Thị trường máy bay riêng cho giới “siêu giàu” Trung Quốc

Cập nhật lúc 19:09, 30/10/2010 (GMT+7)

 - Kết quả khảo sát của tạp chí Forbes Asia mới đây cho thấy Trung Quốc hiện có 128 tỷ phú, cùng lực lượng hùng hậu gồm hơn một ngàn triệu phú khác. Khát khao “bằng chị bằng em” của giới “siêu giàu” nước này đang tạo ra thị trường lớn của các thú chơi xa xỉ, gồm việc tậu máy bay riêng.

Mô tả ảnh.
 Đại gia Trung Quốc ngày càng khao khát sắm máy bay riêng (Ảnh: news.sina)

Tuần tới, tại Bắc Kinh, bảy chiếc máy bay cho thuê và một chuyến du hí cá nhân đang chờ đợi những doanh nhân giành giải thưởng Doanh nghiệp được ưa chuộng nhất Trung Quốc.

Ông Rupert Hoogewerf, nhà tài trợ giải thưởng và cũng là người sáng lập Danh sách những người giàu nhất Trung Quốc (the Hurun Rich List), giải thích :” Chúng tôi muốn tỏ lòng kính trọng tới những người có cống hiến cho xã hội. Hơn nữa, thật tuyệt vời khi được  du ngoạn trên máy bay riêng”.

Cùng lúc, có những thông tin  cho biết Trung Quốc sẽ thử nghiệm mở cửa “vùng trời thấp” tại một số khu vực đang bị giới hạn bay. Theo các chuyên gia hàng không, điều này sẽ tạo ra “cơn sốt”  sở hữu máy bay riêng của không ít người giàu nước này.

Mặc dầu chưa có công bố chính thức song thông tin này thực tế đã mang lại giá trị lớn cho các cổ phần liên quan tới hàng không tư nhân. Trường huấn luyện bay dân sự tại huyện Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên đã được phép đào tạo phi công lái máy bay riêng. Trong tương lai, dự kiến sẽ có 2.500 người Trung Quốc có nhu cầu học lái máy bay mỗi năm.

Ông Li, quan chức của trường, cho rằng máy bay riêng thuận lợi và linh hoạt trong việc cất cánh cũng như hạ cánh, tạo ra sự hứng thú cho cả phi công lẫn hành khách. 

Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn tồn tại. Chỉ vào hai chiếc máy bay tư đang đậu trên đường băng, ông Li nói: ”Vì thủ tục rườm rà và những quy định nghiêm ngặt nên các máy bay đó vẫn đang phải đợi cất cánh”.

Khát khao “giấc mơ bay” 

Theo ông Li, mở cửa không phận ở độ cao dưới 1.000 mét mới là bước khởi đầu và chưa như mong đợi. Hoạt động bay ở độ cao thấp hiện chịu sự giám sát chặt chẽ của Cục Hàng không dân dụng cũng như lực lượng Không quân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, bất cứ chuyến bay tư nhân nào cũng phải xin phép và mất thậm chí cả tuần để hoàn thành nhiều thủ tục quy định rối rắm, liên quan tới nhiều cơ quan, ban ngành. Thực trạng này làm giảm bớt sự hăm hở sở hữu máy bay riêng của không ít đại gia Trung Quốc. 

"Tôi phải bay tới những khu vực hoang vu rộng lớn hoặc lên các vùng đồi núi xa xăm. Đó là lý do tôi cần một chiếc máy bay riêng” - Ông Gan, một nhà giàu mới nổi ở tỉnh Tứ Xuyên, người sở hữu chiếc trực thăng riêng từ năm 2008, cho biết.

Đối với những người giàu có như ông Gan, tậu được máy bay là một chuyện còn có dùng nó để bay thoải mái được hay không lại là chuyện khác.

Kể cả khi có giấy phép bay và lái máy bay, các ông chủ cũng khó mà tìm thấy chỗ cất cánh hoặc hạ cánh ngon lành. Chỉ có 40 sân bay ở Trung Quốc (tính cả Hongkong và Macau) mở cho các máy bay riêng đăng ký tại Mỹ trong khi con số này ở Mỹ là 3.000 sân bay.

Có thể nói, cơ sở mặt đất không tương xứng là lý do chính khiến hoạt động buôn bán máy bay tư nhân cũng như thị trường hàng không tư nhân ở Trung Quốc chưa thực sự sôi động.

