(VietNamNet) - Hãng tin SEAFOOD.COM ngày 21/5 cho hay, cùng ngày với thông báo về việc lùi thời hạn đưa ra phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Liên minh Tôm miền Nam (SSA) đã đệ trình kiến nghị về “tình trạng khẩn cấp" chống lại 4 quốc gia bị cáo buộc bán phá giá trong vụ kiện tôm.
Đó là bốn nước tại châu Á, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. Liên minh Tôm miền Nam đã không đưa ra tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" đối với Brazil hay Ecuador. Kiến nghị này của SSA có thể đã được soạn thảo trước khi bên nguyên biết về việc DOC có lùi thời hạn ra quyết định sơ bộ hay không.
Cáo buộc vô hiệu, nếu thuế chống bán phá giá dưới 25%.
Theo luật định, quyết định về tình trạng khẩn cấp chỉ có thể có hiệu lực vào thời điểm thông báo chính thức phán quyết sơ bộ, và thuế hồi tố sẽ chỉ được tính bắt đầu từ 90 ngày trước khi có phán quyết.
Phản ứng trái ngược trước việc hoãn đưa ra phán quyết sơ bộ - Chủ tịch Liên minh Tôm miền Nam (SSA), ông Eddie Gordon: DOC cần đưa ra quyết định càng sớm càng tốt, nhằm tránh những thiệt hại do tôm nhập khẩu gây ra. SSA cho rằng, DOC đã hoãn đưa ra phán quyết sơ bộ mà không có sự nhất trí hoàn toàn của bên nguyên.
- Trong khi đó, ông Wally Stevens - Chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối Thuỷ sản Mỹ (ASDA) kiêm Chủ tịch của Ủy ban Đặc trách Tôm (STF), lại tỏ ra hài lòng vì DOC sẽ có thêm thời gian xác định, liệu có thể chứng minh được những cáo buộc bán phá giá của SSA có thật hay không. Ông nói rằng, nếu các quan chức Chính phủ phân tích vụ kiện một cách công bằng, khách quan, thì sẽ thấy không hề có việc bán phá giá. |
Trong bản đệ trình, SSA đã buộc tội 4 nước châu Á đẩy mạnh lượng tôm xuất khẩu vào Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2003 đến 3/2004. Cụ thể, nhập khẩu tôm từ Thái Lan tăng 62,2%, Ấn Độ tăng 48,4%, Trung Quốc tăng 113,9% và Việt Nam là 30,3%. SSA đã so sánh khối lượng tôm nhập khẩu trong vòng 6 tháng này với 6 tháng cùng kỳ năm trước.
Cũng trong bản đệ trình, SSA nói tình trạng khẩn cấp sẽ không được áp dụng nếu mức thuế chống bán phá giá là dưới 25%. Vì nếu không có mức thuế chống bán phá nào được xác lập, SSA sẽ phải rút lui khỏi vụ kiện mà họ theo đuổi trong vai trò nguyên đơn. Do đó, họ đã đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với 6 nước trong vụ kiện tôm là từ 30% đến 267%.
Luật pháp Mỹ quy định, việc cáo buộc tình trạng khẩn cấp của bên nguyên trong vụ kiện bán phá giá là điều hoàn toàn bình thường, và thực tế đối với vụ kiện này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vừa qua, DOC đã lùi thời hạn ra quyết định sơ bộ đối với Trung Quốc, Việt Nam tới đầu tháng 7, và các nước còn lại là 28/7. Nếu Bộ Thương mại Mỹ đồng ý chấp thuận đệ trình về trình trạng khẩn cấp của SSA, nhập khẩu tôm từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ là đối tượng phải chịu thuế hồi tố, áp dụng từ 13/4; và Ấn Độ, Thái Lan rất có thể cũng bị áp thuế hồi tố từ 6/5. Riêng việc SSA không cáo buộc tình trạng khẩn cấp đối với Brazil và Ecuador, không có nghĩa là các nước này không xuất ồ ạt tôm vào Mỹ, và SSA vẫn có quyền đưa ra tình trạng khẩn cấp chống lại hai nước trên vào một ngày gần đây.
