Tăng cường ký kết hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ mở đường cho nhiều hàng hóa của Thái Lan thâm nhập thị trường nước ngoài, nhưng đối với gạo thì không, do đây là mặt hàng khá nhạy cảm.
Đây là nhận xét của ông Narongchai Akaraseranee - nhà kinh tế, đồng thời cũng là cố vấn của Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Somkid Jatusripitak. Theo ông, mặc dù Khu vực mậu dịch tự do ASEAN bắt đầu hình thành cách đây hơn một thập niên, nhưng các thành viên ASEAN vẫn mở cửa rất dè dặt thị trường của mình.
Thực vậy, Malaysia và Indonesia mới đây chỉ cam kết giảm thuế nhập khẩu gạo xuống 20% và Philippines cam kết giảm 70% đến năm 2010, trong khi đó hầu hết các mặt hàng khác sẽ chỉ phải chịu thuế từ 0 đến 5%. Tuy nhiên, riêng với Trung Quốc và Australia lại khác, FTA lại có tác động tích cực hơn một chút. Trung Quốc, dù có FTA hay không, vẫn cần nhập gạo của Thái Lan. Gạo Thái Lan vào thị trường Australia sẽ không phải chịu thuế ngay sau khi FTA Thái Lan - Australia có hiệu lực vào 1/1/2005.
Tại Hội nghị cấp cao về gạo năm 2004 tổ chức hôm qua (26/5) ở Thái với sự góp mặt của hơn 100 chuyên gia, nhà xuất nhập khẩu từ 21 nước, ông Narongchai nói: "Tôi cho rằng cơ hội mà FTA mang lại cho mặt hàng gạo rất hạn chế".
Quan điểm của Narongchai mâu thuẫn với ý kiến của các cơ quan chính phủ, theo họ, FTA giúp gạo Thái Lan thâm nhập thị trường nước ngoài dễ dàng hơn. Để chứng minh, Narongchai chỉ ra rằng, trong đàm phán tiến tới ký FTA với Nhật Bản, Bangkok mặc dù rất khó khăn, nhưng đã thuyết phục được Tokyo cho phép việc buôn bán gạo tự do hơn, do gạo là sản phẩm khá nhạy cảm đối với các chính trị gia cũng như xã hội Nhật.
Những nhà thương thuyết Thái Lan đã phải dùng vấn đề gạo để buộc phía Nhật nhượng bộ trong một số vấn đề khác, "chiêu" này có thể cũng được sử dụng khi đàm phán với Mỹ. Apiradi Tantraporn - Trưởng phòng Đàm phán Thương mại Thái Lan cho biết, nước này phải sử dụng đàm phán thương mại song phương, buộc các đối tác thương mại mở rộng cửa thị trường gạo của họ.
Bà Apiradi cho rằng, ngay cả trong WTO, gạo được coi là mặt hàng đặc biệt cần có cách tiếp cận khác. Tuy nhiên, Apiradi tin rằng, đàm phán thương mại song phương có thể là một kênh tốt, giúp đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
(Cẩm Tú - Theo Bangkokpost)