Thú chơi xa xỉ

Mô tả ảnh.
 Mở cửa “vùng trời thấp” giúp hàng không tư nhân bùng nổ (Ảnh: Reuters)

Zhang, một tỷ phú ở Tứ Xuyên, tự tin nói :” Nhiều người Trung Quốc đủ tiền mua máy bay riêng. Nhưng họ có thể không đủ khả năng để duy trì hoặc sửa chữa máy bay vì việc này “đốt” rất rất nhiều tiền “.

Một số lời đồn chưa kiểm chứng cho rằng cả Trung Quốc có 200 người được cấp giấy phép sở hữu máy bay riêng. Một giấy phép có giá khoảng 160.000 Nhân dân tệ (NDT-tương đương khoảng 24.000 USD). Cứ 100 giờ bay tại câu lạc bộ mất đứt 300.000 NDT (khoảng 45.000 USD). Ngoài ra, phí bảo dưỡng máy bay sau 200 giờ bay lên tới 1 triệu NDT ( khoảng 150.000 USD).

“ Đây quả là giấc mơ xa xỉ”- ông Zhang kết luận.

Theo Danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm 2010 vừa được công bố, nước này có 1.363 cá nhân có tài sản riêng trị giá 1 tỷ NDT (khoảng 150 triệu USD). Một số nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng trong số này, có khoảng 300.000 người là khách hàng mua máy bay riêng tiềm năng.

Ông Rupert Hoogewerf nhận định nếu vùng trời thấp được mở, các máy bay riêng không chỉ phục vụ ông chủ trong việc giải trí mà còn giúp mở rộng thị trường tài chính do các chuyến đi thuận lợi hơn. 

Khi đó, hình ảnh các “đại gia” Trung Quốc dùng máy bay riêng đi ký hợp đồng làm ăn ở châu Phi, châu Mỹ, châu Âu hay đến tham dự những sự kiện hoành tráng ở phương Tây như xem giải quần vợt Mỹ mở rộng hay Liên hoan phim Cannes sẽ trở nên phổ biến.

Trong khi đó, ông Li He- giám đốc khu vực của Hãng Avion Pacific có trụ sở tại Hongkong- cho rằng Trung Quốc đại lục là một thị trường phát triển nhanh chóng và hãng này đang hướng tới giới “siêu giàu”, coi những người giàu nhất tại các tỉnh thành là khách hàng tiềm năng. Theo ông Li He, rất nhiều người mới phất lên ở Trung Quốc khoái mua máy bay riêng, một số thậm chí sẵn sàng vung ra hàng trăm triệu NDT cho thú chơi xa xỉ này.

Hồi tháng Năm, Avion Pacific đã ký thỏa thuận với một câu lạc bộ bay nhằm thành lập Trung tâm dịch vụ máy bay đầu tiên ở miền Tây Bắc Trung Quốc, cho phép các chủ sở hữu máy bay riêng thuê “dịch vụ cả gói”.

Ước muốn dâng trào

Đầu năm ngoái, Chen Yilong, một ông trùm bất động sản ở thành phố Weinan, đã mua một chiếc máy bay bốn chỗ màu đỏ với giá hơn 5 triệu NDT (khoảng 748.000 USD). Đến tháng Năm vừa qua, ông Chen lại trả 30 triệu NDT (khoảng 4,49 triệu USD) để mua chiếc may bay thương mại C90GTx do Mỹ sản xuất.

“Tôi rất thích thú mua chiếc máy bay xa xỉ này. Ngoài việc dùng cho việc riêng, tôi cũng dự tính cho thuê máy bay để...gỡ vốn”- ông Chen nói. Ông tin tưởng thị trường hàng không tư nhân sẽ có tương lai sáng, bất chấp một số trở ngại.

Nhu cầu tăng sẽ kích thích toàn bộ ngành công nghiệp hàng không tư nhân, từ việc sản xuất, bán hàng cho tới huấn luyện và cung cấp dịch vụ bay. Một thị trường lớn đang mở ra cho ngành hàng không tư nhân Trung Quốc, trong lúc số người giàu tại nước này ngày càng tăng.

Một số dự báo cho rằng thị trường máy bay tư nhân tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng 20 - 25% trong vòng 10 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng này, số lượng đại gia “tậu” máy bay riêng của Trung Quốc chắc chắn vượt qua Mỹ.

  • Võ Giang (Theo Tân Hoa Xã, Forbes)

Ý kiến của bạn

Các tin khác