(VietNamNet) - Những thay đổi về chính sách thuế đối với các DN ở các KCN-KCX thời gian qua đã khiến nhiều DN nản lòng. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng đầu tư sang các nước lân cận.
Nghị định sau "chống" Nghị định trước
Thời gian qua, đã có hàng loạt cơ chế, chính sách phát triển KCN-KCX áp dụng cho cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư. Ví như Nghị định (NĐ) 24/2000CP (ngày31/7/2000), NĐ 27/CP (ngày 29/01/2003) tiếp tục bổ sung, điều chỉnh NĐ 24/CP theo hướng mở tích cực.
Thế nhưng, NĐ 27/CP ra đời chưa được một năm, thì những ưu đãi quy định tại NĐ này bị bãi bỏ, bởi sự ra đời của NĐ 164/CP/2003 ngày 22/12/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2004, quy định chi tiết thi hành Luật thuế Thu nhập DN (TNDN). "Điểm nhấn" của NĐ 164/CP/2003 là "đánh đồng" thuế thu nhập DN: Các DN trong nước và nước ngoài đều chịu mức thuế 28%, không phân biệt DN trong hay ngoài KCN-KCX. NĐ 164/CP/2003 cũng quy định, những dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đặc biệt khuyến khích đầu tư, theo quy định trước đây được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời hạn dự án, thì nay được áp dụng thuế suất 20% trong 10 năm đầu; trường hợp có thêm điều kiện sử dụng nhiều lao động, địa bàn ưu đãi đầu tư... mới được hưởng thuế suất 10%, nhưng thời hạn áp dụng chỉ là 15 năm. Tương tự, những DN ĐTNN thuộc lĩnh vực sản xuất trong KCN, trước đây được hưởng thuế suất thuế TNDN là 15% cho suốt đời dự án (đối với KCX là 10%), thì nay chỉ được hưởng thuế suất 20% trong vòng 10 năm đầu, trường hợp có thêm điều kiện đầu tư vào các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn thì được hưởng thuế suất 15% với thời hạn 12 năm (KCX là 15 năm)...
"Điều này có nghĩa là môi trường đầu tư ở KCN-KCX không còn lợi thế gì hấp dẫn, ngoài cơ chế "một cửa" đang được áp dụng tại Ban quản lý KCN-KCX TP.HCM (HEPZA) - Giám đốc một DN ở KCN Tân Tạo (TP.HCM) bày tỏ ý kiến.
Đáng chú ý hơn là NĐ 158/CP/2003 ngày 10/12/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2004, quy định chi tiết thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, đối với 9 loại hình hàng hóa và dịch vụ bán cho DN trong KCN-KCX như: ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, kế toán, kiểm toán, cho thuê nhà, kho bãi v.v... áp dụng thuế suất 10% thay vì 0% như Khoản 2, Điều 8, Luật thuế GTGT ban hành năm 1997.
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, quy định trên đã ''bất ngờ'' làm tăng chi phí kinh doanh của DN, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu. Một số DN nước ngoài có ý định đầu tư vào các KCN-KCX ở Việt Nam, đã chuyển hướng đầu tư sang các nước lân cận. Một số DN khác đã "lỡ" đầu tư thì lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành, đơn vị chủ đầu tư KCN Long Thành (Đồng Nai), cho biết có 3 nhà đầu tư nước ngoài dự kiến đầu tư trên 42,6 triệu USD, đã ký thỏa thuận thuê đất và đang thành lập hồ sơ xin cấp phép đầu tư, nay tạm ngưng. Ngoài ra, còn có 5 nhà đầu tư khác cũng đã thống nhất về giá cả, diện tích và vị trí thuê đất nhưng vừa xin hoãn lại. Tất cả cho rằng, những thay đổi về chính sách thuế buộc họ phải tính toán lại quyết định đầu tư.
Trước tình hình trên, các DN chế xuất, Hiệp hội DN Nhật Bản, Đài Loan tại Việt Nam, Ban quản lý các KCN-KCX tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM... đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét giữ nguyên chính sách ưu đãi về thuế như trước đây.
