã hóa thạch thành hòn đảo Bạch Long Vĩ. 

Chuyện của ngày hôm qua, lớp lớp người con đất Việt đã vượt biển ra đây để xây dựng, chiến đấu và bảo vệ hòn đảo giữa biển khơi này. Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, máu của họ đã chảy, thấm sâu vào đất mẹ anh hùng, hóa thân vào sóng biển và cây cỏ để giữ nguyên vẹn dáng hình của Tổ quốc. 

Thượng tá Duẩn chỉ tay vào khu vực nghĩa trang nép mình ở phía dưới, kể rằng những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, đã có 19 người con của đảo đã anh dũng hy sinh. 19 con người, 19 đóa hoa bất tử ngã xuống khi tuổi đời mới chỉ mười chín đôi mươi. 

Chuyện của ngày hôm nay, lớp lớp thanh niên, chiến sỹ vẫn ngày đêm ra với đảo để bảo vệ thế đứng của dân tộc, để bảo vệ những giá trị lịch sử mà cha ông đã hy sinh xây dựng nên. 

Có người thì ra với đảo gần 3 chục năm nay như Thượng tá Duẩn rồi gắn bó cuộc đời mình với đảo vì đã trót yêu hòn đảo đẹp như một viên thạch bích này. Có những người vừa mới ra đảo được một thời gian ngắn nhưng cũng nguyện sẽ gắn bó quãng đời còn lại của mình với sóng biển, với cái nắng bỏng rát và những đêm đi tuần trong cái rét tê tái. 

Trên đảo Bạch Long Vỹ có một đài tưởng niệm liệt sỹ, ghi tên 19 người con nước Việt đã ngã xuống khi còn rất trẻ để bảo vệ sự toàn vẹn, bình yên của Tổ quốc hôm nay.

Những người lính nơi đây, từ vị chỉ huy cao nhất -  Thượng tá Vũ Đình Duẩn - cho đến những binh nhất như Nguyễn Trọng Tấn mà chúng tôi được gặp trong một cuộc tuần tra đêm đảo đều bảo rằng: để có được hòn đảo này, để có thể giữ nguyên thế đứng của hòn đảo giữa trùng dương, thế hệ cha ông đi trước đã đổ biết bao xương máu. 

Và họ, những người lính thế hệ hôm nay, vẫn ngày đêm tiếp bước quá khứ hào hùng mà ông cha để lại, vẫn ngày đêm bồng súng để bảo vệ một phần máu thịt của Tổ quốc. 

Hoa xương rồng nở trên cát trắng 

Cuối buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm chính trị Hà Ngọc Ngân trút bỏ bộ quân phục rồi ra tưới rau cùng anh em chiến sỹ. Những luống rau được che chắn cẩn thận để tránh gió biển thổi vào; đất trồng ra được lấy từ trên núi rồi dùng tay bóp thành những hạt mịn li ti. Nước tưới rau được tận dụng từ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. 

Thiếu tá Ngân kể rằng, đời sống của anh em chiến sỹ giờ đã khá hơn trước rồi bởi anh em chiến sỹ đã có thể tự trồng rau và chăn nuôi để cung cấp cho cuộc sống hàng ngày chứ không như ngày xưa nữa. 

Cái "ngày xưa" mà Thiếu tá Hà Ngọc Ngân nói cách đây đã đến chục năm có lẻ. Ngày đó, đảo toàn là đá và cỏ dại. Đặc sản trên biển chỉ là những cây xương rồng và đàn muỗi bay vo ve suốt ngày. 

Binh nhất Nguyễn Trọng Tấn trên chốt canh gác cao nhất ở đảo Bạch Long Vỹ vào một ngày biển động tháng 3/2010.

Những người lính đầu tiên lên đảo, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng biển thì còn có nhiệm vụ cải tạo lại hòn đảo. Ngày lại ngày, đêm lại đêm, hòn đảo dần dần chuyển mình. 

Trước, đảo toàn là cát trắng và đá thì nay, những ngôi nhà đã mọc lên, nép mình bên bờ biển, tựa lưng vào núi và hướng mặt ra biển khơi xanh thẳm. Trước, đảo chỉ có mỗi cây xương rồng là có thể sinh sống được. 

Nay, màu xanh của những thửa rau đã được thay thế cây xương rồng. Bữa cơm của người chiến sỹ nơi đây lúc nào cũng có một đĩa rau tươi rói, khi thì những củ su hào thái chỉ, lúc lại là đĩa rau cải xào. 

