(VietNamNet) - Những tháng đầu năm 2004, xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ tăng mạnh, khiến các cơ sở sản xuất làm không hết việc. Tuy nhiên, trong cái vui trước mắt, vẫn còn nhiều nỗi lo cho cả chặng đường dài...
Thị trường hút hàng, DN ký được những hợp đồng dài hạn
Theo Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của cả nước trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 155 triệu USD, bằng 105,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2004, ngành thủ công mỹ nghệ sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 450 triệu USD, tăng 22,6% so với năm 2003. Các mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn gồm hàng mây tre lá, hàng cói và gốm sứ. Hoa Kỳ hiện là thị trường đứng đầu về nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp đến là Tây Ban Nha, Bỉ, Trung Quốc và Đài Loan. |
Những tháng đầu năm 2004, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các hợp tác xã (HTX) mây tre lá lớn ở TP.HCM như Ba Nhất (Bình Thạnh), Hòa Hiệp (Q.4), Việt Tre, Phú Trung v.v… đều khả quan; sản lượng và doanh thu tăng khá so với các năm trước. Những sản phẩm như khay trái cây, mành cửa, bàn ghế, giỏ đựng vật phẩm, thảm lau chân, gối tre, lẵng hoa, giỏ đựng quần áo… được làm từ cói, mây, tre, bèo, xơ dừa… đang rất hút hàng tại thị trường nội địa cũng như quốc tế. Một số đơn vị đã ký được những hợp đồng cung ứng hàng trong cả năm 2004.
Ngay từ đầu năm, HTX Mây tre lá Ba Nhất (Bình Thạnh, TP.HCM) đã xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan… hàng trăm mặt hàng có trị giá gần 1 triệu USD. Theo kế hoạch, năm 2004, HTX sẽ thực hiện kim ngạch xuất khẩu trên 5 triệu USD, tăng 15% so với năm 2003, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 3.000 người ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Do có uy tín về năng lực, tay nghề, và kinh nghiệm sản xuất các mặt hàng thủ công có nguyên liệu tự nhiên như lục bình, dây chuối, tre, lông gà, lông vịt…, nên các sản phẩm của Ba Nhất đã được khách hàng ở bang Chicago (Mỹ) trưng thương hiệu “Ba Nhất”.
Năm 2003, Công ty Mỹ nghệ Việt Tre đã thành công trong việc xuất khẩu các mặt hàng mây, tre, lá sang thị trường New Zealand, Mexico, được đối tác tại những thị trường này tín nhiệm. Năm nay, Công ty tiếp tục mở thêm hai thị trường mới là Mỹ, Đức. Để chuẩn bị cho đợt xuất khẩu và tìm thêm đối tác, từ ngày 1/4/2004 đến ngày 31/7/2004, Công ty tổ chức chương trình giảm giá dành cho khách đến đặt hàng. Bà Nguyễn Ngọc Liên Hoa, Giám đốc Công ty, cho biết: “Nhu cầu sử dụng các mặt hàng thủ công đang có xu hướng tăng mạnh ở Nhật Bản, Đức, Đông Âu, Mỹ, Hồng Kông, Australia, Đài Loan, Hàn Quốc… Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, Việt Tre vẫn duy trì mạng lưới tiêu thụ trong nước”.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại), khách hàng nước ngoài đánh giá hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam yếu nhất là khâu thiết kế. Các công ty xuất khẩu của Việt Nam ít quan tâm đến cải tiến chất lượng sản phẩm, chỉ cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá. Do đó, mẫu mã của các công ty gần như giống nhau, và chất lượng sản phẩm ngày càng giảm sút. Trong khi muốn bán được nhiều hàng thì tỷ lệ chế tác thủ công và mẫu mã phải chiếm phần nhiều.
Các chuyên gia trong nghề cho rằng, cần khuyến khích phong trào thiết kế và nâng cấp chất lượng hàng thủ công mỹ nghệ một cách thường xuyên và có chiều sâu. Cụ thể như xây dựng đề án tổ chức thi thiết kế hàng năm, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ theo định kỳ, tổ chức cho các nghệ nhân và chuyên gia thiết kế học tập kinh nghiệm từ nước khác trong việc phát triển nghề thủ công truyền thống.
Một vấn đề đáng lưu ý khác đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ là nguồn nguyên liệu đang có nguy cơ cạn kiệt. Tình trạng này xảy ra đối với hầu hết các loại sản phẩm. Chẳng hạn đất sét phải lấy từ xa, tình trạng cung ứng mây, tre, song... thiếu ổn định; nguồn gỗ quí khan hiếm dần... Ông Nguyễn Đức Xu, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Phú Trung (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, trước kia việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu tương đối dễ dàng. Thế nhưng vài năm gần đây, việc này đã trở nên nan giải vì những vùng rừng cung cấp nguyên liệu ở Đồng Nai, Bình Thuận đã bị người dân chặt phá làm rẫy gần hết. HTX phải cử người lên Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước tìm nguồn mới. “Giá mua nguyên liệu ngày càng tăng, chi phí vận chuyển cao, nguồn cung cấp thiếu chủ động… đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành, giá bán và khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam đối với các nước khác. Sắp tới, nếu không giải được bài toán nguyên liệu thì các HTX mây tre lá sẽ không biết hoạt động ra sao” - ông Xu âu lo.
Điểm yếu thứ ba của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, theo ông Phạm Trường Sơn, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Mỹ nghệ Atechbo (31 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM) là khả năng tiếp cận thị trường yếu. Ông Sơn nói: “Chúng ta quen với phương châm sản xuất nhanh - nhiều - tốt - rẻ, nhưng làm thế nào bán được hàng nhanh và bán được nhiều hàng thì đó còn là một vấn đề mới mẻ. Hệ thống thị trường trong nước thiếu ổn định, nhiều người chưa biết bán sản phẩm cho ai, hàng hóa bị tồn đọng, luân chuyển chậm. Ở các vùng nông thôn, người dân ít có cơ hội tiếp cận với những mặt hàng mới, không hiểu biết thị hiếu tiêu dùng...".
Không những vậy, khi hàng đang có giá, đã xuất hiện tình trạng các DN tranh mua tranh bán theo kiểu “được cá bỏ tôm”. Kiểu cạnh tranh thiếu lành mạnh làm xấu hình ảnh của DN Việt Nam trong mắt các đối tác nước ngoài, và tự mình làm suy yếu sức cạnh tranh trước các đối thủ ở những nước khác. Giám đốc một DN xuất khẩu hàng mỹ nghệ phàn nàn: “DN trong nước chưa gắn kết thành một khối mạnh mẽ trong quan hệ với các đối tác nước ngoài, mọi quan hệ đều mới ở mức riêng rẽ, mạnh ai nấy được. Đã vậy còn xuất hiện những hàng nhái kém phẩm chất, làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống”.
Cũng theo ông Sơn, các cơ sở sản xuất mỹ nghệ ở nước ta đều gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất, bãi tập kết nguyên liệu, các cửa hàng giao bán sản phẩm, hệ thống công cụ còn quá lạc hậu, tính chuyên nghiệp trong sản xuất - cung ứng còn thấp v.v… Chính vì vậy, đã có trường hợp phía đối tác nước ngoài đặt DN Việt Nam làm hàng theo những mẫu mã họ yêu cầu, cung ứng dài hạn với số lượng lớn, giao hàng đúng hẹn…; nhưng phía Việt Nam đã… từ chối vì lo không đáp ứng được các yêu cầu đó!
-
Phi Long