Sẽ chỉnh đổi, nhưng nhiều DN đã nản
Sau một thời gian khá lâu thực hiện những văn bản hướng dẫn các luật thuế mới sửa đổi, bổ sung, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã chính thức thừa nhận, còn một số điểm trong các văn bản này gây ra những vướng mắc hoặc có tác động làm giảm mức ưu đãi về thuế so với trước của các DN trong KCN-KCX và khu công nghệ cao... Việc quy định cung ứng các loại dịch vụ (như bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, kế toán, kiểm toán...) cho KCN-KCX kể từ đầu năm 2004 phải chịu thuế GTGT, khiến chi phí kinh doanh của DN trong các KCN-KCX tăng lên, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 12/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng khẳng định mức thuế 28% thuế TNDN như hiện nay là mức công bằng giữa DN trong và ngoài nước. Bộ trưởng cho rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài không "hài lòng" với mức thuế trên là do họ không đặt trong quan hệ với chính sách bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trước đó. Việc bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (các mức 3%, 5% và 7%) dẫn đến yêu cầu phải tăng thêm 3% vào thuế TNDN. Sự cân đối này hoàn toàn hợp lý để có sự công bằng giữa các thành phần DN. Và mức 28% cũng đã được cân nhắc trên cơ sở không để các nhà đầu tư nước ngoài thiệt. |
Theo thông tin mới nhất, để thực hiện đúng Luật thuế GTGT, đảm bảo môi trường đầu tư được ổn định, bình đẳng giữa DN trong nước và DN chế xuất, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ sẽ không thu thuế GTGT đối với hàng hóa bán vào KCX làm nguyên liệu và phương tiện sản xuất, chỉ thu thuế đối với hàng hóa bán phục vụ sinh hoạt của người lao động và một số hoạt động dịch vụ khác tại đây. Đối với KCN, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, các chính sách thuế sẽ áp dụng chung như những khu vực khác, nhưng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư từ nhà nước như đầu tư ngoài hàng rào, đầu tư cho giải phóng mặt bằng, về giá thuê đất...
Về mức 28% thuế suất thuế TNDN đang áp dụng, trước kiến nghị của DN, Bộ Tài chính đã "xuống nước" và đề nghị Chính phủ tiếp tục giữ mức thuế suất ưu đãi 10% dù đăng ký kinh doanh trước hay sau ngày 1/1. Tuy nhiên, về thời hạn áp dụng thuế, Bộ vẫn bảo lưu quan điểm áp dụng ưu đãi có thời hạn (có thể tối đa là 15 năm). Bộ Tài chính cho rằng, nếu áp dụng thuế suất ưu đãi (thực chất là giảm thuế) trong suốt thời hạn dự án, thì mức thuế suất phổ thông không còn ý nghĩa, không thể hiện được yêu cầu động viên, điều tiết của Nhà nước với các DN. Mặt khác, nếu áp dụng giảm thuế suất cho hết thời hạn dự án, sẽ tạo sự phân biệt đối với những công ty trong nước. Bộ Tài chính đang mời các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiến hành góp ý để trình Chính phủ chỉnh đổi trong thời gian tới.
Phản ứng trước những thay đổi trên, một lãnh đạo của HEPZA, nói: "Trước khi ban hành NĐ, Chính phủ và Bộ Tài chính nên lấy ý kiến từ những đối tượng trực tiếp đóng thuế thì hợp lý hơn. Theo lẽ thường, những thay đổi sau phải đảm bảo hấp dẫn hơn những quy định trước, đằng này lại ngược lại. Thêm vào đó, việc ban hành, chỉnh đổi, lại ban hành các quy định, khiến nhiều DN, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài nản lòng. Việc liên tục thay đổi về chính sách thuế như vậy làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, và phía hưởng lợi là những nước lân cận, một khi nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang đó".
-
Phi Long