221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
233637
Thu hút đầu tư nước ngoài: Chủ trương chưa đi cùng thực tiễn
1
Article
null
Thu hút đầu tư nước ngoài: Chủ trương chưa đi cùng thực tiễn
,

(VietNamNet) - Phiền hà, mất thời gian trong cấp phép đầu tư, cấp quyền sử dụng đất cùng với những ''cú sốc'' bất ngờ do thay đổi chính sách thuế đang làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những vấn đề được đặt ra gay gắt tại Hội nghị đầu tư nước ngoài diễn ra ngày hôm nay (29/3), tại Hà Nội.

Quý I/2004, vốn ĐTNN đăng ký mới cả nước đạt trên 710 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Bích Đạt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những ''mảng màu tối'' trong bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Vốn đầu tư qua các năm tăng nhưng tỷ trọng nguồn vốn này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại có xu hướng giảm dần. Tỷ trọng vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm từ 25% trong thời kỳ 1991 -1995 xuống 24% trong thời kỳ 1996 - 2000 và xuống còn 17,8% trong năm 2003. ''Tỷ lệ dự án đổ bể, phải giải thể trước thời hạn khá cao... do thiếu năng lực tài chính, mâu thuẫn trong các bên liên doanh và vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng'', ông Đạt cho biết.

Tổng công ty tham mưu có lợi cho mình

Chủ trương của Chính phủ khuyến khích thu hút và ưu đãi ĐTNN nhưng trên thực tế lại xẩy ra tình trạng phân biệt đối xử theo hướng bất lợi đối với các nhà ĐTNN. Ông Đạt nói: ''Mặc dù Luật và các Nghị định liên quan đến ĐTNN không hạn chế về hình thức và lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhưng quy hoạch của một số ngành lại hạn chế''. Năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam hiện phải nhập 4 - 5 triệu tấn clinker/năm và chưa đáp ứng được nhu cầu đến năm 2010 trong khi quy hoạch công nghiệp xi măng chỉ cho phép mở rộng sản xuất của liên doanh khi tỷ lệ vốn pháp định tối thiểu của phía Việt Nam đạt từ 40% trở lên. Ngành thép trong nước mới đáp ứng được 20% nhu cầu phôi và dự kiến đến năm 2010 cần 1,8 triệu tấn phôi/năm nhưng đối với dự án khai thác quặng sắt, sản xuất phôi... thì đề nghị nhà ĐTNN tự đầu tư và giới hạn sự tham gia dưới hình thức liên doanh.

Tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, việc một số tổng công ty lớn tham mưu cho bộ, đề xuất cơ chế chính sách, quy hoạch có lợi cho mình, hạn chế những thành phần khác trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, là không phù hợp. ''Chính phủ có trách nhiệm rà soát để điều chỉnh lại quy hoạch xi măng, sắt thép, điện" - Phó Thủ tướng nói.

Nghị định ban hành 4 năm chưa có hướng dẫn

Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt thừa nhận: ''hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và khó dự đoán trước''. Việc soạn thảo và ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến ĐTNN chưa lấy ý kiến DN, dẫn đến ''bút sa, gà chết'', DN lĩnh đủ hậu quả, rõ nhất trong chính sách thuế. Một số bộ ngành chậm ban hành thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ: Nghị định số 06 về hợp tác ĐTNN trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo đã được ban hành cách đây gần... 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương bình và Xã hội. Chính phủ trong một nghị định đã miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu 5 năm đối với các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư nhưng thiếu hướng dẫn nên chưa được áp dụng. Cho đến nay, một số luật quan trọng vẫn đang trong quá trình dự thảo như Luật cạnh tranh, Luật chống độc quyền, Luật phá sản DN sửa đổi...

Thay đổi thuế: Cú sốc bất ngờ đối với DN!

