221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
434876
Xe đạp VN đối mặt với kiện bán phá giá của EU
1
Article
null
Xe đạp VN đối mặt với kiện bán phá giá của EU
,

(VietNamNet) - Sau mì chính, bật lửa gas, oxit kẽm, EU lại vừa đưa mặt hàng xe đạp và phụ tùng xe đạp của Việt Nam vào danh sách điều tra bán phá giá. Điều đáng nói là trong danh sách có 3 công ty Việt Nam chưa bao giờ xuất mặt hàng này vào EU. 

Người tiêu dùng Việt Nam chỉ cần bỏ 30-50 USD là có thể mua một chiếc xe đạp.

Trong 9 công ty bị EU đưa vào danh sách điều tra bán phá giá có 6 công ty 100% vốn nước ngoài và 3 công ty Việt Nam. 6 DN FDI gồm: A&J High Ride Bicycle (Bình Dương), Vietnam Sheng-Fa International (TP.HCM), Asama Yuh Jiun (Bình Dương), Dragon Bicycle Vietnam (Đồng Nai), Liyang Industrial (Đồng Nai) và Strongman (Đồng Nai). 3 công ty Việt Nam bị đưa vào danh sách gồm: Công ty Xe đạp Thống Nhất, Xuân Hoà và Lê Ngọc Hân (Công ty này nay đã sáp nhập vào Công ty Haprosimex). 

Biên độ thuế chống bán phá giá có thể lên tới 46,24%

Vụ kiện bắt đầu từ ngày 29/4 vừa qua, khi Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp châu Âu (EBA) gửi yêu cầu điều tra chống bán phá giá với mặt hàng xe đạp Việt Nam lên Ủy ban châu Âu (EC). EBA đồng thời gửi lên EC một bản báo cáo chi tiết, thống kê những thiệt hại do việc các nhà xuất khẩu xe đạp và phụ tùng xe đạp Việt Nam bán phá giá tại thị trường EU. 

Năm 2003, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xe đạp và phụ tùng xe đạp của Việt Nam vào EU đạt 150 triệu USD, tăng 21% so với năm 2002 và dự kiến sẽ đạt 180 triệu USD trong năm 2004 này. 

Nếu năm 1999, thị phần mặt hàng xe đạp của Việt Nam tại EU là 1,6% thì năm 2001 đã lên 3,7%, năm 2002 là 5% và năm 2003 là 8,2%. 

(Nguồn: Bộ Thương mại)

Báo cáo này cho rằng, do có nhiều ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, các nhà sản xuất xe đạp Đài Loan đã tăng cường xây dựng nhà máy tại đây, cộng với chi phí nhân công rẻ đã tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng và làm tổn hại đến các nhà sản xuất xe đạp EU. 

Ngày 30/4, EC chính thức tuyên bố xem xét việc điều tra chống bán phá giá này, đồng thời, EU cũng sẽ xem xét việc tăng thêm mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng đối với xe đạp và phụ tùng xe đạp xuất xứ từ Trung Quốc (mức thuế hiện hành là 30,6%). EC cũng gửi công hàm cho Bộ Thương mại Việt Nam, thông báo rõ giá cả mặt hàng xe đạp và phụ tùng xe đạp Việt Nam thuộc biên độ phá giá của họ.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Thương mại, ngay sau khi ra thông báo, EC đã gửi 2 bộ tài liệu cho các DN, gồm bản khai yêu cầu được hưởng quy chế kinh tế thị trường và bản câu hỏi điều tra chống bán phá giá. Sau 15 ngày kể từ 30/4, DN phải nộp bản khai lên EC và 40 ngày sau phải nộp bản trả lời câu hỏi. Căn cứ trên các câu trả lời này, EC sẽ quyết định có tiến hành điều tra thực địa hay không. Kết thúc vụ kiện, nếu Việt Nam không chứng minh được mình không bán phá giá thì mức thuế chống bán phá giá có thể áp dụng tới 46,24%. Thông thường, kể từ khi ra thông báo điều tra chống bán phá giá tới khi kết thúc vụ kiện sẽ khoảng 15 tháng. 

DN Việt Nam: Chúng tôi thật sự bất ngờ

Trao đổi với VietNamNet, bà Trịnh Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Công ty Xe máy, Xe đạp Thống Nhất cho biết: ''Chúng tôi thật sự rất bất ngờ khi nhận được thông tin này, bởi từ 10 năm trở lại đây, chúng tôi chưa từng xuất khẩu sang EU. Thậm chí, một số đối tác châu Âu khi làm việc với chúng tôi đã chê xe đạp Việt Nam đắt hơn của Trung Quốc". 

Hiện, quyết định này không có ảnh hưởng gì tới DN tôi, nhưng về tương lai lâu dài thì hậu quả không thể tính được. Chúng tôi đang củng cố, phát triển để hướng tới xuất khẩu, và vụ kiện này có thể ảnh hưởng tới chúng tôi sau này khi đưa hàng vào EU''. 

Tuy nhiên, xác minh vấn đề này quả là không đơn giản. Vì sao EC lại đưa vào danh sách kiện 3 DN trong nước? Phải chăng, do EC chưa nắm chính xác thông tin, hay nhãn hiệu hàng hóa của DN đã bị làm giả khi vào EU, hoặc có chuyện làm giả C/O (chứng nhận xuất xứ) để đưa hàng vào EU... ? Đây là những "nút thắt" mà 3 DN Việt Nam sẽ phải tháo gỡ trước EC. Riêng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan cấp C/O, thì ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế của VCCI khẳng định, VCCI không hề có C/O nào cấp cho 3 công ty này trong thời gian qua. Hiện tại, 9 DN bị kiện đã làm đầy đủ thủ tục hồ sơ gửi lên EC. Riêng 3 DN trong nước đã gửi bản giải trình nói rõ họ không xuất hàng vào EU. 

 Thiếu liên kết 

Ngày 17/5, Bộ Thương mại đã triệu tập Hiệp hội Xe đạp - Xe máy Việt Nam (VBMA) và 9 công ty trong danh sách kiện của EU để thông báo tình hình và bàn biện pháp đối phó. Thứ trưởng Bộ Thương mại Trần Đức Minh đã đưa ra kết luận, các DN FDI phải nhanh chóng gia nhập VBMA để có tiếng nói thống nhất đối phó với vụ kiện.  

Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VBMA, đến nay, mới có một trong 6 DN FDI bị kiện gửi đơn xin gia nhập VBMA, vì vậy, Hiệp hội chưa thể đại diện cho cả 9 DN để tham gia vụ kiện. Việc gửi các bản khai kinh tế thị trường cũng như bản trả lời câu hỏi đều được các DN thực hiện đơn lẻ. Trên thực tế thì phần lớn kim ngạch xuất khẩu xe đạp và phụ tùng xe đạp thời gian qua là thuộc khối các DN FDI. Theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh, 6 DN FDI đều đã thuê các công ty nước ngoài đại diện cho họ. 

Về phía VBMA, ông Tuấn cho biết, Hiệp hội vẫn đang thu thập thông tin để bảo vệ DN Việt Nam. Ông Tuấn khẳng định: ''Chúng ta không thể bán phá giá được, trong khi giá xe đạp trong nước chỉ 30-50 USD/chiếc, bán tại thị trường nước ngoài cũng chỉ 80-100 USD/chiếc. Nhưng để chứng minh trước EC thì không hề đơn giản, mà cái thiếu đầu tiên là sự liên kết''. 

  • Phương Thanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,