(VietNamNet) - Thuê tổng giám đốc là hoạt động phổ biến đối với các DN ngoài quốc doanh, nhưng mới chỉ là thí điểm của Chính phủ đối với tổng công ty nhà nước. Liệu thuê tổng giám đốc có là lối ra và là mô hình hiệu quả của tổng công ty nhà nước?
Tàu thủy và ôtô... chạy trước
Vinashin là một trong hai công ty đầu tiên được thí điểm thuê tổng giám đốc. |
Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor) là hai đơn vị nhà nước đầu tiên được Chính phủ lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình thuê tổng giám đốc.
Đây là mô hình thuê đã khá phổ biến ở các nước, và ở Việt Nam, các công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn cũng thường áp dụng. Sở dĩ hai đơn vị này được lựa chọn thí điểm trong số trên 100 tổng công ty nhà nước là vì hai tổng công ty này có tình hình tài chính tốt và hoạt động kinh doanh tương đối ổn định. Thêm vào đó, chủ tịch hội đồng quản trị của hai tổng công ty này cũng kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ của tổng giám đốc, tức vừa giám sát vừa quản lý DN.
Tàu thủy là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Vinashin có tổng số 27 thành viên và 4 liên doanh nước ngoài, có khả năng đóng tàu với trọng tải 100.000 tấn và sửa chữa tàu 400.000 tấn. Để phát huy những lợi thế về bờ biển và lao động có tay nghề cao, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam chủ trương thuê một tổng giám đốc chuyên tâm vào việc phát triển sản xuất kinh doanh. "Thuê tổng giám đốc là chủ trương mới, giúp phân định rõ ràng trách nhiệm của chủ sở hữu và ban điều hành. Từ đó sẽ tạo ra cơ chế quản lý và điều hành DN tốt hơn", ông Đoàn Văn Hạnh, Trưởng ban Đổi mới DN của Vinashin nhận định. Ông còn cho biết, đề án thuê tổng giám đốc mà tổng công ty đang soạn thảo sẽ được trình Chính phủ xem xét chậm nhất vào cuối tháng 6.
Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor) phát triển từ Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con như Vinashin. Mặc dù còn non trẻ và không phải là ngành công nghiệp chủ lực hiện nay, nhưng Chính phủ muốn phát triển công ty này thành tập đoàn ôtô của Việt Nam, với mục tiêu lấy mặt hàng xe chuyên dụng, tải nhẹ, bus... là hướng phát triển chính của DN.
Tổng giám đốc có thể là người nước ngoài
Chủ trương mới của Chính phủ mở đầu cho cơ chế hoạt động theo kinh tế thị trường đối với DNNN, mà ở đó sẽ tách bạch hai phạm trù giữa quản lý nhà nước và kinh doanh, giữa quyền hạn, trách nhiệm của đại diện sở hữu DNNN và người điều hành DNNN. Theo đó, Hội đồng quản trị chính là đại diện sở hữu DNNN, và bộ phận này sẽ thay mặt nhà nước quản trị DN. Còn công việc quản lý và điều hành DN chính là nhiệm vụ của tổng giám đốc, người sẽ được Hội đồng quản trị tuyển chọn và giám sát.
Ông Hồ Xuân Hùng, Phó Trưởng ban Đổi mới và Phát triển DN Trung ương, cho biết, với mô hình thí điểm, cả hai tổng công ty có thể lựa chọn tổng giám đốc theo tiêu chuẩn riêng của mình, có thể là người nước ngoài nếu đáp ứng được các yêu cầu, cũng như có khả năng điều hành và phát triển hoạt động của tổng công ty.
Thuê tổng giám đốc là qui định mới được đề cập trong Luật DN Nhà nước sửa đổi, sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7 tới. Theo luật này, DNNN được phép thuê, ký hợp đồng tuyển dụng hoặc cách chức, miễn nhiệm đối với tổng giám đốc, giám đốc. Hội đồng quản trị thay mặt nhà nước được quyết định mức lương đối với tổng giám đốc, giám đốc. Bên cạnh các biện pháp như bán, khoán, cho thuê, cổ phần hóa, chuyển tổng công ty thành công ty mẹ - con... nhằm tạo ra sức bật mới cho DNNN, thì thuê tổng giám đốc, giám đốc cũng là góp thêm một giải pháp mới, hứa hẹn những thành công và hiệu quả cho hoạt động của DNNN. Tuy nhiên, đây là chủ trương mới nên mặc dù đã có luật, việc thực thi vẫn phải theo mô hình thí điểm và phải có sự thống nhất của nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Theo kế hoạch, quý III năm nay hai tổng công ty mới có thể hoàn chỉnh đề án thuê tổng giám đốc và chuẩn bị cho việc tuyển dụng vào cuối năm hoặc năm sau.
Khó nhất là xác định quyền lợi và trách nhiệm của tổng giám đốc
Thông thường khi thành lập DN, các chủ đầu tư sẽ tự mình điều hành hoặc thuê giám đốc điều hành. Cùng với việc tuyển dụng là việc phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tổng giám đốc hoặc giám đốc, đề ra những qui định ràng buộc cũng như sự ủy nhiệm, làm cơ sở để phát huy khả năng của người đảm nhận vai trò này.
Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex), thuê tổng giám đốc sẽ tạo một luồng không khí mới cho DN, vì DNNN sẽ thu hút được nhân tài từ bên ngoài, trong khi nguồn nhân lực nội lực còn hạn chế. Ông cho biết, Vinatex cũng muốn được Chính phủ cho phép thuê giám đốc điều hành từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả của tổng công ty. "Chúng tôi có kế hoạch thay đổi hình thức quản lý mới không phải từ tổng công ty mà từ các DN thành viên", ông nói với VietNamNet. Tuy nhiên, ông cho rằng, để mô hình này hiệu quả, trước hết phải có một cơ chế rõ ràng về tuyển dụng tổng giám đốc. Cần phải xác định cụ thể, tổng công ty sẽ được gì khi thuê tổng giám đốc, và ngược lại, tổng giám đốc đó sẽ được gì khi làm việc cho tổng công ty. "Việc trao quyền hạn và trách nhiệm trong DNNN cực kỳ phức tạp so với DNTN, vì vậy không giải quyết được vấn đề này thì chủ trương mới trở nên vô nghĩa", ông Ân nhận định.
DNNN vốn mang trong mình nhiều cơ chế, và việc tham gia điều hành DNNN đòi hỏi nhiều trách nhiệm, trong khi quyền lợi và quyền hạn bị hạn chế và giám sát bởi cả một bộ máy, như hội đồng quản trị, cơ quan chủ quản, bộ ngành... vì vậy, để tìm được một tổng giám đốc chấp nhận điều hành một DNNN là chuyện không đơn giản.
Ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, đây là vấn đề nan giải đối với DNNN. Chủ trương thuê tổng giám đốc, giám đốc không phải mới hình thành mà đã đề nghị từ 4-5 năm trước, nhưng chưa thực hiện được. Bên cạnh trách nhiệm nặng nề, tổng giám đốc hoặc giám đốc DNNN còn cần phải được ưu đãi hơn tổng giám đốc, giám đốc khu vực ngoài quốc doanh về lương bổng, chế độ làm việc, và quyền hạn khi điều hành DNNN. Ông Cường nói rằng, Luật DN Nhà nước sửa đổi đã "cởi trói" được vấn đề nan giải này cho DNNN, mà một trong những thay đổi đó là quyền quyết định của tổng giám đốc và giám đốc trong các dự án đầu tư, thanh lý tài sản... với mức 50% giá trị tài sản DN.
-
Minh Quang