(VietNamNet) - Bảo Việt đang mời chào các công ty đóng tàu tham gia một loại hình bảo hiểm rất mới ở Việt Nam: bảo hiểm rủi ro đóng tàu.
Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam hôm qua (6/5) đã cùng với Công ty Tái bảo hiểm Thụy Sỹ (Swiss Re) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) bàn cách xúc tiến các hợp đồng bảo hiểm đóng tàu lớn trong thời gian tới tại Việt Nam.
Bảo hiểm rủi ro đóng tàu là một loại hình bảo hiểm mới ở Việt Nam nhưng nó đã có rất lâu trên thị trường bảo hiểm quốc tế. Tuy nhiên, Bảo Việt hiện đang muốn ký kết với các công ty đóng tàu thành viên của Vinashin những hợp đồng mới, đặc biệt là những hợp đồng lớn.
Bảo Việt nhanh nhạy ''đón đầu'' sản phẩm bảo hiểm mới này là bởi thời gian gần đây, xu hướng phát triển thị trường vận tải đường biển thế giới cùng với nhu cầu đóng mới tàu tăng mạnh. Nhưng năng lực đóng tàu của các trung tâm lớn hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Italia, Mỹ đã tới mức giới hạn, cùng với việc chi phí về nhân công ngày càng tăng cao. Trong khi đó, với lợi thế về nhân công và đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo cơ bản tại các nước Nga, Ba Lan... khả năng phát triển nền công nghiệp đóng tàu phục vụ ngành vận tải biển trong nước cũng như để xuất khẩu của các công ty đóng tàu Việt Nam hiện đang rất khả quan.
Những vụ tổn thất lớn về thiệt hại của nhà thầu đóng tàu trong những năm gần đây: - Tàu Diamond Princes bị tai nạn tại Nhật năm 2002, thiệt hại 310 triệu USD. - Tàu Westerdam bị thiệt hại 75 triệu USD (năm 2003), tàu Typhoon Maemi 50 triệu USD, tàu Pride of Americe 180 triệu USD (năm 2004). Ở Việt Nam, vụ tai nạn gần đây nhất là vụ nổ trong hầm tàu Mỹ Hưng trong khi chuẩn bị hạ thuỷ, 16 công nhân bị thương và 4 người chết. Bảo Việt là nhà bảo hiểm gốc đã chi trả bồi thường trên 200 triệu đồng cho các nạn nhân. |
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp đóng tàu đến năm 2010, Vinashin đã mở rộng và hiện đại hoá các xưởng đóng tàu, để đảm bảo đóng các tàu có trọng tải đến 100 nghìn tấn phục vụ cho nhu cầu phát triển đội tàu viễn dương của Việt Nam cũng như xuất khẩu sang Anh, Nhật, Đức. Chỉ tính năm 2003, Vinashin đã ký kết các hợp đồng đóng tàu trong nước và quốc tế trị giá 500 triệu USD; trong đó có hợp đồng ký kết với công ty GRAIG của Anh quốc đóng 15 tàu chở hàng hiện đại, trọng tải mỗi tàu 53 nghìn tấn, tổng giá trị 322 triệu USD.
Do giá trị các con tàu được đóng mới là rất lớn nên, nếu không may rủi ro, thiệt hại cũng rất lớn. Một trong những điều kiện đảm bảo cho các hợp đồng đóng tàu giá trị lớn, có hiệu lực, là quá trình đóng tàu phải được bảo hiểm bởi những công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm có năng lực tài chính lớn, đủ khả năng khắc phục được mọi rủi ro xảy ra trong quá trình đóng tàu. Giá trị được bảo hiểm cho một con tàu lớn nhất có thể lên đến 1 tỷ USD.
Để chuẩn bị cho việc ký kết thực hiện những dự án đóng tàu lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam trong thời gian tới, 3 đơn vị trên đã cùng định rõ trách nhiệm và quyền lợi bảo hiểm của các xưởng đóng tàu đối với các công ty đóng tàu, các công ty của Bảo Việt và môi giới bảo hiểm.
Trước đó, Bảo Việt cũng đã ký kết một hợp đồng bảo hiểm rủi ro đóng tàu lớn với Hyundai-Vinashin (một công ty thành viên của Vinashin). Trong đó, trách nhiệm đối với một rủi ro lên tới 500.000USD.
-
Hồng Phúc