221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
430738
Thị trường bảo hiểm: thừa thị phần, thiếu DN
1
Article
null
Thị trường bảo hiểm: thừa thị phần, thiếu DN
,

(VietNamNet) - Doanh thu phí bảo hiểm hiện nay chỉ chiếm 1,6% tổng GDP của Việt Nam trong khi ở các nước trong khu vực, con số này khoảng 5-6% tổng GDP quốc gia.

Viễn Đông đang nhắm tới các DN.

Chiều qua (27/5), công ty cổ phần bảo hiểm phi nhân thọ tư nhân đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức ra mắt chi nhánh tại Hà Nội, sau khi đã kinh doanh khá thành công tại TP.HCM. Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) ra đời 17/2/2004. Việc công ty khai thác được gần 1000 hợp đồng bảo hiểm trị giá gần 3000 tỷ đồng chỉ trong vòng vài tháng, đã chứng tỏ rằng triển vọng của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam còn đang ở phía trước.

Chúng ta đang bỏ phí con đường dưới chân mình 

Việc VASS ra đời trong thời điểm này đã gây sự chú ý của nhiều người bởi đây là công ty bảo  hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và của người Việt Nam. VASS cũng làm người ta nhận ra rằng, chúng ta đã từ lâu bỏ phí một thị trường bảo hiểm màu mỡ ngay trên con đường đi dưới chân mình.  

Quả thật thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có tốc độ phát triển nhanh và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Theo thống kê, doanh thu phí bảo hiểm hiện nay chỉ chiếm 1,6% tổng GDP của Việt Nam và dự kiến năm 2005 đạt khoảng 2,5%. Trong khi đó, các nước trong khu vực doanh thu phí bảo hiểm đạt khoảng 5-6% tổng GDP của quốc gia. Ngoài ra, với chiến lược hội nhập của nền kinh tế Việt Nam thì việc tham gia bảo hiểm của các DN đã không còn là khái niệm xa lạ. Người Việt mới chỉ đầu tư bảo hiểm cho mình 300 USD/người/năm trong khi người Singapore chi tới 1.200 USD/người/năm và người Nhật là 3.000 USD/người/năm. Thái Lan hiện có hơn 70 công ty bảo hiểm nội địa. Indonesia và Philipines mỗi nước có hơn 100 công ty. Ở Việt Nam người mua bảo hiểm và DN bảo hiểm còn rất thấp. Thị trường bảo hiểm còn rất màu mỡ và các công ty đều có thị phần nếu biết khai thác phân khúc thị trường cho mình.

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 14 công ty bảo hiểm phi nhân thọ và 5 công ty bảo hiểm nhân thọ (hầu hết là công ty nhà nước và liên doanh) cung cấp trên 500 sản phẩm bảo hiểm so với 22 sản phẩm vào năm 1993. Thị trường bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng 24%/năm và phi nhân thọ là 16,5%.

Ông Nguyễn Tiến - Tổng giám đốc VASS cho biết, chính vì thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng nên VASS nhắm đến sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực ngân hàng, là lĩnh vực chưa được khai thác và đầy tiềm năng đối với công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên,
ông Tiến cũng thừa nhận rằng dịch vụ hiện hành của một số công ty bảo hiểm chưa tốt. Trong lĩnh vực nhập khẩu, các công ty Việt Nam chủ yếu mua CIF bán FOB nên hiện tất cả hàng hoá được mua bảo hiểm của nước ngoài. Vấn đề là làm sao để các DN chịu mua bảo hiểm trong nước và chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu.

Đã đến thời của bảo hiểm

Trò chuyện với VietNamNet, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đều cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi cho sự ra đời của các công ty bảo hiểm tư nhân. Bởi, về chính sách chúng ta đã có Luật Kinh doanh bảo hiểm. Vừa qua, Thủ tướng cũng thông qua chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến 2010 với nhiều cơ chế mở. Theo đó, các thành phần kinh tế được phép tham gia kinh doanh bảo hiểm để tạo một kênh huy động vốn nội địa cho quốc gia và góp phần vào tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nhà nước cũng có chính sách mở rộng về việc huy động toàn diện nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng và bảo hiểm.

Trong tương lai không xa, các DN bảo hiểm sẽ phải hoạt động theo luật pháp quốc tế, các quy định của WTO cũng như các hiệp định song và đa phương. Đây chính là thời điểm thích hợp cho các công ty bảo hiểm mới ra đời, có thời gian rèn luyện trong môi trường cạnh tranh để chờ đón cơ hội và thử thách. VASS là công ty mới nhưng chắc chắn sẽ không phải là công ty bảo hiểm tư nhân ra đời sau cùng. Với xu hướng này, sẽ còn nhiều công ty bảo hiểm ra đời trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đa dạng hoá các sản phẩm bảo hiểm, nhất là những sản phẩm thiết yếu phù hợp với nhu cầu thị trường cũng là vấn đề cần nghiên cứu của các công ty bảo hiểm sinh sau đẻ muộn. Nếu như năm 1993, thị trường bảo hiểm mới có 22 sản phẩm bảo hiểm chủ yếu tập trung vào các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ thì đến nay đã có gần 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ thuộc cả 3 lĩnh vực: bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm.

''Người Việt đủ sức lập những công ty của mình''

Ông Nguyễn Tiến - Tổng giám đốc Viễn Đông nói: ''Ở miền Nam trước 1975 đã có hơn 50 công ty bảo hiểm nội địa, còn bây giờ toàn công ty của nước ngoài. Người Việt Nam hiện đủ sức và đủ vốn để lập những công ty của riêng mình''.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch HĐQT của VASS, ''Hiện đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa những ''người khổng lồ'' trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam. Nếu so về nội lực tài chính và sản phẩm bảo hiểm, chúng tôi biết rằng không thể so nổi nhưng chúng tôi tự tin vào khả năng của mình và con đường đã chọn. Đâu cứ phải nhỏ là yếu. Công ty nước ngoài họ có 5-7 người mà vẫn quản lý, điều hành tốt hệ thống của họ ở Việt Nam''.

Viễn Đông hiện có vốn điều lệ 100 tỷ, với 90 cổ đông bao gồm các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Sài Gòn Thương Tín, Phương Đông, Quân đội và ngân hàng Nhà Hà Nội cùng với các cổ đông trong nhiều lĩnh vực như Công ty Mía đường Lam Sơn, Công ty Thép Tân Phú Thọ, Công ty Thép Cửu Long, Công ty Thép An Mỹ, Công ty Toàn Mỹ, Công ty Trường Hải... VASS tận dụng cổ đông là những ngân hàng liên kết với các tập đoàn tài chính, các ngân hàng mạnh để tận dụng các kênh phân phối qua các ngân hàng và chia sẻ với họ khi phát triển các sản phẩm tài chính mới.

Sau nửa năm chính thức hoạt động, DN này đã triển khai hầu hết các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, kỹ thuật, hàng hoá XNK, trách nhiệm, xe cơ giới, cháy nổ nhà tư nhân, an toàn cá nhân, du lịch và sắp tới sẽ là bảo hiểm thế chấp ngân hàng, bảo hiểm cây trồng... VASS hiện đã ký kết được gần 1.000 hợp đồng bảo hiểm lớn nhỏ với tổng số tiền trên 3.000 tỷ. Đây là kết quả đáng mơ ước của bất cứ DN bảo hiểm mới ra đời nào.

Không muốn bỏ lỡ bất cứ thị trường nào, VASS sẽ lần lượt khai trương thêm 5 chi nhánh trong năm 2004 tại Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ

  • Hồng Phúc

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,