Nhập siêu giảm tốc; xuất khẩu nhằm đích 70 tỷ USD

Cập nhật lúc 09:16, 28/10/2010 (GMT+7)
Theo dự báo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, trong hai tháng cuối năm 2010, xuất khẩu sẽ tiếp tục diễn biến thuận lợi, bình quân sẽ đạt khoảng 6,1 tỷ USD/tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên tới 70 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2009.

1
Xuất khẩu, nhập khẩu, nhập siêu qua 10 tháng đầu năm 2010 (đơn vị: tỷ USD, nguồn: Tổng cục Thống kê).

Hiện tại, xuất khẩu đang tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, bình quân mỗi tháng xuất khẩu đạt 5,78 tỷ USD, cao hơn mức bình quân kế hoạch năm (kế hoạch năm 60,5 tỷ USD, bình quân 5,04 tỷ USD/tháng).


Đây là những tín hiệu tốt đáng kể với nền kinh tế trong nước sau những tin không mấy tốt lành như CPI tăng cao và có thể còn cao hơn nữa trong hai tháng cuối năm.


Theo ông Biên, xuất khẩu trong tháng 10/2010 đạt 6,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm, con số này là 57,8 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái.


Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đang có xu hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô.


Cụ thể, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến so với cùng kỳ 2009 tăng mạnh từ 62,8% lên 68,2%, nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm từ 15,5% xuống 11%.


Nhìn chung, các mặt hàng và nhóm hàng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như tháng 9/2010. Xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản ước đạt gần 12 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.


Hầu hết các mặt hàng nông sản đều có kim ngạch tăng trưởng dương, trong đó tăng mạnh nhất là cao su tăng 94,4%, nhân điều 29,5%, hạt tiêu 23%. Giá cả một số mặt hàng đã có sự hồi phục ở mức khá làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng, chẳng hạn giá điều tăng 20%, giá tiêu tăng 38%, giá cao su tăng 82%, giá sắn tăng 78%...


Nhưng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mạnh nhất lại thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, đạt trên 39,4 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34%, với tất cả các mặt hàng đều tăng trưởng dương. Trong đó, tăng mạnh nhất là thép với mức tăng kim ngạch lên đến 190%, hóa chất 188%, sản phẩm từ cao su tăng gần 81% so với cùng kỳ.


Còn nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ, ước đạt kim ngạch 6,36 tỷ USD, giảm 12,6%, chủ yếu do lượng xuất khẩu các mặt hàng trong nhóm giảm như dầu thô giảm 44,3%, than đá 22,1%, xăng dầu 7,9%.


Nhận định về tình hình xuất khẩu hai tháng cuối năm, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, ngoài những mặt hàng công nghiệp tiếp tục tăng trưởng thì xuất khẩu một số mặt hàng nông lâm sản cũng có thể tăng so với cùng kỳ nhờ có thuận lợi nhất định về giá cả và nguồn cung cho xuất khẩu.


Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2010 có thể đạt 4,81 tỷ USD, gạo đạt 2,35 tỷ USD, cà phê đạt 1,8 tỷ USD, cao su đạt gần 2,3 tỷ USD, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể vượt kế hoạch và đạt 3,2 tỷ USD.

Nhập siêu vẫn giữ “khoảng cách an toàn


Điểm qua kết quả nhập khẩu 10 tháng đầu năm, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, trong khi tám tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu thì từ tháng Chín đến nay xu hướng này đã ngược lại.


Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm tiếp tục thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, cụ thể xuất khẩu tăng 23,3%, nhập khẩu tăng 20,7%.


Nguyên nhân chính là do xuất khẩu tăng mạnh và nhập khẩu chững lại từ tháng 4/2010. Tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu cũng đã giảm dần qua các tháng, cụ thể trong 4 tháng đầu năm tỷ lệ này là 23,4%, 6 tháng là 19,38%, tám tháng là 16,6% và mười tháng chỉ là 16,45%.


Theo quy luật, kim ngạch nhập khẩu thường tăng cao hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do giá cả trên thị trường thế giới có thể giữ ổn định, lượng hàng tồn kho trong nước đối với một số mặt hàng còn tương đối lớn, cùng với việc triển khai tích cực các biện pháp kiềm chế nhập siêu nên dự báo kim ngạch nhập khẩu trong hai tháng cuối năm sẽ không tăng mạnh.


Nhập khẩu cả năm được dự báo sẽ đạt 82,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2009. Để đạt được mức này, bình quân nhập khẩu hai tháng cuối năm sẽ phải ở mức 7,6 tỷ USD/tháng.


Như vậy, nhập siêu cả năm 2010 sẽ trong khoảng 12,5 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 17,8%.


Để giữ được con số này, đại diện Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Ngự cũng kiến nghị, cần có những giải pháp ngăn chặn từ xa, cụ thể là yêu cầu nhà xuất khẩu nước ngoài cung cấp đầy đủ giấy chứng nhận tiêu chuẩn về lô hàng và chủng loại mà trong nước có nhu cầu.


Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp đầu mối cũng điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu xăng dầu từ nay đến cuối năm nhằm giảm áp lực nhập siêu, tiết kiệm ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu trong nước.

(Theo TTXVN, TBKT)

Các tin khác