(VietNamNet) - Giá dầu diesel (DO) - nhiên liệu chính dùng cho các loại tàu đánh cá - lại tăng thêm 200 đồng/lít. Một đôi tàu công suất 550 mã lực trong một chuyến đi dài ngày 1 tháng cần tới 60.000 lít dầu, tức chi phí tăng thêm 12 triệu đồng. Lý do này, khiến cho những đội tàu đánh cá vốn gặp rất nhiều khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn...
Dầu tăng nhưng "đầu ra" không tăng
Ai cũng biết, nghề đánh bắt xa bờ trong vài năm trở lại đây gặp vô vàn khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là năng suất sản lượng đánh bắt ngày càng có chiều hướng giảm sút. Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Thủy sản Tiền Giang cho biết, biển thì đang cạn dần nguồn cá, trong khi số lượng tàu đánh bắt không ngừng tăng lên. Đã vậy, các loại hình đánh bắt biến hóa "muôn hình vạn trạng", chưa kể trong đó có nhiều cách làm tận diệt nguồn thủy sản. Chính vì vậy, theo ngư dân ở miệt biển thuộc huyện Gò Công Đông, Tiền Giang cho biết, đi biển bây giờ cũng như đánh cược bóng đá, "năm ăn năm thua", có khi lênh đênh ngoài khơi cả tháng trời nhưng khi về bến, hạch toán ra là... lỗ.
Ông Nguyễn MinhTâm, Giám đốc cảng cá Mỹ Tho bộc bạch, chính vì nguồn cá gần bờ đang cạn dần, nên những đoàn tàu phải đánh bắt xa bờ, mà đi xa thì chi phí nhiên liệu tăng, lại dễ gặp rủi ro, như bão, đặc biệt là gặp cướp biển...
Nếu lấy cột mốc từ tháng 4/2000, khi giá dầu DO là 3.900 đồng/lít đem so với hiện tại là 4.850 đồng/lít, thì giá tăng gần 1000 đồng/lít. Trong khi đó, giá các loại thủy hải sản đánh bắt nhìn chung vẫn như cũ, không có biến động nhiều... Ông Bảy Húa, chủ hai chiếc tàu có công suất 120 CV ở xã Khánh Hội, huyện U Minh Cà Mau tỏ ra vô cùng buồn chán. Ông than thở: "Cứ cái đà này, chắc có lẽ chúng tôi phải neo tàu lại, bởi ra khơi đã chuyến được chuyến lỗ, mà bây giờ dầu lại còn tăng giá...".
Một đôi tàu công suất 550 CV tăng chi phí thêm 12 triệu đồng
Sau khi dầu DO tăng giá, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã cho biết, mức ảnh hưởng cho ngành đánh bắt xa bờ chắc chắn là không nhỏ. Việc giá dầu diesel tăng thêm 200 đồng/lít sẽ làm chi phí mỗi chuyến đi biển "đội" lên đáng kể. Cùng với ý kiến của Bộ trưởng, ông Huỳnh Việt Khải, Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau nhận định, dầu mới tăng được một ngày nên họat động của các đoàn tàu địa phương vẫn diễn ra bình thường. Hơn nữa, thời điểm này, đa số các tàu ra khơi đã "ăn dầu" đầy đủ cho một chuyến đi biển kéo dài từ 20-30 ngày. Tuy nhiên, về lâu dài, sự kiện dầu lên giá sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của bà con ngư dân. Ông Khải dẫn chứng, nếu một đôi tàu có công suất 550 mã lực trong chuyến đi dài ngày (khoảng 1 tháng) phải cần tới 60.000 lít dầu, tức chi phí tăng thêm 12 triệu đồng. Đây là khoản thiệt thòi không nhỏ đối với ngư dân trong khi đầu ra gần như không tăng.
Đáng lưu ý, ở các tỉnh dọc theo vùng duyên hải ĐBSCL, ngư dân đã chịu rất nhiều tai họa. Cụ thể, cơn bão số 5 Linda đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng, và không ít ngư dân đã phải vay tiền từ nhiều nguồn để tự mua sắm tàu bè làm phương tiện sinh sống. Chính vì vậy, hiện tại nhiều người vẫn đang trong tình trạng nợ nần, nay giá xăng dầu tăng, nợ bao giờ mới dứt?
Ông Gành cho biết, đa số những chủ tàu đều mua dầu gối đầu, có nghĩa, sau mỗi chuyến đi biển, họ bán sản phẩm mới có tiền thanh toán. Nay xăng dầu tăng giá, chắc chắn chủ những cây xăng sẽ tính theo giá mới cho lượng dầu ngư dân đã mua trong những chuyến trước. Cuối cùng, phần thiệt thòi lại thuộc về ngư dân.
Chủ của những chiếc tàu Như Ngọc, Mộng Vân thuộc thành phố Mỹ Tho cho rằng, nếu với giá dầu cũ, đôi khi vẫn có những chuyến đi biển họ đã phải bù lỗ từ 25-30 triệu đồng; huống hồ với giá dầu như hiện nay, chắc chắn mức bù lỗ sẽ còn cao hơn nữa. Đó là chưa kể hàng loạt các chi phí dịch vụ khác sẽ tăng trong một vài ngày tới như nước đá, nhân công, lưới... Lý do này khiến cho nhiều tàu có nguy cơ "trùm mền".
-
Cửu Long