Những người đi canh biển:

Kỳ 1: Theo chân những chiến binh của biển

Cập nhật lúc 09:34, 08/03/2010 (GMT+7)

(VietNamNet) – Chuyện về những người lính tuần duyên và những ngư dân vẫn âm thầm nhận lãnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ ngàn trùng dương xa xôi.

LTS: Tổ quốc, đó là khái niệm được những người công dân mặc áo lính, hay những ngư dân quanh năm đối mặt với gió sương, sóng dữ mưu sinh, định nghĩa bởi những hành động hằng ngày.

Bảo vệ Tổ quốc, không chỉ là nhiệm vụ, đó là trách nhiệm của mỗi một người con nước Việt, dù đứng ở vị trí nào, luôn ý thức và giữ lửa trong trái tim mình.

Phóng viên VietNamNet đang có cuộc hải trình dài với những người lính cầm súng bảo vệ, canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, và gặp những người dân bình thường đang nhọc nhằn mưu sinh trên biển, nhưng trong tâm thức họ vẫn âm thầm nhận lãnh nhiệm vụ: Bảo vệ Tổ quốc từ xa.

Giữa trùng dương sóng vỗ, lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay phần phật và ngạo nghễ. Mặc cho đại dương gào thét, những "chiến binh" kiêu dũng vẫn vẫn ngày đêm bám biển để khẳng định chủ quyền của dân tộc, để bảo vệ nguyên dáng hình của Tổ quốc. Chảy trong huyết quản của họ là dòng máu anh hùng của thế hệ cha anh đi trước.

"Chiến binh" của biển

Biển động. Những thác sóng gào xé. Những cột sóng cao vút nhảy chồm lên rồi ném thẳng xuống đại dương. Con thuyền của những ngư dân chòng chành như một chiếc vỏ trấu giữa đại dương mênh mông. Những con sóng biển chồm lên như muốn hất tung, nhấn chìm những con tàu đánh cá đang tìm cách len vào bờ tránh những đợt sóng dữ.

Thuyền trưởng tàu TH 90548 - anh Hoàng Văn Hùng đang loay hoay tìm cách đưa tàu vào âu cảng Bạch Long Vĩ để tránh sóng. Càng gần vào âu cảng, sóng đánh càng mạnh. Chiếc thuyền lắc lư, chao đảo như sắp bị nhấn chìm. Lại một đợt sóng trùm lên như muốn hất tung những ngư dân đang có mặt trên thuyền. 7 người trên thuyền ướt nhẹp nhưng vẫn cố sức bám trụ lấy thân tàu.

Sau một hồi đánh vật với sóng giữ, cuối cùng, thuyền đánh cá của Hùng cũng cập cảng an toàn khi toàn thân đã rã rời, mồ hôi vã ra như tắm.

Thuyền trưởng tàu TH 90548 Hoàng Văn Hùng (trái)

những bữa rượu nhạt trên tàu cá chỉ có cá khô và đĩa dưa chua
Sinh ra ở miền biển Hậu Lộc - Thanh Hóa, mới 32 tuổi nhưng Hùng đã có gần 20 năm thâm niên đi biển. Hùng kể rằng quê anh nghèo lắm, chỉ toàn cát biển trắng xóa và gió Lào bỏng rát. 12 tuổi, Hùng đã lũn cũn theo cha lên tàu, ra khơi để mưu sinh. Ở cái làng Hậu Lộc, trẻ em chẳng ai được học hành tử tế cả. Nhà nào cố gắng thì cũng chỉ cho con cái học hết cấp 1, xong rồi nghỉ theo chân bố lên tàu ra biển.

Tuổi thơ của Hùng cũng như trẻ em nơi vùng biển Hậu Lộc là những tháng ngày rong ruổi giữa biển khơi để kiếm con cá, con tôm. Vị mặn mòi của biển, cái nắng bỏng rát giữa biển khơi và những cơn thịnh nộ của biển dường như đã ăn sâu trong ký ức nhạt nhòa của lớp người như Hùng. Trẻ con ở đấy lớn lên như cây, như cỏ, lấy thuyền làm nhà, biển khơi làm quê hương, lấy mùa trăng làm mốc thời gian, lấy sóng dữ làm bầu bạn...