Thượng tá Duẩn bảo rằng, trước, rau xanh là một niềm mơ ước của những người lính đóng quân nơi đây. Ngày ông mới lên đảo, bữa ăn của anh em chỉ được cải thiện bằng quả xương rồng. Xương rồng mọc khắp nơi, trên mỗi cây thường có hoa và một bộ phận phình ra có hình tròn. Cánh lính ngày ấy vẫn gọi đấy là quả xương rồng. 

Bạch Long Vĩ
Những lá cờ đỏ sao vàng cắm trên thuyền cá ngư dân

Nhiều lúc đi tuần tra, mệt và khát, những người lính nơi đây lại bẻ chỗ phình ấy rồi bổ ra làm đôi, cho vào miệng nhai lấy nước cho đỡ khát. Sau mỗi lần tuần tra như vậy, tối về không ai ăn được cơm vì gai xương rồng cắm thẳng vào lưỡi. Anh em buộc phải giúp nhau để "nhổ" những cái gai xương rồng còn mắc ở lưỡi. 

Sau những lần bị gai xương rồng cắm chặt vào lưỡi, cánh lính đâm ra khiếp. Và rồi họ có sáng kiến hái những quả xương rồng mọc um tùm trên cát, đưa về nhà bổ đôi rồi luộc lên lấy nước làm canh. Canh xương rồng có vị chát đắng và chua chua như quả me trên đất liền. 

Chính cái vị chát đắng đó đã giúp bữa cơm của những người lính ngày ấy dễ nuốt hơn, giúp cho những bước chân tuần tra của họ đỡ mệt mỏi trong những ngày mùa khô nắng cháy. 

Chuyện “ngày xưa” ấy, còn là câu chuyện về việc làm cách nào để chống đàn muỗi rừng mà cánh lính ngày ấy vẫn gọi là "muỗi xoan". Sở dĩ gọi là muỗi xoan bởi lẽ từ lúc chạng vạng tối, đàn muỗi chẳng biết từ đâu bay vù vù trên đầu như những cánh hoa xoan ở đất liền. 

Ngày đấy, dù cho trời nóng nực thì cứ từ 5 giờ chiều cho đến chập tối, cánh lính nơi đây phải mặc kín mít từ đầu cho đến chân. Nhưng khổ nỗi, đàn muỗi vẫn cứ bâu vào, cắm xuyên cả lớp quần áo. 

Cán bộ, chiến sỹ trên đảo Bạch Long Vỹ đang tăng gia sản xuất để có rau xanh thay quả xương rồng trong những bữa cơm ngày nay.

Thượng tá Duẩn nhớ lại "binh pháp" mà ngày đấy lính trẻ vẫn dùng để chống lại đàn "muỗi xoan". "Tổ" chống muỗi lúc nào cũng phải có 3 người, một người làm nhiệm vụ của mình, 2 người cầm cành cây để canh chừng đàn muỗi. Khi người này tắm rửa hay giặt giũ thì 2 người còn lại, một trước một sau cầm cành cây để xua đàn muỗi. Mâm cơm ngày đó thường được bố trí trong màn để tránh sự truy đuổi và tấn công của đàn muỗi. 

Chuyện về "ngày xưa" ấy vẫn thường được những người lính già kể lại cho nhau trong những bữa cơm với rượu nhạt. Nhắc lại những kỉ niệm đó không phải là để "ôn nghèo kể khổ". Cái chính là muốn nhắc nhở thế hệ lính trẻ ngày nay một điều hết sức giản dị, rằng để xây dựng hòn đảo được như ngày hôm nay, lớp người đi trước đã phải sống gian khó như thế nào, và lớp trẻ ngày hôm nay phải cùng nhau giữ gìn hòn đảo thiêng liêng này. 

Để có thể giữ được thế đứng vững chãi của hòn đảo Bạch Long Vĩ này, để cho lá cờ đỏ tung bay giữa bầu trời biển xanh, để trở thành điểm tựa vững chắc cho Tổ quốc giữa Biển Đông, để cho những con thuyền đánh cá của ngư dân yên tâm tránh sóng mỗi khi biển động, lớp lớp chiến sỹ Trung đoàn C52 vẫn ngày đêm bám biển, cầm chắc tay súng. 

Còn đó những khó khăn, vất vả và thiếu thốn, song người lính nơi đầu sóng ngọn gió này vẫn vững vàng một niềm tin, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho hòn đảo thân thương từng nhuốm máu cha anh đi trước. 

  • Hoàng Sang
    (Còn tiếp)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác