Lãi suất căng, Ngân hàng Nhà nước lại "vào cuộc"
Cập nhật lúc 14:40, 16/11/2010 (GMT+7)
Đầu tuần qua, bên cạnh sự nổi loạn của giá vàng và ngoại tệ, lãi suất VND trên thị trường 1 và 2 cũng nhảy tưng bừng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp kịp thời, lãi suất VND đã tạm ổn định.
Các ngân hàng thương mại nhất trí cao quan điểm tẩy chay việc mặc cả giá vốn từ các đơn vị kinh doanh vốn trên thị trường 2, nhằm góp phần ổn định lãi suất thị trường này. |
Vì sao lãi suất tăng?
Đầu tuần thị trường vẫn bình thường, nhưng từ 9/11 trở đi, đặc biệt trong hai ngày 10 và 11/11, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng rất bất thường.
Bên bán chào giá lên tới 16 - 17%/năm với kỳ hạn qua đêm, thậm chí có đơn vị còn rao tới 20%/năm. Tuy nhiên, giao dịch thành công phổ biến ở mức quanh quẩn 17%/năm, được coi khá bất thường trên thị trường.
Lý giải hiện tượng này, theo phản ánh từ các ngân hàng thương mại, nguyên nhân đầu tiên là giá vàng, ngoại tệ tăng đột biến do lo ngại lạm phát. Thêm vào đó, khi Ngân hàng Nhà nước tăng một số lãi suất chủ chốt như tái cấp vốn, tái chiết khấu thêm 1%/năm so với, bên gửi tiền và tổ chức tín dụng (tổ chức tín dụng) hiểu rằng, cơ quan này đang phát đi thông điệp kiểm soát chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Những diễn biến này tác động mạnh lên tâm lý thị trường, khiến một bộ phận không nhỏ người dân và tổ chức kinh tế rút tiền khỏi ngân hàng để mua các tài sản hoặc tính toán phương án đầu tư khác.
Thứ hai, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lợi dụng tình hình thị trường diễn biến phức tạp, khá nhiều đơn vị hoạt động trên thị trường 2 (chủ yếu là công ty tài chính và tổ chức kinh tế, không phải ngân hàng), trước đây họ cho vay trên thị trường này với lãi suất thấp hơn mức hiện tại, nay hết kỳ hạn cho vay, họ rút vốn về, đã làm cho thị trường bị loãng vốn, gây thiếu hụt tạm thời.
Thứ ba, đó là tình trạng mặc cả vốn. Những thành viên trên đó, nhất là công ty tài chính mà phía sau họ là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn có nguồn vốn dồi dào, trong lúc dư vốn tạm thời đã đẩy cho các công ty con mang vốn kinh doanh trên liên ngân hàng. Tranh thủ lúc thị trường diễn biến bất lợi, họ mặc cả giá vốn rất cao, nếu không đạt được mục đích, họ rút vốn nên góp phần đẩy lãi suất lên cao.
Thứ tư, lãi suất thị trường 2 tăng còn xuất phát từ một lý do khác. Trước thông tin “Chính phủ chủ trương làm cho lãi suất VND hợp lý theo thị trường hơn, chấp nhận lãi suất có thể tăng” từ Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, một số ngân hàng lâu nay vẫn kinh doanh vốn trên thị trường 2 mặc dù có vốn, thừa thanh khoản, đã dừng bơm vốn ra thị trường để nghe ngóng, góp phần tạo nên hiện tượng thiếu thanh khoản giả tạo.
Giám đốc bộ phận kinh doanh vốn ở một ngân hàng thương mại cho biết: “Trong lúc mù mờ thông tin như thế này, nếu bơm ra, nhỡ thị trường lên thì hớ, còn thị trường xuống thì bị quở trách nên thà để vốn trong két còn hơn”.
Trả lại thanh khoản
Trước tình hình này, chiều 11/11 vừa qua, tại cuộc họp “kín” giữa Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại phía Bắc, cơ quan điều hành đã can thiệp khá kịp thời.
Trước hết, cơ quan này cấp ngay quota nhập khẩu vàng cho 4/8 đơn vị được phép nhập khẩu và tính đến ngày 12/11, đã có hơn 30% số lượng vàng cấp phép về tới kho. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng can thiệp ngoại tệ ra thị trường kịp thời vừa cho đối tượng nhập vàng, vừa cho các doanh nghiệp nhập khẩu đúng trọng điểm theo 2 quyết định của Bộ Công thương.
Tiếp theo, trong tuần từ 8 - 12/11, Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường một lượng vốn lên tới 75 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, ngày 8/11: 10 nghìn tỷ đồng; 9/11: 20 nghìn tỷ; 10/11: 20 nghìn tỷ đồng; 11/11: 14 nghìn tỷ đồng và 12/11: 11 nghìn tỷ đồng.
Cùng đó, trên OMO, từ 9/11, Ngân hàng Nhà nước bỏ giao dịch kỳ hạn 1 tháng và chỉ tập trung giao dịch đối với kỳ hạn 7 ngày, nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, đồng thời ấn định mức lãi suất 8,75%/năm.
Đặc biệt, khác với trước đây, giao dịch trên OMO chủ yếu là các ngân hàng quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh, sở hữu nhiều giấy tờ có giá thì gần đây, số lượng ngân hàng giao dịch OMO lên tới 30 đơn vị. Và hiện chỉ có một vài ngân hàng thương mại rất nhỏ chưa quen với hình thức giao dịch này.
Nhờ đó, hầu như ngân hàng nào cũng tiếp cận được với nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước có giá rẻ hơn thị trường. Động thái này lập tức có ngay phản ứng tích cực, giao dịch thị trường liên ngân hàng tập trung phần lớn ở các kỳ hạn 2 tuần, 3 tuần và lãi suất giảm nhanh xuống 13 - 13,5%/năm, còn lãi suất qua đêm còn 11,5%/năm, 1 tuần 12,5%/năm.
Song song, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến hành điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng lành mạnh hóa. Tính đến nay, tín dụng phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng) chiếm tỷ trọng 18% tổng tín dụng cả hệ thống, phần lớn ở khu vực bất động sản.
Một quan chức Ngân hàng Nhà nước khẳng định tỷ trọng và tốc độ khu vực tín dụng này không tăng cao nhưng trị tuyệt đối có tăng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm cả tỷ trọng, tốc độ và trị tuyệt đối tín dụng phi sản xuất.
Một điều đáng lưu ý là tại “cuộc họp kín” nói trên, các ngân hàng thương mại nhất trí cao quan điểm tẩy chay việc mặc cả giá vốn từ các đơn vị kinh doanh vốn trên thị trường 2, nhằm góp phần ổn định lãi suất thị trường này.
Đành rằng, thị trường liên ngân hàng cũng như “chợ” vốn, người đi bán thì muốn đắt, người mua muốn rẻ nhưng lâu nay, chuyện mặc cả giá vốn, nhiều khi quá mức (lên tới 20%/năm như ở tuần qua) là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, muốn bài trừ chuyện mặc cả thì Ngân hàng Nhà nước phải điều hành sát với thị trường. Bởi lẽ, không phải ngân hàng thương mại nào cũng muốn “vạch áo cho Ngân hàng nhà nước xem lưng”!
(Theo VnEconomy)