221
458
Tài chính
taichinh
/kinhte/taichinh/
132820
Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam vẫn hoạt động cầm chừng'
1
Article
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam vẫn hoạt động cầm chừng'
,

Sàn giao dịch chứng khoán vắng bóng nhà đầu tư.

(VietNamNet) - Sau 3 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn chưa thực hiện được chức năng chính của mình là một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Các DN ''khát'' vốn, chủ yếu vẫn vay ngân hàng và Chính phủ phát hành trái phiếu cho các công trình lớn vẫn phải ''động viên'' dân mua. TS. Nguyễn Sơn, Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về TTCK Việt Nam sau 3 năm đi vào hoạt động?

- Như mọi người đều biết, TTCK của chúng ta mới đưa vào vận hành được 3 năm - một quãng thời gian rất ngắn. 3 năm cũng chỉ là một giai đoạn thử nghiệm, tập dượt cho nên có thể nói là các DN chưa huy động được vốn qua thị trường này nhiều mặc dù trên thị trường đã có trên 1.000 tỷ đồng theo mệnh giá niêm yết cổ phiếu và một tỷ lệ rất nhỏ trái phiếu công ty đã phát hành qua thị trường. Khối lượng cổ phiếu và trái phiếu DN niêm yết nói trên chiếm xấp xỉ 1% GDP hiện nay của Việt Nam. So với thị trường vốn quốc tế hiện nay (như Trung Quốc chiếm đến 30-40% GDP) thì TTCK Việt Nam, đặc biệt là việc huy động vốn của DN qua TTCK Việt Nam rất nhỏ bé, rất thấp. Và cái thấp này gắn với cái mới, cái phức tạp, cái cơ chế cũng như kinh nghiệm, việc tuyên truyền phổ biến của cơ quan quản lý và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. 

Tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, thị trường sẽ có hướng phát triển. Đây là kênh huy động vốn quan trọng nhất của thị trường tài chính. Bởi vì theo thông lệ quốc tế, các DN, các nền kinh tế cần vốn thì có 80% vốn huy động qua TTCK, 20% huy động vốn qua ngân hàng. Đấy là một cấu trúc hoàn chỉnh của thị trường tài chính. Ở Việt Nam hiện nay, điều đó ngược lại, tới 90% huy động qua ngân hàng và 10% huy động qua TTCK. Đây cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng tín dụng nóng hiện nay. Nếu như sử dụng vốn ngắn hạn qua kênh ngân hàng mà đầu tư trung hạn và dài hạn thì sẽ dẫn đến hậu quả khủng hoảng của thị trường tài chính. Chúng ta lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn và chúng ta cứ đảo nợ để kế tiếp nhau thì chắc đến một lúc nào sẽ có những cái sai lệch trong cấu trúc của thị trường tài chính.

-  Hiện nay, DN cần vốn, nhưng không lựa chọn TTCK để huy động vốn và người có tiền không chọn đầu tư chứng khoán. Xin ông cho biết nguyên nhân? 

- Tôi nghĩ một cách đơn giản thôi. Giả sử tôi là chủ DN thì nơi nào tôi dễ huy động vốn và chi phí huy động rẻ thì tôi sẽ huy động. Để TTCK thực sự là kênh huy động vốn của nền kinh tế thì chắc chắc là phải cải tiến rất nhiều trong tổ chức, quản lý và vận hành TTCK ở Việt Nam. Chúng ta sẽ tiến dần tới theo thông lệ quốc tế là tất cả các nguồn vốn huy động trung và dài hạn phải đẩy qua TTCK bởi vì nó có giá rẻ hơn và việc huy động dễ dàng hơn.

- Thị trường hiện nay hoạt động ''cầm chừng'', điều đó càng khó thực hiện việc huy động vốn qua kênh này?

- Thực ra trong bối cảnh hiện nay TTCK có một sự suy giảm rất lớn và kéo dài. Đây cũng là một vấn đề đặt ra mà Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các bộ, ngành và Chính phủ phải có một sự chỉ đạo sát sao việc khôi phục và phát triển thị trường. Hầu hết tất cả các quốc gia khi xây dựng TTCK, không có một quốc gia nào suôn sẻ ngay từ đầu nếu như không muốn nói là bị đóng cửa. Vào thời điểm hiện nay TTCK Việt Nam đang có suy giảm thì việc suy giảm này có nhiều nguyên nhân.

Một trong các nguyên nhân đó là sự yếu kém của các DN có cổ phiếu đưa vào thị trường. Người đầu tư có tâm lý mua sản phẩm tốt, ít khi mua sản phẩm kém chất lượng mà chưa có sự kiểm định nhất định. Cho nên tôi nghĩ rằng, sự giảm giá của thị trường hiện nay có một phần từ sự yếu kém của DN. Thứ hai là từ phía bản thân các nhà đầu tư. Họ chưa có một kỹ năng về đầu tư, họ chưa có một dân trí về TTCK và cũng chưa tạo ra một tầng lớp, một đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ đầu tư vào TTCK như thông lệ quốc tế. Ở Việt Nam hiện nay, nếu như đầu tư vào chứng khoán có lợi thì đầu tư vào chứng khoán, nếu như chứng khoán có dấu hiệu giảm giá thì bán ngay lấy tiền đầu tư vào bất động sản, nếu bất động sản xuống giá lại chuyển sang đầu tư vào thị trường hối đoái, thị trường vàng... chứ không hình thành một thị trường đầu tư chuyên nghiệp như các thị trường quốc tế khác.

