221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
432626
Nhà máy đường ''sống'' thì mới cổ phần hoá!
1
Article
null
Nhà máy đường ''sống'' thì mới cổ phần hoá!
,

(VietNamNet) - Xung quanh chuyện "cứu" các nhà máy đường, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng bên hành lang Quốc hội ngày 1/6.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trả lời phỏng vấn của báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Chủ trương của Chính phủ là vừa tổ chức lại, vừa giải quyết khó khăn, chứ không phải là chỉ giải quyết khó khăn mà không tổ chức lại. Trong đó, nội dung cơ bản của tổ chức lại là cổ phần hoá. Cổ phần hoá là chủ trương của Đảng, trong Nghị quyết TW 9 đã nói rõ. Và trên thực tế, thì các DN cổ phần hoá là thành công, ví dụ như Nhà máy đường Lam Sơn chẳng hạn.

Cổ phần hoá, cơ bản là để gắn được lợi ích của vùng nguyên liệu, của người nông dân với nhà sản xuất (tức các nhà máy). Nếu được như vậy, Nhà nước sẽ tìm cách giải quyết khó khăn . Còn nếu không thì thôi, bây giờ phải chắc chắn là sống thì mới xử lý nợ nần...

Đi không được, ở không xong: giải thể

- Theo Bộ trưởng thì những nhà máy đường nào được coi là ''chắc chắn sống'' để có thể tổ chức lại?

- Nhà nước chia thành mấy loại. Loại thứ nhất có 3 điều kiện. Thứ nhất là vùng nguyên liệu phải đảm bảo. Đảm bảo ở đây là phải có đất, đất trồng được mía có năng suất cao. Thứ hai, công nghệ đảm bảo. Thứ ba là tổ chức lại có phương án làm ăn tốt. Đáp ứng các điều kiện này thì cho để ở đấy, tổ chức lại theo hướng cổ phần hoá.

Loại thứ hai là gì? Đó là các nhà máy, công nghệ dù có tốt (chưa nói lạc hậu), nhưng đất ở đấy không đủ. Hoặc đất ở đấy dù đủ nhưng đưa giống gì vào cũng không sống được, năng suất mía thấp. Khi đó ta sẽ tiến hành chuyển nhà máy đến vùng nào đủ nguyên liệu.

Loại thứ ba: Ở đấy vừa thiếu đất, vừa công nghệ lạc hậu. Chuyển đi nơi khác thì không được, mà ở đấy thì chết. Các nhà máy dạng này thì phải giải thể, giao, bán, khoán, hoặc cho thuê.

- Cụ thể có bao nhiêu nhà máy đường rơi vào những dạng này?

- Trước đây tôi đã có phân loại rồi, nhưng vì các nhà máy đường phản ứng và mấy Bộ chuyên ngành không đồng tình. Bây giờ Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giao cho địa phương tự làm phân loại.

Nhưng phân loại gì thì cũng theo nguyên tắc tôi nói ở trên. Được như thế và tổ chức lại như thế thì Nhà nước hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng sẽ kiểm soát quá trình này. Còn nếu anh nói đất đủ nhưng thực tế không đủ, anh nói là đất tốt nhưng đưa giống gì vào cũng không được, anh nói công nghệ tốt nhưng hoá ra lạc hậu, thì phân loại thế không chấp nhận được.

Không có chuyện tiếp tục rót vốn

- Hiện nay, Nhà nước vẫn tiếp tục rót vốn cho các nhà máy đường?

- Chính phủ đang xử lý nhiều cách. Ví dụ, nợ thì có thể khoanh lại một thời gian, thuế thì trong trường hợp tổ chức lại nhà máy được cũng có thể bỏ... Thiếu vốn thì cho cổ phần hoá để huy động thêm vốn, chứ không phải Nhà nước tiếp tục bỏ vốn vào cho anh đâu. Không có chuyện tiếp tục rót vốn!

- Con số lỗ của các nhà máy đường tiếp tục tăng lên thì lấy đâu vốn để tiếp tục sản xuất, thưa Bộ trưởng?

