Người vay tiêu dùng xót xa vì lãi suất
Cập nhật lúc 20:20, 17/11/2010 (GMT+7)
Nghe cô bạn nói vay tiền xây nhà lãi suất chỉ khoảng 15,5% đến 16% một năm, hôm 15/11, anh Tuấn (Hà Nội) đến hỏi vay tại một ngân hàng cổ phần thì nhân viên thông tin lãi vay lên tới 20%.
Khách vay tiêu dùng xót xa vì lãi suất. |
Gia đình chị Lê ở Hà Đông ký hai hợp đồng vay ngân hàng nước ngoài để xây nhà, mỗi hợp đồng gần 2 tỷ đồng. Khoản vay có hiệu lực từ tháng 9 với lãi suất ban đầu 15,5% một năm và 3 tháng điều chỉnh một lần. Sắp đến kỳ điều chỉnh, nhà băng nơi chị vay tiền thông báo sẽ tăng thêm lãi suất khoảng 1-1,5% một năm. Tính ra với lãi suất mới, mỗi năm chị phải tốn thêm vài chục triệu đồng cho cả hai hợp đồng.
Hợp đồng thứ nhất đã giải ngân xong, chị đành chịu. Nhưng hai vợ chồng chị tính toán có thể hủy hợp đồng còn lại, thay vào đó sẽ bán bớt một mảnh đất hoặc mượn tiền bà con họ hàng. "Trước ngại vay tiền người nhà, nhưng nay lãi suất ngân hàng cao quá, đành mượn vậy. Đằng nào người bà con cũng gửi ngân hàng với lãi suất 12-13% một năm, mình cũng trả họ như vậy. Họ không thiệt mà mình đỡ mất khoản lãi cao ở ngân hàng", chị Lê nói.
Tuy nhiên, chị Lê vẫn là trường hợp may mắn khi được xếp vào diện khách VIP nên mức tăng chỉ khoảng 1-1,5%. Ở nhiều ngân hàng khác có triển khai vay tiêu dùng như xây nhà, mua ôtô... lãi suất tăng thêm tới 2% hoặc cao hơn. Đối với một số ngân hàng cổ phần cỡ vừa, lãi suất mới cho các khoản vay tiêu dùng kể từ đầu tháng 11 đã đồng loạt được điều chỉnh lên 19 – 20%, nơi thấp cũng là 18% một năm. Việc tăng mạnh lãi suất vay tiêu dùng theo sau động thái tăng lãi suất cơ bản từ 8 lên 9% một năm cùa Ngân hàng Nhà nước.
Bác Nguyễn Tiến Hùng ở Thụy Khuê, đứng tên vay 800 triệu đồng cho con xây nhà từ hồi tháng 6. Vào thời điểm đó, ngân hàng cổ phần nơi bác vay chỉ tính lãi suất 15% một năm. Đến khoảng tháng 9, lãi suất được điều chỉnh một lần lên 16%. Tuy nhiên, bác Hùng thực sự choáng váng khi nhà băng vừa thông báo lãi vay từ tháng 12 sẽ là 18,5% một năm. “Chẳng ai ngờ lãi vay tăng đến chóng mặt như vậy. Nếu biết thế này, tôi bảo con làm cái nhà nhỏ hơn cho đỡ khổ vì trả nợ ngân hàng”, bác Hùng tâm sự.
Anh Hoàng Tuấn – nhân viên kinh doanh một công ty thương mại ở Hà Nội cũng đến một ngân hàng cổ phần cỡ vừa đề nghị vay 1 tỷ đồng để xây nhà. Tuy nhiên, khi nhân viên báo mức lãi vay lên tới 20% một năm thì anh không còn hào hứng với các thủ tục làm hồ sơ tiếp theo. Khi sang một ngân hàng cổ phần trên phố Lê Thái Tổ, mức lãi suất vay cũng là 19% và điều chỉnh 3 tháng một lần. Anh Tuấn cho biết: “Sau khi tìm hiểu, tôi hết muốn vay tiền để xây nhà trong thời điểm hiện nay”.
Trong số các ngân hàng cổ phần tăng lãi suất vay tiêu dùng, một vài nhà băng vẫn công bố ở mức vừa phải như Ngân hàng cổ phần Quân đội. Với nhà băng này, các khách hàng tốt có cơ hội vay tiêu dùng với lãi suất từ 16 -16,5% một năm. Đối với khách hàng thông thường, lãi vay sẽ cao hơn nhưng cũng chưa lên tới 19%.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lưu Trung Thái, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội thừa nhận, tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung mà đặc biệt là tín dụng tiêu dùng sẽ tăng chậm lại trong những tháng cuối năm nay, không chỉ vì chủ trương siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, mà còn vì khách hàng thấy lãi suất cao sẽ ngần ngại vay.
"Từ nay đến cuối năm, mảng cho vay tiêu dùng trên toàn thị trường sẽ gặp khó. Lãi suất tăng cao sẽ khiến khách hàng suy tính kỹ hơn, đặc biệt là những khách hàng có nhu cầu mượn tiền ngân hàng để đầu tư ngắn hạn", ông Thái nói. Theo ông, khối khách hàng có nhu cầu vay vốn chi tiêu thực sự và lâu dài, chẳng hạn vay xây nhà, mua nhà đất, khi được ngân hàng thông báo tăng lãi suất đều xót xa, nhưng nếu có nhu cầu thực sự họ đành chấp nhận.
Phó tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần đô thị cỡ vừa cho biết, nhà băng này đưa ra mức 20% đối với vay tiêu dùng một phần là bởi lãi suất đầu vào cao. Thế nhưng, một lý do khác là ngân hàng đang hạn chế bớt tăng trưởng tín dụng bởi nguồn vốn cuối năm cũng hạn hẹp, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu thắt chặt tiền tệ. “Trong bối cảnh hiện nay, phòng thủ về tín dụng tốt hơn là mở rộng thật mạnh bởi rủi ro về thanh khoản cuối năm là rất lớn”, ông này nói.
(Theo eBank)