Chứng khoán là một công cụ vốn dài hạn. Mua cổ phiếu là gián tiếp góp vốn vào công ty cổ phần, không thể bỏ vốn vào một ngày mà một tuần sau công ty làm tốt để nhà đầu tư có lãi cao nhờ chênh lệch giá cổ phiếu được mà phải 6 tháng, 1 năm, thậm chí nhiều năm thì DN mới tăng trưởng. Khi DN tăng trưởng thì giá cổ phiếu trên thị trường mới cao. Đó là một lý do chúng ta không thể đầu tư ngắn hạn vào TTCK.

- Tính thanh khoản của trái phiếu qua TTCK thấp và lãi suất là nguyên nhân trái phiếu trên TTCK hiện chưa hấp dẫn. Trong thời gian tới, vấn đề này có thay đổi như thế nào?

- Tôi nghĩ tính thanh khoản của thị trường trái phiếu thấp nó có nhiều lý do. Lý do đầu tiên là chúng ta phải thay đổi lại cách định lãi suất phát hành. Nó phải đảm bảo lãi suất phù hợp với lãi suất thị trường. Yếu tố thứ hai là cơ chế phát hành, làm thế nào để phát hành vì đã phát hành ra công chúng phải đến tay người đầu tư. Nếu việc phát hành chỉ giới hạn bởi một số tổ chức tài chính nhất định và nếu họ không có nhu cầu bán lại trên thị trường thì chắc chắn sẽ không có sự sôi động của thị trường thứ cấp đối với trái phiếu. Thứ ba là phải làm cho các công cụ trái phiếu trở thành công cụ tài chính thường xuyên. Chính phủ có thể liên tục tạo ra các huy động mới, tạo ra một kênh thực sự cho các nhà đầu tư, các DN tham gia vào thị trường này.

Cái thứ tư là phải tạo ra một cơ chế giao dịch. Hiện nay cơ chế giao dịch qua Trung tâm Giao dịch Chứng khoán giống như giao dịch cổ phiếu là không phù hợp. Thông lệ quốc tế người ta không làm như vậy mà giao dịch trái phiếu dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, hình thành một thị trường khác và thông thường giao dịch trên thị trường phi tập trung chứ không phải thị trường tập trung. 

- Vấn đề thông tin không minh bạch hiện nay trên TTCK Việt Nam làm cho các nhà đầu tư e ngại. Xin ông cho biết làm thế nào để cải thiện vấn đề này?

- Vừa rồi có một số vấn đề liên quan đến tổ chức niêm yết vi phạm chế độ công bố thông tin, nghĩa vụ công bố thông tin như Công ty Canfooco, Bibica gây ra tâm lý hoang mang cho giới đầu tư và ảnh hưởng đến một số DN khác niêm yết. Tuy nhiên về góc độ quản lý thì tôi nghĩ cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm khắc, kịp thời, thích đáng hành vi vi phạm. Tất nhiên do mới tham gia vào thị trường bản thân các DN người ta chưa ý thức chấp hành các quy định về công bố thông tin. Một mặt đây là lĩnh vực mới, mặt khác là người ta chưa quen, thậm chí chưa hình dung ra hậu quả của một số vi phạm về công bố thông tin nó tác động đến thị trường như vậy.

Ở đây tôi cũng nói thêm nữa là có sự yếu kém từ phía các tổ chức kiểm toán đã không làm tốt khi kiểm toán tại các DN này. Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường chỉ căn cứ vào đánh giá của cơ quan kiểm toán. Chúng tôi không đi vào làm công tác kế toán tài chính, chúng tôi chỉ dựa vào kết quả kiểm toán công bố cho nhà đầu tư. Ở đây có một số dấu hiệu từ phía cơ quan kiểm toán làm sai lệch các chỉ tiêu tài chính trong công ty gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư.

- Nghị định sửa đổi Nghị định 48/CP - ''xương sống'' của TTCK - đã chậm trễ nhiều lần so với ''dự kiến''. Xin ông cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ này?

- Hiện nay, dự thảo Nghị định 48 sửa đổi đã hoàn tất và đang trình Chính phủ. Chính phủ cũng đang gửi các thành viên để lấy ý kiến và theo tôi đánh giá sẽ được ban hành vào cuối năm nay. 

Sự chậm trễ của Nghị định 48 sửa đổi có nhiều lý do. Bởi vì vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, nhiều đơn vị. Đặc biệt đây là lĩnh vực tương đối phức tạp liên quan đến nhiều văn bản pháp quy khác cho nên có sự điều chỉnh thay đổi liên tục.

- Thưa ông, sắp tới sẽ nới lỏng những điều kiện niêm yết trên TTCK để hấp dẫn DN tham gia?

- Sắp tới, theo sửa đổi Nghị định 48/CP, sẽ nới lỏng các điều kiện phát hành ra công chúng và điều kiện niêm yết. Chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng một thị trường giao dịch cổ phiếu của các DN nhỏ và vừa ở Hà Nội (Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) và tiêu chuẩn niêm yết ở Hà Nội thấp hơn tiêu chuẩn của TP.HCM.

Chẳng hạn đối với công ty cổ phần muốn phát hành cổ phiếu, yêu cầu vốn điều lệ hiện là 10 tỷ sẽ giảm xuống còn 5 tỷ. Yêu cầu có lãi 2 năm liên tục gần nhất đến thời điểm xin phép phát hành sẽ giảm xuống 1 năm... Sau khi phát hành, các DN có vốn từ 5 tỷ trở lên có thể được niêm yết cổ phiếu để huy động vốn qua thị trường tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

  • Thanh Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,