221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
438426
Ngân hàng còn chật vật với thanh toán phi tiền mặt
1
Article
null
Ngân hàng còn chật vật với thanh toán phi tiền mặt
,

(VietNamNet) - Một nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh không thể thiếu một hệ thống thanh toán hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây người ta hay nói và ''mơ'' tới một nền kinh tế thanh toán phi tiền mặt như vậy.

Diễn đàn Banking 2004 được tổ chức sáng nay, 15/6.

Theo ông Tạ Quang Tiến - Cục trưởng Cục Công nghệ tin học ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã nói tại Diễn đàn Banking 2004 sáng nay (15/6), ''Để có thể phát triển được hệ thống thanh toán phi tiền mặt, một nền kinh tế phải có mức thu nhập bình quân của dân cư cao, hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ, cơ sở hạ tầng công  nghệ của các ngân hàng, các DN và tổ chức kinh tế phải mạnh; Nguồn nhân lực về CNTT trong các ngân hàng giỏi, dân trí cao và phải có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt''.

Việt Nam hiện có trên 80 triệu dân với thu nhập 400 USD/người/năm, trong đó 80% là nông dân với thu nhập thấp. Các hình thức thanh toán phi tiền mặt của người Việt Nam mới dừng lại chủ yếu là sec, ủy nhiệm thu, chi, thư tín dụng và thẻ thanh toán, thanh toán điện tử..., trong khi các nước tiên tiến khác đã tiến đến hàng trăm hình thức thanh toán điện tử khác nhau.

So với những tiêu chí đó, hẳn những cơ sở để phát triển của Việt Nam còn thiếu quá nhiều. Và như vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng vẫn phải chật vật nhiều với ''giấc mơ phi tiền mặt''.

Nhu cầu còn rất lớn

Trong tổng số 80 tổ chức tín dụng và hơn 1.000 các quỹ tín dụng nhân dân, rất ít nơi sử dụng các hình thức thanh toán phi tiền mặt. Còn hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, một ví dụ tiêu biểu cho thanh toán phi tiền mặt, thì hình thức này chưa phổ biến, mà mới được sử dụng thanh toán giữa một số ngân hàng lớn với nhau.

Các loại hình khác như thanh toán bù trừ tỉnh, thành phố, thanh toán nội bộ các ngân hàng và thanh toán quốc tế, mặc dù đã ra đời từ lâu nhưng chưa phát triển được như mong đợi. Hệ thống ATM trên cả nước dù đã phát triển nhanh trong vài năm qua, song mới có hơn 300 máy tại tất cả các địa bàn trong nước và 100 máy chuẩn bị lắp đặt. Số lượng thẻ thanh toán hiện là hơn 356 nghìn thẻ, quá nhỏ bé so với con số trên 80 triệu dân Việt Nam.

Nhu cầu thanh toán phi tiền mặt hay thanh toán điện tử ở Việt nam đã, đang và sẽ rất lớn trong thời gian tới. Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, so với các năm trước, số tiền được thanh toán điện tử đang tăng nhanh. Trong đó, số tiền được thanh toán bằng sec của năm 2003 tăng tới 110% so với năm 2002. Hiện bình quân Hệ thống thanh toán điện tử Liên ngân hàng chi trả được từ 9 đến 10 nghìn món tiền/ngày.

Hiện các giải pháp công nghệ mới đang được các ngân hàng xúc tiến mạnh mẽ. Ông Tiến lấy ví dụ: ''8 ngân hàng đã xây dựng hệ thống kế toán tập trung tài khoản, 12 ngân hàng đã có hệ thống ATM, 20 ngân hàng đã phát hành thẻ thanh toán, 42 ngân hàng đã tham gia hệ thống thanh toán quốc tế và 3 ngân hàng đang triển khai ứng dụng Internet banking''.

Giải pháp tổng thể để mở rộng thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam, theo ông Tiến, là cần hoàn thiện hệ thống pháp lý như ra đời Luật Giao dịch điện tử, chứng từ điện tử, chữ ký điện tử...; Đầu tư và tổ chức được hệ thống kế toán thanh toán theo mô hình tập trung hóa tài khoản; Đào tạo nhân lực, khuyến khích và phổ biến tới người dân cách thức và thói quen thanh toán với thẻ, sec...

15 triệu món/ngày, có quá xa?

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích các thành viên của mình tăng cường dịch vụ mở tài khoản tiền gửi cá nhân và thanh toán qua ngân hàng, quảng cáo các dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ thẻ, quản lý tài chính hợp lý đối với cơ quan nhà nước.

Hiện SBV cũng cho biết, cơ quan này đang hoàn tất hướng dẫn nghị định về séc, hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm bù trừ séc tại một số thành phố lớn; Thúc đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm chuyển mạch kết nối máy ATM và các máy đầu cuối; Mở rộng và phát hành thẻ thanh toán.

SBV hy vọng, trong thời gian tới, tổng số món thanh toán điện tử sẽ đạt đến ''đích'' 31%/năm, số tiền sẽ tăng 24%/năm. Sau 3 năm, mức tăng trưởng sẽ là 200% về số món và sau 4 năm tăng gấp 2 lần về số tiền thanh toán điện tử. Hệ thống thanh toán sẽ đạt 20-25 ngàn giao dịch/ngày với số tiền 10-15 ngàn tỷ đồng/ngày. Số máy ATM sẽ là 1.500 đến 2.500 chiếc. Số thẻ thanh toán lên tới 15 triệu với số tiền được thanh toán qua thẻ khoảng 21 đến 25 ngàn tỷ đồng. Tổng số món tiền trong nền kinh tế được thanh toán sẽ khoảng 8 đến 15 triệu/1 ngày.

Liệu giấc mơ 15 triệu món tiền/ngày có quá xa vời? 

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khá phổ biến  hiện nay, gồm: Internet Banking, E-banking, Home Banking, Phone Banking, MobileBanking..., ATM, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, séc, chuyển tiền điện tử, nhờ thu, ủy nhiệm chi, thanh toán qua tài khoản cá nhân, thanh toán online, Master Card, Visa Card, Amex Card...

Tổng khối lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của TP.HCM năm 2003 là 1.200.000 tỷ đồng, tăng 7,9% và chiếm tỷ trọng 86% trong tổng phương tiện thanh toán trên địa bàn. Trong đó, phương thức ủy nhiệm chi vẫn là phương thức được sử dụng nhiều nhất, chiếm khoảng 75% trong tổng khối lượng thanh toán không dùng tiền mặt.

  • Hồng Phúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,