(VietNamNet) - Xe đạp và phụ tùng xuất khẩu của Việt Nam trong ba tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, nhưng điều này làm các DN sản xuất trong nước thấy... tủi. Vì sao?
DN VN chỉ chiếm... 1-2% kim ngạch XK xe đạp của cả nước
Xe đạp xuất khẩu tăng: Chuyện mừng của Việt Nam. |
Khác với xe máy và ôtô, xe đạp là phương tiện giao thông "sạch" vì tạo ra một môi trường sống trong lành. Và xe đạp cũng mang lại những giá trị xuất khẩu đáng kể, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia. Theo số liệu của Cục Thống kê, quý I năm 2004, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xe đạp và phụ tùng xe đạp của các DN đạt trên 43 triệu USD, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất về kim ngạch so với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng qua, vượt cả chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ vốn được xem là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và cao hiện nay.
Công ty cổ phần cơ điện Five Stars (TP.HCM) vừa thực hiện lô hàng xuất khẩu xe đạp đầu tiên sang thị trường Pháp, gồm 104 chiếc xe đạp điện, cung ứng cho công ty Five Stars Europe, với giá bình quân khoảng 202 euro/chiếc. Đây là hợp đồng mà phía Five Stars Europe sẽ bao tiêu sản phẩm độc quyền trong vòng hai năm.
Các DN xuất khẩu xe đạp dưới dạng nguyên chiếc và phụ tùng, trong đó đa số là loại xe đạp thể thao và xe đạp điện. Trong khi khu vực miền Bắc, các công ty sản xuất xe đạp chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước, thì khu vực phía Nam tập trung nhiều công ty lớn sản xuất xe đạp và xuất khẩu, nhất là tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai và Bình Dương. Theo Hiệp hội xe đạp và xe máy Việt Nam, các DN của khu vực này chiếm gần như toàn bộ lượng xe đạp và phụ tùng xuất khẩu của cả nước.
Sản phẩm xe đạp điện của Công ty Delta |
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển trong một buổi làm việc với các nhà lãnh đạo của TP.HCM đã nói rằng, xe đạp và phụ tùng đang là ngành xuất khẩu đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua. Đây là ngành xuất khẩu có thể bù vào sự sụt giảm của những ngành xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản hay dệt may khi đương đầu với những thách thức mới, vì vậy theo ông Tuyển, ngành xe đạp sẽ được Chính phủ quan tâm và hỗ trợ.
Xe đạp xuất khẩu tăng nhưng Phó Chủ tịch Hiệp hội xe đạp và xe máy Việt Nam Lê Anh Tuấn thì lại ... buồn. "Gần như tổng kim ngạch xe đạp xuất khẩu của Việt Nam đều do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài mang lại, còn các DN Việt Nam thì... chỉ đóng góp một vài phần trăm mà thôi", ông Tuấn bộc bạch. Theo ông Tuấn dự đoán, tổng kim ngạch xuất khẩu xe đạp của Việt Nam năm nay khoảng 120-130 triệu USD nhưng DN trong nước chỉ chiếm khoảng 1-2%.
DN VN "nhường" kim ngạch cho DN nước ngoài?
Từ vài năm nay, ngành xe đạp của Việt Nam đã khởi sắc, đặc biệt là khoảng thời gian Chính phủ cấm xe máy và hạn chế ôtô. Nhưng có thể sự khởi sắc đó là do sự tham gia của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực này, một lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam khuyến khích và phần lớn các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đều tham gia xuất khẩu. Trong số đó phải kể đến các công ty Đài Loan. Xe đạp vốn đang là thế mạnh xuất khẩu của vùng lãnh thổ này. Các tập đoàn Đài Loan trong mấy năm qua đã di chuyển nhà máy từ Đài Loan sang Việt Nam để tận dụng lao động rẻ ở khu vực phía Nam, đặc biệt là khu vực Đồng Nai và Bình Dương.
Ông Tuấn giải thích, sở dĩ các công ty nước ngoài này thành công ở Việt Nam là vì các công ty nước ngoài có công nghệ sản xuất xe đạp tốt hơn các công ty Việt Nam. Ngoài ra, họ còn có thị trường xuất khẩu trước khi vào Việt Nam.
Trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài mạnh trong lĩnh vực sản xuất xe đạp, thì các DN Việt Nam cảm thấy khó khăn. Một nguồn tin từ phòng kinh doanh của Công ty Xe và Máy TP.HCM, cho biết đã nhiều năm công ty xúc tiến các chương trình để giới thiệu sản phẩm, nhưng đến nay công ty vẫn chưa xuất khẩu chiếc xe đạp nào.
Còn theo ông Trần Thanh Mai, Phó Giám đốc Công ty Viha ở Hà Nội, công ty cũng đã từng xuất khẩu xe đạp, nhưng chỉ với số lượng nhỏ, lẻ. Tìm được một hợp đồng xuất khẩu không đơn giản, vì đây không phải là lĩnh vực mà DN Việt Nam có ưu thế. "Dù rằng Việt Nam có thể làm ra những chiếc xe có chất lượng tương tự như các công ty nước ngoài, nhưng vì không có quan hệ và kinh nghiệm xuất khẩu, nên không chen chân được vào thị trường này", ông Mai phát biểu. Các công ty nước ngoài, đặc biệt là Đài Loan và Hàn Quốc, có khách hàng và thương hiệu từ nhiều năm nay, vì vậy sản phẩm của họ làm ra dễ tiếp cận với thị trường xuất khẩu.
-
Minh Quang
Nếu như hiện nay, người dân Việt Nam vẫn thích sử dụng xe máy và ôtô để đi lại, thì người dân ở các nước có nền công nghiệp tiên tiến có xu hướng lựa chọn ngược lại: xe đạp. Xe đạp không chỉ giúp giữ gìn môi trường mà còn giúp giữ gìn sức khỏe của người sử dụng, vì đạp xe đạp giống như một hoạt động thể thao. Chính từ nguyên nhân này mà các nước khuyến khích nhập xe đạp. Quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất xe đạp là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan; chính những quốc gia này cũng là nơi tiêu thụ xe đạp lớn của khu vực châu Á, bên cạnh thị trường tiêu thụ cũng đáng kể châu Âu. Trung Quốc hàng năm sản xuất khoảng 50 triệu xe đạp, trong đó xuất khẩu khoảng 25%; Đài Loan sản xuất ít hơn với khoảng 14 triệu chiếc nhưng xuất khẩu tới 80% số này.