- Lỗ như vậy thì công nhân bị lương thấp, lỗ thì lợi nhuận không có, lỗ thì không có vốn phát triển chứ chẳng ai bù lỗ cho. Nếu tổ chức lại, anh ''ăn nên làm ra'' thì phát triển, chứ ai đi bù lỗ cho được!

Về chính sách tài chính, có thể cho chuyển lỗ năm nay sang năm sau. Năm sau anh làm lời thì bù bớt cái lỗ đi. Mà sang năm lời chưa đủ bù lỗ thì cho chuyển năm nữa. Đối với nhà máy đường thì cho phép chuyển lỗ 5 năm. Còn nguyên tắc hạch toán là năm nào trừ năm ấy, vì chuyển như thế này là trốn thuế thu nhập.

- Nhưng thua lỗ mà cổ phần hoá thì ai mua cổ phần?

- Mua thì thuận mua vừa bán. Bán không ai mua thì đâu phải là tốt. Người mua người ta phải tính toán. Ví dụ, tôi tổ chức lại, phương án, đất đai, thiết bị của tôi như thế... Tôi công bố công khai, anh có tiền muốn mua thì mua. Anh đánh giá tôi nói không đúng thì anh đừng mua! Cổ phần là công khai, minh bạch, không ai ép được ai, tiền trong túi người ta cơ mà. Có thể nhà máy khác người ta mua, có thể người nông dân mua. Người nông dân tự bảo ''Thôi thì mình đang trồng mía, trồng mía hơn trồng lúa, trồng mía hơn trồng hoa quả''... nên dù tin vào 80% đánh giá của nhà máy nhưng có thể vẫn mua.

- Theo chỉ đạo của Chính phủ, nhà máy đường trước khi cổ phần hoá phải kiểm toán và sẽ cổ phần hoá toàn bộ các nhà máy đường trong năm 2005. Thế nhưng một số DN mía đường nói, đến năm 2006 mới... kiểm toán xong?

- Kế hoạch như vậy, còn khi làm phải thận trọng. Nhưng không thể không kiểm toán. Nếu không kiểm toán, không minh bạch ra thì ai mua cổ phần? Nên muốn cổ phần được thì phải kiểm toán, phải có người khách quan nói lên cái ''bên trong'' của anh. Chứ tự anh nói ra mà bản thân anh bây giờ đang ''lâm nạn'', thì người ta khó tin. Nhưng cũng phải xem chất lượng kiểm toán chứ không phải mọi kiểm toán đều tung vào được.

- Theo ước tính của Bộ trưởng, trong tổng số các nhà máy mía đường thì cổ phần hoá được bao nhiêu phần trăm?

- Tôi chưa biết được! Trước đây tôi đã tính toán rồi nhưng người ta chưa chịu thì bây giờ phải chờ. Cứ làm từng cái một, ai có phương án thì làm. "Sống" được thì làm, mà "chết" thì thôi. Nguyên tắc là được xử lý tài chính thì phải sống. Chúng ta đã thua 2 keo rồi. Một keo là trả nợ hộ, keo thứ hai là bỏ hết thuế, xử lý vùng nguyên liệu, giá mía cho nông dân. Bây giờ keo thứ ba phải xử lý đồng bộ.

- Cổ phần hoá các nhà máy đường là giải pháp thực hiện rất khó. Tại sao mình không có những biện pháp mạnh hơn như phá sản, giải thể, bán, khoán, cho thuê?

- Cái đó không bàn nữa, cứ theo quyết định của Thủ tướng mà thi hành. Trong quá trình thi hành mà có vấn đề gì cần điều chỉnh thì cứ trình lại Thủ tướng. Bộ Tài chính có thể có cách nói của Bộ Tài chính, báo chí có cách nói của báo chí. Nhưng cuối cũng vẫn phải có một người quyết định, chứ không có một người quyết định thì làm sao được!

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

  • Văn Tiến thực hiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,