Những cuộc chiến để sinh tồn trên biển khiến những người như Hùng càng thêm dày dạn kinh nghiệm và già đi trước tuổi. Nếu trước đây, anh chỉ theo cha ra khơi để phụ giúp gia đình thì nay, anh buộc phải ra khơi để nuôi sống vợ và 2 con nhỏ. Toàn bộ chi phí để trang trải cuộc sống gia đình đều mong chờ và những chuyến theo thuyền lênh đênh trên biển của Hùng.

Những hôm biển lặng, may mắn thì mỗi chuyến đi như vậy trừ chi phí cũng kiếm được 3-4 triệu đồng, đủ tiền trang trải trong gia đình và mua thêm cho con bộ quần áo mới và ít sách vở. Còn những hôm sóng to, gió lớn thì may mắn lắm mới hòa vốn. Nghề đi biển như Hùng, hòa vốn đôi khi cũng đã là may mắn lắm rồi, bởi chi phí cho mỗi chuyến đi biển như vậy phải ngót nghét năm chục triệu đồng.

Nhiều đêm trở về sau mỗi chuyến đi, lúc 2 con đã ngủ say, vợ Hùng lại thủ thỉ khuyên anh bán tàu, kiếm thêm ít vốn rồi chuyển sang một nghề khác. Hùng hiểu rõ nỗi lòng của vợ, rằng nghề đi biển này có đi mà đôi khi không có ngày trở lại.

Cái xóm nhỏ cát trắng bao quanh hướng ra biển nơi anh sống đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu người đàn ông bỏ xác nơi biển khơi, để lại người vợ khóc hết nước mắt và đàn con thơ dại với vành tang trắng trên đầu. Nhưng, không đi biển nữa thì lấy gì mà sống?

Với Hùng, sinh nhai là một lẽ và chưa phải là tất cả để anh gắn bó cuộc đời mình với biển, với những tháng ngày rong ruổi giữa đại dương. Anh bảo rằng, nếu ai cũng sợ khó, sợ hiểm nguy mà bỏ biển, bỏ thuyền thì lấy ai đi biển nữa? Chính vì vậy, mặc dù vợ con anh đã nhiều lần can ngăn anh bỏ biển, lên bờ tìm một nghề khác nhưng anh đều gạt phăng đi.

Anh bảo: "Bao đời nay, những ngư dân Hậu Lộc đã quyết chọn nghề biển làm kế để sinh nhai thì cớ sao mà mình lại bỏ được chứ. Biết là có những khó khăn, những hiểm nguy luôn luôn rình rập; biết là bao nhiêu đêm mình lênh đênh trên biển thì cũng là bấy nhiêu đêm vợ ở nhà canh cánh với nỗi lo nhưng vì đã dấn thân vào cái nghề này rồi thì sao mà bỏ nỗi. 32 tuổi, 20 năm thâm niên theo tàu ra khơi nên với mình, biển cả như một phần máu thịt. Những hôm sóng to, gió lớn, không thể ra biển là lại thấy nôn nao trong người".

Những chấm đỏ giữa trùng dương

Câu chuyện giữa chúng tôi và những ngư dân trên tàu bị ngắt quãng khi thuyền phó tàu TH 40549 - Đặng Văn Dương bước sang thuyền cùng một chai rượu đế và mấy con cá khô mặn chát.

Bàn tay dính đầy dầu mỡ, Dương bốc một con cá khô lên rồi đánh ực li rượu một cách ngon lành rồi bảo: "Đặc sản trên tàu và là món ăn không thể thiếu được của ngư dân đi biển đấy. Mỗi con cá này có thể lùa được cả bát cơm đấy. Anh nếm thử xem".

