221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
163296
Ngân hàng - doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa gặp được nhau
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Ngân hàng - doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa gặp được nhau
,

(VietNamNet) - Mặc dù đã có hàng loạt những cuộc gặp để bàn cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian qua, ngân hàng và doanh nghiệp vẫn đang vướng víu trong tấm lưới vốn vay mà chưa có đường thoát.

Các DN vừa và nhỏ đang chật vật đi lên bởi thiếu vốn, máy móc thiết bị lạc hậu, công nghệ hạn chế...

 Cuộc hội thảo ''Dịch vụ ngân hàng với doanh nghiệp vừa và nhỏ'' vừa được tổ chức tại Hà Nội  cho thấy việc thiếu vốn đã, đang và có thể sẽ là căn bệnh muôn thuở đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ...

DN thiếu vốn

TS. Nguyễn Hoàng Lan - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng khó khăn lớn nhất của các DN vừa và nhỏ hiện nay là tình trạng thiếu vốn để sản xuất. Trước hết là do nguồn vốn chủ sở hữu thấp. DN vừa và nhỏ hầu như không đáp ứng được điều kiện để có mặt trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, họ phải huy động vốn chủ yếu từ nhiều nguồn: ngân hàng và của bản thân chủ doanh nghiệp, gia đình, bạn bè.

Nguồn vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ  lâu nay chủ yếu dựa vào nguồn vay phi chính thức. Số DN được vay từ nguồn vốn chính thức (ngân hàng) rất hạn chế bởi một phần do bản thân doanh nghiệp và một phần do các định chế từ phía  ngân hàng.

Ngân hàng e ngại

Đại diện của các DN vừa và nhỏ cũng như các  ngân hàng đồng thuận rằng, việc thiếu vốn có nguyên nhân từ ngay bản thân các DN. Không ít DN ''mất tích'' khỏi trụ sở đăng ký thành lập; hầu như không ai biết DN hoạt động ra sao sau khi được cấp giấy phép; một số DN làm trái chức năng được phép, cố ý làm trái pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, sử dụng giấy tờ giả mạo, lừa đảo cả cơ quan chức năng để thành lập doanh nghiệp, để xin hoàn thuế VAT, để góp vốn liên doanh, liên kết, lừa đảo vay vốn ngân hàng ...
Bản thân đội ngũ DN vừa và nhỏ có số vốn chủ sở hữu rất thấp, ít có tài sản thế chấp cầm cố, không có người bảo lãnh, cũng không lập được phương án kinh doanh có đủ sức thuyết phục. Báo cáo tài chính hầu hết không đủ độ tin cậy. Tỷ lệ nợ vay ngân hàng quá hạn cao hơn so với các tổng công ty và hộ nông dân... Nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng chế độ thống kê kế toán; số liệu phản ánh không chính xác tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của mình.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Theo thống kê, đội ngũ này chiếm tới gần 96% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, đóng góp 25% GDP và thu hút một lực lượng lao động đáng kể, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần làm chuyến dịch cơ cấu kinh tế, góp phần khai thác những tiềm năng trong dân chúng.

Hầu hết các cơ sở sản xuất manh mún, phân tán, trình độ công nghệ, thiết bị quá lạc hậu, lao động thủ công nên sản phẩm khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn.Trình độ cán bộ quản lý và lao động của các DN vừa và nhỏ còn nhiều hạn chế, khả năng quản trị điều hành thấp. Hoạt động kinh doanh chủ yếu theo thương vụ, chạy theo phong trào mà không có chiến lược phát triển nên dễ đổ bể.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - ông Lê Đào Nguyên phàn nàn rằng: ''Các DN vừa và nhỏ thường xây dựng báo cáo tài chính mang tính chất đối phó với cơ quan thuế;  báo cáo chính thức (báo cáo được pháp luật công nhận) thường thấp hơn tình trạng thực tế, không đảm bảo đủ điều kiện vay vốn ngân hàng''.

Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo ghi chép và theo dõi hoạt động kinh doanh của DN không có hoặc thiếu. Các doanh nghiệp thường bán hàng không có hợp đồng kinh tế, không tuân thủ chế độ phát hành hoá đơn bán hàng. Do đó ngân hàng không có cơ sở để đánh giá và quyết định việc cho vay. Nhiều doanh nghiệp luôn ngần ngại minh bạch tình hình kinh doanh của mình cho ngân hàng, không quen với thủ tục và cách thức tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng.

Chính vì các khó khăn trên, các DN vừa và nhỏ hầu như không đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng như điều kiện về khả năng tài chính, tính khả thi của dự án hay điều kiện tài sản bảo đảm.

Cần đổi mới từ hai phía

Bà Lan cho rằng, các ngân hàng cần đổi mới nhiều về phương thức kinh doanh, tích cực hơn trong việc tìm kiếm khả năng cho vay, tăng cường đội ngũ cán bộ đi sâu sát cơ sở, xây dựng và tổ chức tốt mạng lưới thông tin doanh nghiệp, bình đẳng hơn trong quan hệ tín dụng giữa các loại hình doanh nghiệp, đổi mới cơ cấu đầu tư và năng cao tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ. Ngân hàng nên có biện pháp khuyến khích những DN làm ăn có uy tín, đa dạng hoá phương thức cho vay...

Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam, ông Phạm Huy Hùng thì kêu gọi DN đã đến lúc phải nỗ lực để nâng cao năng lực của mình như bổ sung vốn chủ sở hữu bằng các hình thức kêu gọi thành viên tăng vốn góp, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá và tham gia vào thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển kinh doanh. Chủ động trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực về vốn, công nghệ và con người. Đặc biệt chú trọng đến phương án lựa chọn công nghệ đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, tự động hoá tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh, chất lượng cao.

DN vừa và nhỏ chỉ có thể thuyết phục ngân hàng bằng việc nâng cao năng lực quản lý điều hành đối với đội ngũ lãnh đạo; tích cực đào tạo nguồn nhân lực, chủ động và sáng tạo áp dụng các kiến thức công nghệ mới, các chương trình quản lý kinh tế vào sản xuất kinh doanh, xây dựng DN phát triển và bền vững; thực hiện nghiêm chỉnh Luật doanh nghiệp và các văn bản liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáotài chính nghiêm chỉnh, công khai...

  • Hồng Phúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,