Bất lợi đối với Trung Quốc và Việt Nam
Việc Bộ Thương mại Mỹ quyết định phân chia giải quyết vụ kiện chống bán phá giá tôm theo 2 nhóm nước cũng báo hiệu những khó khăn cho các nhà xuất khẩu tôm Trung Quốc và Việt Nam. Quyết định lùi thời hạn đưa ra phán quyết sơ bộ của DOC ngày 19/5 cho thấy tính chất đặc biệt phức tạp của vụ kiện, thể hiện qua số các công ty là bị đơn bắt buộc và việc giải quyết các vấn đề đang tranh cãi.
DOC cho rằng, có sự khác biệt về thời hạn đưa ra phán quyết sơ bộ giữa 2 nhóm nước là do họ cần hoàn tất các điều tra về chi phí sản xuất tôm, xác định những thị trường so sánh phù hợp đối với trường hợp của các nước có nền kinh tế thị trường, gồm Brazil, Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan. Như vậy, rõ ràng là Trung Quốc và Việt Nam đã bị xếp vào nhóm nước có nền kinh tế phi thị trường.
Vấn đề đang tranh cãi hiện nay là sự đáp ứng của từng công ty đơn lẻ. Họ có thể chứng minh cho DOC thấy các mức giá tôm thực tế bán tại Mỹ so với mức giá bán tại thị trường trong nước hoặc thị trường thứ ba. Sau đó, DOC sẽ sử dụng các thông tin này để tính toán các mức thuế đối với từng công ty riêng biệt. Tuy nhiên, theo những thay đổi về luật mới được đề xuất đối với các bị đơn ở những nước bị coi là có nền kinh tế phi thị trường (còn được gọi là bị đơn nhóm A), DOC sẽ không cho họ cơ hội chứng minh sự độc lập của mình và không được nhận các mức thuế thấp riêng biệt theo từng công ty. Thay vào đó, họ sẽ phải chịu các mức thuế cao áp dụng chung cho toàn bộ quốc gia đó.
Quy định mới này khiến Liên minh Hành động Thương mại ngành công nghiệp tiêu dùng Mỹ (CITAC), rất phẫn nộ. Tuần trước, Chủ tịch CITAC đã bày tỏ thái độ không hài lòng trước việc DOC định rũ bỏ trách nhiệm phán quyết một cách công bằng tính độc lập của các nhà sản xuất và xuất khẩu ở những nước bị cho là có nền kinh tế phi thị trường. DOC dường như muốn đưa ra thông điệp rằng, họ thích các biên phá giá cao hơn là sự công bằng và khách quan.
DOC chưa quyết định khi nào sẽ áp dụng quy định mới nói trên, nhưng hạn cuối cùng để đưa ra ý kiến là ngày 1/6. Nếu quy định này có hiệu lực, DOC có thể áp đặt mức thuế đối với Trung Quốc và Việt Nam dựa trên một cơ cấu giá thành giả định, không phải lấy từ dữ liệu thực tế của các công ty, mà là từ sự ước đoán của DOC, kể cả khi những ước đoán này trái với dữ liệu tài chính của các công ty.
Xét ở nhiều khía cạnh, việc phân biệt một nền kinh tế là thị trường hay phi thị trường của DOC đã rất lỗi thời, vì hiện nay rất nhiều công ty tư bản năng động, có tiềm lực và có sức cạnh tranh cao trên thế giới đang được đặt tại các nước như Trung Quốc và Việt Nam. Thay vì chấp nhận cạnh tranh với các công ty này, DOC đang tự bộc lộ mình trước những lời tố cáo rằng, họ đang dựng nên những rào cản thương mại bất công, bằng cách tiếp tục sử dụng những qui tắc đã lỗi thời đó. Thật khó có thể cho rằng, một quốc gia luôn chào đón đầu tư nước ngoài và có những hỗ trợ to lớn cho các công ty quốc tế lại bị coi là nền kinh tế phi thị trường.
-
Hà Yên