Đại biểu Quốc hội phát biểu. |
(VietNamNet)
- Trình bày trước Quốc hội chiều ngày 8/5 về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, ông Tào Hữu Phùng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Chính phủ mức thuế suất phổ thông 28%. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị cân nhắc thêm và nên giữ mức thuế suất phổ thông là 30% để bảo đảm ngân sách.Mâu thuẫn giữa giảm thuế và tăng thu
Chính phủ đề nghị thống nhất mức thuế phổ thông là 28% đối với cả cơ sở kinh doanh trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Với mức thuế suất giảm từ 32% xuống 28%, các DN trong nước rõ ràng có lợi. Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, tuy tăng từ mức 25% lên 28%, nhưng nếu tính cả việc bỏ thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài thì cũng có lợi hơn. DN đều được lợi nhưng ngân sách Nhà nước rõ ràng mất đi một khoản thu lớn.
Việc giảm thuế suất phổ thông xuống 28%, bỏ thuế thu nhập DN bổ sung, bỏ thế chuyển thu nhập ra nước ngoài, sẽ giảm thu ngân sách trên 2.704 tỷ đồng so với dự toán năm 2003. Do đó, có một số ý kiến cho rằng, việc giảm thuế sẽ kích thích tăng thu nhưng phải có thời gian hợp lý để phát triển sản xuất và củng cố nguồn thu NSNN thông qua việc mở rộng đối tượng chịu thuế, điều chỉnh thuế suất, ban hành các sắc thuế mới. Nhiều nước đang phát triển trong khu vực và quốc tế, thậm chí cả một số nước phát triển vẫn đang áp dụng mức thuế TNDN 30% hoặc trên 30%. Tuy nhiên, nếu thuế suất phổ thông là 30% thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ không chịu do hiện nay mức thuế này chỉ ở mức 25%.
Đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách đồng ý áp dụng thuế thu nhập liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất nhưng phải xem xét, sửa đổi đồng bộ với Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất hiện hành và việc Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào cuối năm 2003.
Nới lỏng nhưng cần quản lý chặt
Hiện nay, tồn tại vấn đề nhiều DN lợi dụng việc khuyến khích khấu hao nhanh để tính chi phí khấu hao TSCĐ cao hơn để giảm thuế TNDN phải nộp. Ông Tào Hữu Phùng cho rằng, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, máy móc thiết bị nhanh chóng bị lạc hậu, việc cho phép khấu hao nhanh để đổi mới công nghệ của DN là cần thiết nhưng cần quy định khung tối thiểu, tối đa để có cơ sở kiểm soát chặt chẽ việc tính khấu hao của DN. Thời gian khấu hao cần quy định cụ thể và phù hợp cho từng loại tài sản. Đối với một số lĩnh vực mới hình thành, những máy móc thiết bị quan trọng thì những DN áp dụng c ông nghệ mới, làm ăn có hiệu quả thì sẽ được khấu hao nhanh nhưng phải có những quy định để quản lý, kiểm tra, ngăn chặn lợi dụng.
Một thực tế hiện nay là chi phí khấu hao tài sản cố định là nhà xưởng, một số thiết bị, phương tiện vận tải của DN tư nhân do chủ DN tư nhân tự đầu tư, xây dựng, được sử dụng vào mục đích kinh doanh không có chứng từ, không được tính vào chi phí của sản phẩm, dịch vụ. Do đó, sắp tới, luật thuế TNDN sửa đổi sẽ tính đến chi phí này. Tuy nhiên, tăng chi phí đồng nghĩa với giảm thu nhập chịu thuế nên cần quy định giao cho Hội đồng định giá xác định nguyên giá tài sản cố định, bảo đảm sát với giá trị thực của tài sản.
Có ý kiến cho rằng, quy định tại điểm c, khoản 1, điều 9 của Luật thuế TNDN hiện hành về tiền lương, tiền công của chủ DN tư nhân, chủ hộ kinh doanh cá thể là chưa hợp lý. Vì không thể phân định được rõ ràng giữa tiền lương và lợi nhuận của chủ DN tư nhân và các chủ hộ kinh doanh cá thể. Để trốn thuế, những đối tượng này có thể tính lương cho mình cao, làm giảm lợi nhuận chịu thuế. Do đó, để đảm bảo công bằng và khuyến khích phát triển mọi loại hình DN thì nên cho phép tính vào chi phí hợp lý tiền lương đối với các DN tư nhân và hộ kinh doanh cá thể, nhưng phải quy định cụ thể để hạn chế lương quá mức, không có kiểm soát.
Ông Phùng cho biết, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ, nâng mức tính chi phí quảng cáo tiếp thị từ 7% hiện nay lên 10%. Uỷ ban này khẳng định phải loại bỏ các chi phí có liên quan đến xã hội hoá và tiền tham gia xã hội hoá của DN phải được lấy từ lợi nhuận sau thuế. Vì nếu tính vào chi phí thì thực chất đây là tiền ngân sách Nhà nước.
- Văn Tiến