(VietNamNet) - Thực trạng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay, so với yêu cầu gia nhập WTO vẫn còn khoảng cách khá xa.
Đó là khẳng định từ Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ khi đánh giá về tầm quan trọng và tác động của cải cách DNNN với việc gia nhập WTO.
Theo dự kiến, năm 2005 Việt Nam sẽ gia nhập WTO. Năm 2006 là thời điểm thực hiện tất cả các cam kết tự do thương mại trong khuôn khổ AFTA và năm 2009 là Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Lúc đó, các rào cản bảo hộ, che chắn cho DN Việt Nam nói chung sẽ cơ bản được dỡ bỏ. Đồng thời, chúng ta phải mở cửa kể cả những lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm như ngân hàng, viễn thông, phân phối thương mại... cho các nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài. Việc tự do hóa có kết quả ra sao phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và từng sản phẩm. Sản phẩm và dịch vụ của DNNN đến thời điểm đó cạnh tranh được trên thị trường sẽ giúp chúng ta phát huy được lợi thế, vượt qua những thách thức.
Nhưng hiện nay DNNN vẫn còn nhiều khó khăn và yếu kém.
Vốn ít, lãi thấp, tăng trưởng chậm
Vốn của các DNNN rất ít. Bình quân một DN chỉ có 45 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động chưa đến 10 tỷ đồng. Phần lớn vốn lại tập trung vào các tổng công ty lớn như: Dầu khí, Xăng dầu, Viễn thông, Điện lực, Hàng hải, Hàng không... Vì vậy, có tới 47% DNNN có vốn chưa đầy 5 tỷ đồng. Xem xét kỹ thì không ít DN chỉ có vốn trên sổ sách, hoặc trong tài sản không dùng đến, nên vốn thực tế dùng cho sản xuất kinh doanh chỉ còn 50%.
Năm 2003, trong số 77% DNNN làm ăn có lãi, chỉ chưa đầy 40% có mức lãi bằng hoặc cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Nếu đưa thêm giá trị quyền sử dụng đất vào chi phí và cắt bỏ các khoản ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước, thì số DN có lãi còn ít hơn. Số thuế thu nhập DNNN chỉ chiếm 8.000 tỷ đồng trên tổng số 87.000 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.
Trong số 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2003, đạt kim ngạch 13,8 tỷ USD (chiếm 69,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước), thì có tới 6 mặt hàng chủ yếu do khu vực tư nhân đóng góp, chứ không phải là của DNNN .
Mấy năm qua, tăng trưởng công nghiệp của khu vực tư nhân vượt xa DNNN, con số tương ứng là 18% và 12%.
Sức cạnh tranh yếu
Nhiều DNNN có trình độ công nghệ dưới mức trung bình của thế giới và khu vực. Thiết bị, dây chuyền lạc hậu so với thế giới từ 10-20 năm, trong đó có 38% đang chờ thanh lý. Chi phí sản xuất công nghiệp còn rất cao, hạn chế mức tăng giá trị gia tăng. Cụ thể là giá trị sản xuất mấy năm gần đây tăng 15 %/năm, nhưng giá trị gia tăng chỉ tăng 10%. Tốc độ đổi mới công nghệ chậm, chỉ khoảng 10% trong thời gian qua. Các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao, hiện đại như: điện tử, tin học... mới chỉ chiếm vài phần trăm giá trị sản xuất công nghiệp; dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao không nhiều.
Chưa hình thành được các ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp những linh kiện, sửa chữa, thiết kế, tiếp thị mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh, để giảm giá thành sản phẩm công nghiệp chế tạo, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút lao động.
Trong vòng 11 năm qua từ 1992-2003, cả nền kinh tế tạo được thêm 9 triệu chỗ làm việc mới, thì khu vực DNNN chỉ tăng thêm có gần 200.000 chỗ, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được nửa triệu, còn lại hơn 8 triệu là của khu vực kinh tế dân doanh. Hiện nay, chỉ có khoảng 2 triệu lao động làm việc tại các DNNN.
