221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
138288
Các giao dịch tiền mặt trên 300 triệu đồng có thể bị kiểm soát
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Các giao dịch tiền mặt trên 300 triệu đồng có thể bị kiểm soát
,

(VietNamNet) - Trong dự thảo mới nhất Nghị định phòng chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước (SBV) vừa thống nhất rằng, tất cả giao dịch bằng tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên và 'giao dịch đáng ngờ' tại các tổ chức tín dụng phải báo cáo lên Ban Kiểm soát các giao dịch tài chính của SBV. Tuy nhiên, trong trường hợp bất thường, Thống đốc vẫn có quyền quyết định mức tiền sẽ bị kiểm soát này theo từng thời kỳ cụ thể.

Tất cả cá nhân, tổ chức có giao dịch tài chính đều phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoạt động rửa tiền.  

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra những vướng mắc trong quá trình soạn thảo Nghị định phòng chống rửa tiền để lấy ý kiến các tổ chức tín dụng và các bộ, ngành liên quan. Trong đó, khi bàn về mức giá giao dịch bằng tiền mặt và các giao dịch đáng ngờ phải báo cáo (200 triệu đồng), có nhiều ý kiến trong ngành cho rằng mức tiền này thấp và lo ngại cho khả năng xử lý thông tin của Ban Kiểm soát các giao dịch tài chính cũng như sự phiền toái cho các cá nhân, tổ chức khi phải báo cáo. Ngân hàng Nhà nước đang giữ quan điểm: nếu so với mức thu nhập bình quân đầu người và thu nhập của đa số dân cư tại các thành phố lớn ở Việt Nam thì mức 200 triệu cho một lần giao dịch cũng không thể xảy ra đối với một người một lần trong tháng (thậm chí một năm, chứ chưa nói tới trong vòng một ngày). Đối với các tổ chức kinh doanh thì giao dịch mức 200 triệu là bình thường, tuy nhiên đã là các tổ chức thì phần lớn phải giao dịch trên tài khoản chứ không bằng tiền mặt. Hơn nữa, để khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt trong 5-10 năm tới thì việc khép dần khung giao dịch tiền mặt cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị mới nhất của Tổ chức quốc tế về chống rửa tiền (FATF), mức giao dịch tiền mặt này có thể là 15.000 USD, do vậy trước mắt, Ban soạn thảo Nghị định chống rửa tiền đã điều chỉnh mức này trong Dự thảo lần 6 là 300 triệu đồng, đồng thời vẫn giữ nguyên điều khoản giao Thống đốc SBV quyền quyết định mức tiền này theo từng thời kỳ cụ thể.

Thế nào là giao dịch đáng ngờ?

Nhiều người cho rằng, Nghị định này nên quy định cụ thể các dấu hiệu của giao dịch đáng ngờ, giúp các cá nhân, tổ chức cũng như các cơ quan chức năng có thể xác định được. Tuy nhiên, Ban soạn thảo Nghị định này của SBV cho biết, họ đã tham khảo ý kiến các chuyên gia tư vấn, đồng thời nghiên cứu Luật Chống rửa tiền của Malaysia và một số nước. Luật Chống rửa tiền của một số nước cũng không đưa ra dấu hiệu cụ thể của giao dịch đáng ngờ mà trao quyền cho các cá nhân, tổ chức phải báo cáo tự quyết định vấn đề này, theo... cảm tính và theo kinh nghiệm thực tế của mình.

Ban soạn thảo thấy rằng, Nghị định cũng không thể cụ thể hoá hay lượng hoá được các dấu hiệu đáng ngờ. Vì vậy, chỉ có thể đưa ra một số dấu hiệu mang tính chỉ dẫn cho các cá nhân, tổ chức chứ không mang tính thống kê và liệt kê. Dự thảo cho phép các cá nhân, tổ chức có thể báo cáo những giao dịch đáng ngờ khác (ngoài những giao dịch được nêu trong Nghị định) nếu họ thấy cần thiết.

Một kênh liên lạc 24/24h để kiểm soát rửa tiền?

Ảnh: Nguyên Vũ 
Cục cảnh sát điều tra cho rằng, nên quy định Bộ Bưu chính Viễn thông tạo điều kiện cho Ban kiểm soát các giao dịch tài chính một kênh liên lạc thông suốt 24/24h, nhằm đảm bảo báo cáo các giao dịch theo quy định trong vòng 24h (kể từ thời điểm phát sinh giao dịch). Họ cho rằng, trong thời điểm hiện nay, rất cần phải xử lý các thông tin tài chính nhanh, tránh ùn tắc dẫn đến hậu quả khôn lường mà vụ việc đối với Ngân hàng ACB là một ví dụ. Việc thu thập thông tin đầu vào hết sức cần thiết cho việc phát hiện và xử lý hành vi rửa tiền. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị các bộ, ngành về các hình thức hợp tác trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền để cùng thực hiện sau này.

Thêm đó, SBV dự định sẽ đưa vào Nghị định những quy định về việc giải quyết sai lầm của các cơ quan có thẩm quyền; quy định việc giải quyết khiếu nại tố cáo đối với quyết định xử lý vi phạm hay người ra quyết định xử lý theo pháp luật về khiếu nại tố cáo hiện hành.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc tiến hành xây dựng Nghị định phòng chống rửa tiền sẽ là bước cơ bản đảm bảo các cam kết của Ngân hàng Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng quốc tế, nhất là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). 

Ở các nước khác, Luật về chống rửa tiền bao gồm tất cả những quy định về việc phòng chống, xử lý tội phạm cho đến tịch thu, kê biên tài sản hay vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này... Tuy nhiên, Việt Nam hiện đã có Bộ luật Hình sự với Điều 251 quy định về tội phạm hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có - thực chất là tội phạm rửa tiền.

Nghị định này sẽ áp dụng đối với tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan sinh sống, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, không áp dụng với cá nhân và tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài vì SBV cho rằng họ chịu sự điều chỉnh của luật pháp nước sở tại. Mọi cá nhân, tổ chức khi đã sinh sống, làm việc hay quá cảnh qua Việt Nam đều phải thực thi theo những quy định của Nghị định phòng chống rửa tiền, trừ khi có những thoả thuận khác trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

  • Hồng Phúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,