Tôi xé một miếng nhỏ cho vào miệng. Mặn chát. Dương cười: "Dân biển bọn em gọi đó là "lương khô" trên tàu. Phòng khi sóng to gió lớn, thuyền không thể đánh bắt cá được thì đưa nó ra, phi thêm ít hành mỡ để đánh lừa cảm giác nuốt cho trôi cơm ấy mà".

Cũng như Hùng, Dương đến với biển khi mới 11, 12 tuổi gì đó. Chưa biết hết mặt chữ cái là anh đã theo cha ra khơi. Trong tâm trí của Dương, những chuyến ra khơi dù có vất vả nhưng rất thú vị. Vị mặn mòi của biển, những con sóng bạc đầu giữa đại dương và những đêm chong đèn câu mực làm Dương thêm yêu cái nghề mà những thế hệ đi trước trong gia đình anh đã truyền lại.

Những chiến sỹ Đại đội phòng không 8 đóng quân trên đỉnh Bạch Long Vĩ.

Lúc đầu mới "khởi nghiệp", tàu của Dương chỉ đánh bắt nơi vùng biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Nhưng rồi nguồn hải sản nơi đó càng ngày càng ít đi bởi mật độ ngư dân đánh cá quá dày đặc. Vay thêm một ít vốn, anh đóng tàu lớn hơn để vươn ra khơi. Tàu của Dương được cấp phép đánh cá ở khu vực đánh cá chung thuộc vịnh Bắc Bộ.

Dương kể rằng, anh là người "nghiện" biển. Sau khi nghỉ ngơi mấy ngày trên đất liền cùng vợ con, tàu của anh lại lập tức ra khơi, hướng thẳng vào khu vực đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ.

"Mỗi lần ra khu vực đánh cá là một lần hồi hộp, không lần nào giống lần nào cả. Chỉ cần nhìn thấy những chiếc tàu cá với lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay ngạo nghễ giữa biển xanh cũng đã thấy lòng nao nao rồi. Giữa biển, chỉ có thể phân biệt tàu của Việt Nam mình hay tàu nước bạn bằng những lá cờ mà thôi"- Dương cười.

Anh bảo rằng, vào những lúc rảnh rỗi trên biển, tàu cá Việt Nam thường neo sát gần nhau. Người góp một ít rượu, người thêm một ít cá khô, người bắt một con cá tươi vừa câu xong... rồi cùng nhau hàn huyên, tiếng nói cười vang rộn cả một vùng biển, dù rằng, những "người hàng xóm" trên biển đó có thể không biết tên nhau.

Với những ngư dân như Hùng, như Dương, hành trình cho mỗi chuyến ra khơi không thể thiếu một thứ, đó là lá cờ đỏ sao vàng. Cờ được cắm từ khi bắt đầu chuyến đi cho đến lúc tàu cập bến. Mỗi chuyến đi như vậy, mỗi tàu thường chuẩn bị từ 2-3 lá cờ Tổ quốc và được cất giữ ở một nơi trang trọng trên tàu.

Dương nói rằng, cứ nhìn thấy lá cờ đỏ tung bay phần phật giữa biển là anh biết rằng mình đang đánh bắt trên địa phận Tổ quốc mình, rằng nơi đấy là Tổ quốc thân yêu của mình.

Còn đó những khó khăn, còn đó những hiểm nguy luôn luôn rình rập nhưng những người đi biển như Hùng, như Dương mà chúng tôi được gặp vẫn bảo rằng không bao giờ bỏ thuyền, bỏ biển. Với họ, đại dương bao la và xanh thẳm này là quê hương, là mạch nguồn nuôi sống họ.

Với những "chiến binh’ kiêu dũng này, hạnh phúc là được ra với biển, là những bữa rượu nhạt với những người "hàng xóm" không biết tên nhau, là được thấy lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển xanh.

  • Hoàng Sang
    (còn tiếp)

Ý kiến của bạn

Các tin khác