Năng suất lao động của DNNN còn thấp. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, năng suất lao động thời kỳ 1996-2001 của DNNN tăng bình quân mỗi năm 4,8%, thấp hơn mức tăng GDP là 7% cùng thời kỳ.
Giá bán các sản phẩm của DNNN trong nước còn cao hơn giá nhập khẩu. Chẳng hạn với xi măng là 115%, giấy 127%, thép 125%, phân bón 136%... Kết quả là sức cạnh tranh của các DNNN rất yếu.
Như vậy, còn một khoảng cách lớn về hiệu quả và sức cạnh tranh so với yêu cầu gia nhập WTO khi chúng ta phải tự do hóa thương mại và đầu tư theo các chuẩn mực của tổ chức này.
Nếu không có những bước đi mang tính đột phá để nhanh chóng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh thì nguy cơ đổ vỡ hàng loạt DNNN là điều khó tránh khỏi.
Việc gia nhập WTO hiện nay được coi là ưu tiên hàng đầu trong hội nhập kinh tế của nước ta bởi nó là nhu cầu có tính thời sự trong buôn bán và đầu tư quốc tế, nếu Việt Nam không muốn "một mình một chợ". Điều mà chúng ta không thể kéo dài mãi chính là cách làm ăn "lạc điệu". Duy trì sự "lạc điệu" càng nhiều thì nguy cơ tụt hậu càng xa. Chính vì vậy mà phải cải cách DNNN cho tương thích với những định chế chung của hội nhập.
Trên thực tế, việc cải cách DNNN trong thời gian qua đã mang lại những kết quả khả quan. Từ năm 1991 đến 2001 qua 3 đợt sắp xếp, số DNNN đã giảm từ 12.300 xuống còn 5.000. Từ năm 2001 đến 2003 đã sắp xếp được 1.766 DN, trong đó cổ phần hóa 905 DN, còn lại là giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, sáp nhập... Đồng thời, sắp xếp đổi mới các tổng công ty, thí điểm mô hình công ty mẹ - công ty con, đến nay đã có 16/18 tổng công ty 91 và 48/74 tổng công ty 90, có khả năng phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Cái được lớn nhất trong cải cách DNNN vừa qua là việc đa dạng hóa sở hữu, nhất là cổ phần hóa, đã mang lại hiệu quả lớn. Hơn 500 DN cổ phần hóa đã có vốn điều lệ tăng 50%, doanh thu tăng 60%, lợi nhuận trước thuế tăng 137%, nộp ngân sách tăng 45%, thu nhập người lao động tăng 63%, số lao động tăng 13%, cổ tức trung bình năm 2002 đạt 15,5%...
Việc sắp xếp đổi mới DNNN có tiến độ chậm là do trong thời gian qua, công việc này được làm rất dè dặt, đưa giải pháp quan trọng vào những đối tượng ít quan trọng. Vì vậy, mới chỉ thu gọn được số lượng mà chưa tạo được chất lượng mới. Số vốn được cổ phần hóa mới chỉ chiếm 6% tổng vốn của các DNNN, tức là mới cổ phần hóa các DN qui mô nhỏ, cổ đông ngoài DN chỉ chiếm 8% vốn điều lệ, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng. Vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của cải cách DNNN và muốn được bảo hộ.
Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong thời gian tới, việc cải cách DNNN sẽ được đẩy mạnh. Theo phương án tổng thể thì đến năm 2005 sẽ chỉ còn trên 1.000 DNNN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Tức là sẽ đẩy mạnh việc cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê, sáp nhập, giải thể DN; cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổng công ty; xóa bỏ bao cấp và bảo hộ độc quyền bất hợp lý; cắt bỏ các ưu đãi tràn lan; gỡ bỏ rào chắn như hàng rào thuế quan, phi thuế quan; tiến hành tách các hoạt động độc quyền nhà nước như mạng trục thông tin, truyền tải điện ra khỏi các tổng công ty..., để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nâng cao năng lực cạnh tranh tự hoàn thiện mình, chuẩn bị cho hội nhập.
-
Trần Thủy