Thông tin về biển đảo: Còn hạn chế trong chỉ đạo

Cập nhật lúc 22:10, 08/03/2010 (GMT+7)

 - Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói công tác thông tin, tuyên truyền về biển đảo còn nhiều hạn chế về cơ chế chỉ đạo. 

 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo và phân giới, cắm mốc năm 2009 - triển khai nhiệm vụ năm 2010 do Ban Tuyên giáo TƯ phối hợp với Ban chỉ đạo Thông tin đối ngoại tổ chức trong hai ngày 8, 9/3 ở Đà Nẵng.

 

Nhiệm vụ chính trị đặc biệt

 

Theo ông Khiêm, công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo, phân giới cắm mốc biên giới còn nhiều hạn chế về cơ chế chỉ đạo, điều hành thông tin, đặc biệt sự phối hợp có lúc còn bị động, lúng túng trước một số vấn đề phức tạp mới nảy sinh. 

 

"Nội dung thông tin còn thiếu hấp dẫn, sức thuyết phục chưa cao, lập luận đấu tranh về những vấn đề dân chủ, nhân quyền, biên giới, lãnh thổ nhiều khi còn thiếu sắc bén. Công tác tuyên truyền hải đảo tiến hành chưa được bài bản, đồng bộ, thường xuyên, tập trung chưa cao đối với những đối tượng ít thông tin", Phó Thủ tướng nói.

 

Mô tả ảnh.
Việt Nam đóng quân trên 21 đảo ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Phạm Tuấn

 

Theo ông Nguyễn Hồng Vinh, Thường trực Ban chỉ đạo Thông tin đối ngoại, trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng TƯ đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp chỉ đạo triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng về “Chiến lược biển VN đến năm 2020”. Gắn kết nội dung tuyên truyền biển đảo vào nội dung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ, địa phương, đơn vị.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là, mặc dù đa số cấp ủy Đảng đều xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển nhưng chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt đối với việc phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, chưa thấy hết được vị trí, tầm quan trọng của biển đảo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tính kế hoạch trong chỉ đạo công tác tuyên truyền biển đảo từ TƯ đến cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. 

 

“Thông tin, tư liệu, tài liệu về tuyên truyền biển đảo chưa đảm bảo tính hệ thống, nội dung, hình thức chưa thật hấp dẫn. Vấn đề quản lý Nhà nước về biển, những điều ngư dân cần biết, những thông tin cơ bản về các lĩnh vực liên quan đến biển như pháp luật, tài nguyên, môi trường biển, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… còn rất hạn chế”, ông Vinh cho hay.

 

Để khắc phục những hạn chế này, một trong những giải pháp được Ban chỉ đạo Thông tin đối ngoại đề ra cho năm 2010 là phải tăng cường công tác dự báo tình hình, chủ động đề ra những định hướng chỉ đạo thông tin chính xác và kịp thời. Đẩy mạnh toàn diện công tác thông tin đối ngoại, tăng cường phối hợp hoạt động giữa các lực lượng làm thông tin đối ngoại của cả nước. Đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tin bài, các nội dung và hình thức tuyên truyền thông tin đối ngoại.

 

Một nhiệm vụ chính trị đặc biệt sẽ được triển khai mạnh trong năm nay là tuyên truyền về chủ quyền quốc gia tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Xây xong chùa ở Trường Sa

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho hay: “Hiện ở Trường Sa, chùa đã xây xong rồi, sắp tới sẽ đón tăng ni, phật tử trong nước và thế giới ra thăm. Trường Sa cũng đã có trường học, trạm y tế”.

 

Quân chủng Hải quân kiến nghị cần tích cực tuyên truyền về dân sự hóa, xã hội hóa công tác biển đảo của chúng ta. Ngư dân trên đảo, ngư dân trên biển và nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài phải được thông tin về biển đảo.

 

Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền cũng cho biết, hiện chúng ta đã đóng quân trên 21 đảo ở quần đảo Trường Sa, có 16 nhà giàn DK1 trên biển…  

 

Không để xảy ra điểm nóng trên Biển Đông

 

Trao đổi với VietNamNet, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nguyễn Tiến Thắng cho hay, Chính phủ một số nước trong khu vực vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời tiến hành các hoạt động trên thực địa như thăm dò khai thác dầu khí, đánh bắt thuỷ hải sản. 

 

Mô tả ảnh.

Phó Chủ nhiệm chính trị BĐBP: Không để xảy ra điểm nóng trên Biển Đông. Ảnh: HC

Năm 2009, các đơn vị BĐBP đã phát hiện trên 2.007 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển VN, chủ yếu là đánh bắt hải sản và neo đậu tránh gió, tăng trên 500 lượt chiếc so với năm 2008.

 

Khu vực xâm phạm chủ yếu thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi… BĐBP đã bắt giữ, xử lý cảnh cáo, giáo dục hàng chục vụ và xua đuổi hàng trăm lượt chiếc.quyền trên biển, tài nguyên trên biển và lợi ích quốc gia trên biển.

 

Theo ông Thắng, Hiệp định nghề cá giữa VN - Trung Quốc đã thực hiện từ năm 2004 đến nay. Tuy các lực lượng bảo vệ biển tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục nhưng tàu cá Trung Quốc luôn duy trì số lượng lớn, công suất lớn đánh bắt sâu vào vùng biển nước ta. 

 

Ông nhấn mạnh: “Thực hiện chỉ đạo của TƯ và Bộ Quốc phòng, BĐBP xác định lấy tuần tra, xua đuổi là chính. Những trường hợp vào sâu trong vùng biển nước ta thì kiên quyết xử lý nhưng phải hết sức mềm dẻo, bình tĩnh, khôn khéo, không để xảy ra điểm nóng trên biển gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai nước”.

 

 

Tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho Biển Đông

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Xuân Sơn cho hay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận cấp cao về đàm phán các vấn đề trên biển. Năm 2009, hai nước đã có 2 vòng đàm phán ở cấp thứ trưởng ngoại giao, năm nay sẽ có thêm 1 vòng đàm phán cấp chuyên viên.

 

Nội dung của các vòng đàm phán này là xác định cho được những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết những vấn đề trên Biển Đông. Qua đó, Việt Nam sẽ bàn với Trung Quốc những giải pháp tạm thời trong khi vẫn tiếp tục tìm giải pháp lâu dài, với mục tiêu tìm kiếm sự hợp tác mà hai bên thấy cùng có lợi.

  • Hải Châu

Tin liên quan

Các tin khác