Những thay đổi về thuế một cách bất ngờ đang làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Nghị định số 158 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Nghị định 164 về thuế thu nhập DN (ban hành cuối năm 2003) áp dụng từ 1/1/2004 đã gây sốc cho nhà ĐTNN tại khu chế xuất, khu công nghiệp do việc giảm ưu đãi một cách quá đột ngột ''chỉ qua một đêm''. 9 loại dịch vụ cung cấp cho DN khu chế xuất như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, tư vấn... trước 1/1/2004 không thuộc diện chịu thuế GTGT nay phải chịu thuế với mức 10%. Còn theo Nghị định 164, dự án ĐTNN vào khu chế xuất đang hưởng thuế thu nhập DN 10% suốt đời dự án thì nay tăng lên mức 20% và giới hạn trong 10 năm. Ngoài ra, dự án tăng vốn không còn được hưởng ưu đãi của giấy phép đầu tư mà chỉ được miễn giảm thuế thu nhập DN...

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, những thay đổi về thuế là nhằm thực hiện cam kết về hội nhập, tạo mặt bằng chung và không phân biệt về thuế giữa DN trong nước và nước ngoài. Đặc biệt đối với thuế GTGT nếu không xác định mức thuế đầu vào - đầu ra thì việc hoàn thuế cho các DN là rất khó. Ông Trung nhắc đi nhắc lại rằng những quy định trên đã được ''bàn bạc kỹ lưỡng'' với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã lấy ý kiến của các DN (?). Tuy nhiên, trước phản ứng của DN và để đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, Bộ Tài chính vừa trình lên Chính phủ cho các DN khu công nghiệp, khu chế xuất được hưởng những mức ưu đãi thuế như trước đây, riêng thuế thu nhập DN ưu đãi có thời hạn (tối đa không quá 15 năm). Còn về ưu đãi trong trường hợp mở rộng đầu tư, Bộ Tài chính dự kiến cho DN được hưởng ưu đãi cũ nhưng chỉ đối với việc mở rộng dự án đang hoạt động, không phải đầu tư sang lĩnh vực khác.

''Bộ Tài chính sắp ban hành một cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế, hải quan và kho bạc. Theo đó, khi DN mới thành lập đăng ký mã số thuế với cơ quan thuế thì đây cũng là mã số hải quan (xuất nhập khẩu). Vào khoảng tháng 6 tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức đối thoại với DN để nghe và tháo gỡ những vướng mắc của DN trong lĩnh vực tài chính'', ông Trung cho biết.

Nhận mặt bằng phải qua ''16 chữ ký và 15 con dấu''

Thủ tục phiền hà, tốn nhiều thời gian và chi phí là một trong những cản trở chính đối với thu hút ĐTNN. Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt nhận xét, ''thủ tục thẩm định, cấp giấy phép đầu tư, điều chỉnh Giấy phép đối với các dự án vẫn còn phức tạp''. Thời gian thẩm định một số dự án dài do phải thống nhất ý kiến giữa các bộ, ngành. Theo quy định hiện hành của Chính phủ, trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan chức năng phải có ý kiến bằng văn bản nhưng thực tế có trường hợp phải chờ đến 1 hoặc 2 tháng, thậm chí lâu hơn. ''Dự án Trung tâm thời trang London sau 2 tháng mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn chưa có ý kiến; dự án công ty chuyển phát nhanh ICS  mất 4 tháng, Bộ Giao thông Vận tải mới có ý kiến'', ông Đạt cho biết.

Ông Tạ Trung Tính, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và thu hút đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trường hợp thông thường để xin thuê đất, nhà ĐTNN phải đi qua ''16 chữ ký và 15 con dấu'' và mất hàng tháng trời. Hồ sơ của DN đến Ban quản lý, sau đó phải qua Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, rồi qua các cấp xã, huyện, tỉnh. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời ''tới đây sẽ có những tiến bộ đáng kể''. Nhà ĐTNN chỉ phải thông qua ''một cửa'' là trung tâm phát triển quỹ đất ở các tỉnh hoặc nhà đầu tư có thể thoả thuận trực tiếp với người sử dụng đất. Trong ''cơ chế một cửa'', sẽ quy định rõ ràng trách nhiệm, thời hạn thực hiện của các cán bộ quản lý đất đai và chế tài khi các cán bộ quản lý sai trái, phiền hà, nhũng nhiễu... Tất cả những nội dung này có trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2004 Bộ này đang lấy ý kiến.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,