(VietNamNet) - Đây là đối tượng rất quan trọng để thúc đẩy cổ phần hoá, nhưng trong 1.500 công ty cổ phần hiện nay, tỷ lệ nhà đầu tư chiến lược chiếm chưa đến 5%.
Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đầu tuần qua đề xuất với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan một số giải pháp, nhằm tăng cường vai trò của nhà đầu tư chiến lược trong cổ phần hoá và phát triển DN.
Tổ chức này cho rằng, hiện chúng ta đang để ''lãng phí'' vai trò và năng lực của các nhà đầu tư chiến lược - những đối tượng rất quan trọng sẽ thúc đẩy cổ phần hoá. Theo VAFI, nhà đầu tư chiến lược có vốn, công nghệ, trình độ quản lý, thị trường... Do đó, thành phần này có thể mang lại những thương hiệu nổi tiếng cho DN, làm cho khả năng tài chính mạnh lên, vì nhờ tên tuổi của họ, DN dễ dàng huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư khác.
Nguyên nhân chính là tỷ lệ cổ phần Nhà nước còn quá cao, chiếm tới 51% ở những DN có vốn trên 5 tỷ đồng, kinh doanh có lãi. Thực tế trên đã hạn chế việc tham gia góp vốn của nhà đầu tư chiến lược, vì nếu có điều kiện tham gia họ cũng khó có ảnh hưởng trong quản trị DN.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, qui định hiện hành mới chỉ cho phép họ góp vốn khoảng 30 ngành nghề. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam còn giới hạn ở mức 30%, khiến họ không thể thay đổi và định hướng được phương án kinh doanh.
Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các chuyên gia khuyến nghị, chỉ nên quy định trong 1 số ngành nghề nhạy cảm, có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế thì Nhà nước mới duy trì tỷ lệ cổ phần chi phối. Cũng chỉ nên qui định danh mục ngành nghề nhạy cảm, quan trọng, mới không được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia ở tỷ lệ giới hạn; đồng thời nên tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam theo tình hình thực tế về danh mục ngành nghề.
-
H.Phúc