221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
241909
DN phải báo số lượng và thời gian xuất khẩu gạo
1
Article
null
DN phải báo số lượng và thời gian xuất khẩu gạo
,

(VietNamNet) - Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) cho PV.VietNamNet biết, khi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh gạo tại các tỉnh ĐBSCL, lý do chính dẫn đến tình trạng "nhiễu thông tin", gây thua thiệt vừa qua là do nhiều DN không hề báo với hiệp hội về thời gian, khối lượng giao hàng.

Trong quý II, dự báo lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sẽ giảm.

Ông Trương Thanh Phong cho biết, đến nay, các DN đã giao khoảng 1,6 triệu trong tổng số 2-2,2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng này được ký kết trong tháng 3 và 4, thời điểm mà mức giá xuất khẩu thấp hơn nhiều so với giá hiện tại. Ông Phong phủ nhận nguồn tin cho rằng, các DN có thể lỗ tới 30 triệu USD do trót ký hợp đồng với giá thấp. Theo ông, gần 1 triệu tấn gạo đã ký cuối năm 2003 để giao trong tháng 2 và 3/2004 bị lỗ, nhưng chỉ có 500.000 tấn ký với giá rẻ hơn chút ít so với thời điểm giao. Bù lại, các hợp đồng sau này DN lại ký được với giá cao nên lỗ không nhiều. 

DN xuất khẩu gạo tự hại mình?

 

Ông Trương Thanh Phong nói, trước đây Bộ Thương mại và Hiệp hội đã dự báo, tình hình sản xuất và kinh doanh gạo trên thế giới trong 2004 sẽ không tăng. Điều này đến nay vẫn đúng vì nhu cầu gạo trên thế giới đã giảm. Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn nhất châu Á, sẽ giảm nhập 750.000 tấn xuống còn 1,25 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 1997, do nguồn cung nội địa tăng. Nhập khẩu gạo của Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm 150.000 tấn. Điều chỉnh giảm lượng gạo nhập khẩu còn được thực hiện với Bangladesh (giảm 100.000 tấn xuống 400.000 tấn), Senegal, Iran, Sri Lanka và Mỹ. Trong khi đó, xuất khẩu gạo Trung Quốc cũng giảm 300.000 tấn, xuống 1,2 triệu tấn; Ấn Độ giảm 1 triệu tấn, xuống chỉ còn 88 triệu tấn.

 

Vì thế, khi ký hợp đồng xuất gạo cuối năm 2003, chúng ta vẫn dự báo là giá gạo sẽ tăng vào đầu năm 2004. Các hợp đồng được ký với giá cao hơn 16-20USD. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, giá gạo nguyên liệu chỉ vào 1.700 đồng/kg, còn hiện tại, giá gạo trong nước đã là 2.100-2.200 đồng/kg nên DN đành chấp nhận thua thiệt.

 

Theo ông Phong, việc ta ký hợp đồng xuất 460.000 tấn gạo cho Philippines, lúc đó giá gạo trong nước đã là 186-189 và thế giới là trên 200USD/tấn. Sau này, giá gạo tăng lên là nằm ngoài dự kiến của các DN. Ông Phong cho rằng, hiện các DN luôn được cung cấp thông tin đầy đủ từ Bộ Thương mại và hiệp hội; thậm chí, họ còn luôn cập nhật từ Tham tán thương mại các nước nhập khẩu gạo hay mua của các hãng tin lớn khác.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu thông tin, ông Phong lý giải, chính là do DN tự làm hại mình. Khi ký hợp đồng, DN không hề tham khảo ý kiến hiệp hội về số lượng, thời gian giao hàng. Đến lúc tình hình phức tạp, hiệp hội yêu cầu phía hải quan kiểm tra nghiêm ngặt việc xuất khẩu của các DN thì khi ấy các DN mới báo cáo. Kiểm tra lại, trong số hơn 2 triệu tấn đã ký, có đến 1,5 triệu tấn giao cùng thời điểm tháng 3 và 4, nhưng trong kho không có hàng dự trữ. Nhiều DN đổ xô đi mua hàng cùng một lúc đã làm cho thị trường trong nước “sốt ảo”, giá lúa tăng vọt.

 

Ông Phong cho biết, việc này chủ yếu rơi vào các DN không thuộc hiệp hội. Song, mỗi lần xuất khẩu, các DN này cũng ký tới vài trăm nghìn tấn, tác động ngay đến thị trường gạo trong nước. Hiệp hội Lương thực hiện có 80 thành viên, nhưng con số các DN chưa vào hiệp hội cũng vào khoảng 20, chưa kể nhiều DN cung ứng gạo khác. Thời gian tới, hiệp hội sẽ yêu cầu các hội viên phải khai báo trực tiếp về số lượng, thời gian giao hàng khi ký hợp đồng mới, để hiệp hội chủ động điều phối thời gian giao hàng. Điều này cũng tránh được tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi DN ký một giá hoặc tập trung giao hàng dồn dập tại một thời điểm.

 

Giãn thời gian giao hàng

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nay, thu hoạch từ vụ đông xuân đạt đúng như dự kiến, với 8,3 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa xuất khẩu không sợ thiếu. Kết quả khảo sát của Bộ Thương mại và hiệp hội cũng cho thấy, lúa trong kho của các DN và nhà máy xay xát tại Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp còn tương đối lớn, mặc dù lúa hàng hóa trong dân không còn nhiều. Trao đổi với VietNamNet, ông Phong cho biết, chỉ một số DN xuất khẩu gạo là thiếu hàng, nhưng tình hình nói chung là "tương đối ổn" khi các DN phần lớn có đủ gạo để giao hàng trong tháng 5.

 

Hiệp hội dự báo, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng như các nước đang đứng ở mức cao, thời gian tới sẽ ít biến động bởi nhu cầu từ châu Phi, Iraq, Ba Lan có thể giảm. Trung Quốc cũng đã ngừng nhập khẩu gạo do sản lượng gạo tới đây có thể tăng. 

 

Do đó, Bộ Thương mại khuyến cáo các DN nên giãn thời gian giao hàng tháng 5 tới tháng 6 và 7 (vì thời điểm này đã thu hoạch vụ hè thu) đối với các hợp đồng đã ký nhằm bình ổn thị trường, tránh tình trạng tập trung mua ồ ạt, đẩy giá gạo nguyên liệu lên cao, gây khó khăn cho các hợp đồng đã ký. Đồng thời, các DN cũng nên đàm phán với khách hàng nâng giá gạo đối với những hợp đồng này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp tình thế để hạn chế tới mức thấp nhất việc thua lỗ.

  • H.Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,