Việc các nước nhập khẩu dùng "chiêu bài" chống phá giá luôn là vấn đề gây lo ngại đối với quốc gia xuất khẩu. Đã đến lúc các nước xuất khẩu dệt may phải chuẩn bị tinh thần trước khi hạn ngạch dệt may được xóa bỏ. Họ đang quyết định phải cùng nhau "đi tắt, đón đầu" trong vấn đề này.
Một số quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Braxin và Pakistan đang bàn bạc để trình bày trước WTO về vấn đề bán phá giá hàng dệt may, mong muốn WTO ban lệnh cấm việc điều tra chống phá giá đối với hàng dệt may xuất khẩu từ các nước này, một khi hạn ngạch được dỡ bỏ vào ngày 1/1/2005.
Quyết định cùng đệ trình lên WTO được đưa ra tại cuộc họp của Phòng dệt may quốc tế (International Textiles and Clothing Bureau) vừa mới bắt đầu ngày 6/4. ITCB là nhóm 30 nước đang phát triển, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Braxin, Pakistan, Peru, Hàn Quốc và Argentina cùng bảo vệ lợi ích chung về dệt may.
Nếu không còn hạn ngạch, các nhà xuất khẩu sẽ không phải trả bất cứ chi phí nào. Điều này sẽ dẫn đến việc rớt giá của một số chủng loại mặt hàng và thúc đẩy các nước phát triển áp đặt thuế chống phá giá.
Khi hạn ngạch được dỡ bỏ, Ấn Độ, với giá trị xuất khẩu dệt may năm 2003 là 12 tỷ USD, sẽ nắm bắt được cơ hội mở rộng thị phần trong thị trường 342 tỷ USD của toàn thế giới, với hi vọng vươn lên đứng hàng thứ hai. Còn Trung Quốc, nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, muốn tiếp tục chiếm vị trí hàng đầu.
(Ngọc Hà - Theo Financial Express)