(VietNamNet) - Đó là nhận định của Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - ông Klaus Rohland, khi trả lời phỏng vấn VietNamNet về mức vốn ODA cam kết cho Việt Nam tại hội nghị thường niên các nhà tài trợ sắp diễn ra.
Ngày 26/11, tại Hà Nội, WB đã công bố Bản báo cáo phát triển Việt Nam 2004. Báo cáo này sẽ được trình bày tại Hội nghị thường niên nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra trong ngày 2 và 3 tháng 12 tới. Trong báo cáo này, WB nhận định xoá đói giảm nghèo là câu chuyện kinh tế thành công nhất của Việt Nam trong những năm qua.
Những thành tựu vượt bậc
Trong gần 10 năm qua, một phần ba dân số Việt Nam (tương đương khoảng 20 triệu người), đã thoát nghèo. Theo ông Klaus Rohland, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đây thực sự là một thành công rất đáng ghi nhận. Nếu năm 1993 khoảng 58% dân số sống trong nghèo đói thì năm 2002, tỷ lệ này chỉ còn 29%.
Chưa có thay đổi lớn - Thưa ông Klaus Rohland, Trong bản báo cáo, các ông có đề cập rằng chiến lược Xoá đói Giảm nghèo toàn diện cần được triển khai xuống cấp tỉnh và các nhà tài trợ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình này? Ông có thể nói rõ hơn được không? - Chúng tôi không có ý nói rằng các nhà tài trợ nên đóng vai trò chủ chốt trong quá trình xoá đói giảm nghèo. Vai trò của chúng tôi là hỗ trợ và tham vấn cho chính phủ. Khuyến nghị của chúng tôi có nghĩa là chính phủ nên có những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực. Tôi cho rằng nên có sự phân cấp nhiều hơn, trao thêm quyền hạn cho các tỉnh, còn Chính phủ dành thời gian cho vấn đề những vấn đề thuộc về chính sách vĩ mô. Hiện, nhiều tỉnh đã được trao thêm quyền sử dụng ngân sách giáo dục, y tế và điều này đã tỏ ra hiệu quả. - Do những biến động mới trong tình hình thế giới, chẳng hạn như vấn đề Iraq, nhiều người dự đoán rằng ODA cam kết cho Việt Nam có khả năng giảm. Ông nghĩ sao về ý kiến này? - Chúng ta cần có cái nhìn thực tế và hiểu rằng nguồn ODA cam kết cho các nước khác sẽ bị tác động. Căn cứ vào những dấu hiệu quan sát được từ các đối tác, tôi chỉ có thể nói rằng số ODA cam kết cho Việt Nam lần này sẽ không có sự thay đổi mạnh nào. |
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, động lực chủ yếu dẫn đến thành công này là sự phát triển của khu vực tư nhân và việc tăng cường hội nhập nông nghiệp vào nền kinh tế thị trường. Trong năm 2002, riêng khu vực tư nhân đã tạo ra 2,5 triệu việc làm có trả lương, chiếm 30% số người có việc làm được hưởng lương (năm 1998, con số này là 19%). Khu vực nông nghiệp cũng tạo được những bước đột phá mạnh theo hướng đa dạng hoá, hiện đại hoá. Hiện nay, 70% sản phẩm nông nghiệp được bán ra thị trường.
Sâu xa hơn, xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam gắn liền với mức tăng trưởng kinh tế cao. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà tài trợ đặc biệt đánh giá cao chính sách đổi mới của Việt Nam.
Vẫn còn đó những rủi ro
Tuy nhiên, ông Klaus Rohland, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cảnh báo rằng: “Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao không đủ để xóa nghèo trong những năm tới. Tuy sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ qua mang lại cho chúng ta sự lạc quan, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng là phát triển đang trở nên kém toàn diện hơn. Thách thức hiện nay nằm trong sự phân phối lợi ích của quá trình tăng trưởng cho tất cả các vùng và các nhóm dân cư.”
Thực tế cho thấy tiếp tục giảm nghèo ở Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn hơn vì cần có những biện pháp mạnh hơn để trợ giúp những nhóm dân cư bị thiệt thòi trong quá trình phát triển kinh tế. Nghèo đói vẫn chủ yếu diễn ra ở nông thôn trong nhiều năm tới. Nhưng nó sẽ tập trung nhiều hơn ở những vùng sâu vùng xa và sẽ ảnh hưởng mạnh đến các dân tộc thiểu số.
Khuyến nghị của WB
Các chính sách cần nhiều cải cách và đẩy mạnh việc hội nhập với nền kinh tế thế giới. Mặt khác, tiến độ chậm trong lộ trình cơ cấu lại các doanh nghiệp quốc doanh và cải cách khu vực tài chính có thể gây những trở ngại nhất định cho Việt Nam. Đề cập đến vấn đề này, bà Susan Adams, Đại diện trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam chỉ rõ “Chất lượng chứ không phải tốc độ tăng trưởng là điều quan trọng. Cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm, cũng như các điểm yếu khác trong quyết định cho vay của ngân hàng thương mại quốc doanh ...có thể sẽ dẫn đến việc vốn bị phân phối nhầm và sẽ ảnh hưởng đến phát triển dài hạn.”
Vẫn theo nhìn nhận của WB, trên bình diện quản lý Nhà nước việc lạm dụng công quyền vì mục đích trục lợi cá nhân đã gây phiền toái cho đời sống hàng ngày khi nó xảy ra ở các cấp thấp, dẫn đến phân bổ sai lệch nguồn lực và lãng phí, khi nó tác động đến quá trình việc ra quyết định của tập thể.
Trong 4 năm trở lại đây, mức cam kết tài trợ cho Việt Nam trung bình ở mức 2,4 tỷ USD/năm
Các nhà tài trợ đều thống nhất rằng giải quyết những khó khăn chính trên hai bình diện này là chìa khoá cho Việt Nam để duy trì câu chuyện thành công về lâu về dài.
-
Việt Lâm