(VietNamNet) - Sau cuộc họp hôm qua (26/5), tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Thương mại) đã chính thức kiến nghị với Chính phủ trước mắt chưa đặt vấn đề nhập khẩu đường. Nếu thực sự thiếu đường đến tháng 7, Bộ mới đồng ý cho phép nhập với số lượng nhỏ.
Kiến nghị trên được đưa ra sau khi đã cân đối việc cung cầu mía đường niên vụ 2003-2004. Tổng sản lượng đường toàn vụ ước đạt trên 1,2 triệu tấn, lượng tiêu thụ (chỉ tính riêng đường công nghiệp) từ đầu vụ đến hết tháng 5/2004 khoảng 742.300 tấn. Tổng lượng đường tồn kho hiện lên tới 385.000-390.000 tấn.
Theo tổ điều hành thị trường trong nước, cùng với lượng trôi nổi trên thị trường, số đường này đủ cung ứng nhu cầu trong 4 tháng (từ tháng 6-9). Bình quân tiêu thụ trong nước một tháng khoảng 95.000 tấn. Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 đã có đường thu hoạch từ vụ mới.
Nguyên nhân khiến giá đường tăng cao từ tháng 3 trở lại đây, theo nhận định của tổ điều hành, là do các nhà máy sản xuất và DN kinh doanh đường găm hàng đẩy giá lên. Mặc dù ngay từ đầu vụ, tổ điều hành đã dự báo năm 2004, giá đường thế giới tăng, và giá đường vụ này sẽ cao hơn vụ trước, nhưng các DN vẫn đẩy mạnh bán đường với giá thấp do thiếu vốn. Kết quả là, khi giá tăng, các nhà máy liền găm hàng lại.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đường đang tăng do đã vào hè. Giá đường kính tiếp tục tăng 100-200 đồng/kg. Đường trắng loại 1 được các nhà máy bán ra dao động ở mức 5.600-5.800 đồng/kg (miền Bắc), 5.900-6.000 đồng/kg (miền Trung) và 6.100-6.200 đồng/kg (miền Nam). Giá đường RE bán lẻ phổ biến là 6.000-6.600 đồng/kg. Tính ra, mỗi kg đường tăng giá gần 30%.
Trên thị trường thế giới, từ nay đến hết tháng 5, giá đường nhìn chung diễn biến theo chiều hướng giảm do Brazil đang bước vào thu hoạch mía đường cùng với tốc độ bán thanh lý của các quỹ đầu tư. Giá đường trắng giao tháng 8 tại London giảm từ 221,8 USD/tấn còn 216,9 USD/tấn. Dự báo trong tháng 6-7, giá đường thế giới có xu hướng tăng lại. Hiện 4 nước sản xuất đường hàng đầu thế giới là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan đều bị mất mùa do hạn hán. Đường trong nước, do giá thế giới tăng, cùng với lượng tồn kho của các nhà máy sản xuất mỏng, nên sẽ còn tăng nhẹ từ 200-300 đồng/kg.
-
Hà Yên