(VietNamNet) - Sáng 18/3, tại Hà Nội, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Luật DN và Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư chung cho mọi loại hình DN.
Nhà đầu tư nước ngoài được lập công ty cổ phần?
Ông Vũ Quốc Tuấn, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biết, các luật này sẽ áp dụng chung, thống nhất cho các loại hình DN và tất cả nguồn vốn đầu tư. Các loại hình DN là ''hình thức pháp lý'' của tổ chức kinh doanh phổ biến trong nền kinh tế thị trường như công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và DN tư nhân, không phân loại theo quy mô, chức năng hoặc theo sở hữu. ''Luật cũng tính đến cho nhà đầu tư nước ngoài lập công ty cổ phần, công ty hợp danh như các DN trong nước'', ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thủ tục đăng ký kinh doanh sẽ áp dụng cho các loại hình DN, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đăng ký kinh doanh, không nhất thiết xin phép đầu tư gắn với một dự án cụ thể như hiện nay. Sau đó họ thành lập DN nào sẽ phải theo đúng các thủ tục và quy định về thành lập DN như nhà đầu tư trong nước. Đối với dự án đầu tư nước ngoài lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, ngân hàng, bảo hiểm... vẫn áp dụng cơ chế thẩm định chấp thuận đầu tư theo lộ trình đã cam kết với Hoa Kỳ và một số nước khác, sau đó sẽ dần xoá bỏ chế độ đăng ký cấp phép đầu tư.
Cơ sở y tế, văn hóa... được ưu đãi đầu tư!
Theo tinh thần xây dựng Luật Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, các ưu đãi đầu tư sẽ theo hướng cụ thể và không phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước về địa bàn, lĩnh vực, hình thức ưu đãi... Thủ tục ưu đãi đơn giản, tránh tình trạng ''chi phí để được ưu đãi lớn hơn ưu đãi''. Ông Tuấn cho rằng, nên chuyển từ ưu đãi trước đầu tư như hiện nay sang ưu đãi sau đầu tư, nghĩa là khi DN thực hiện được các điều kiện ưu đãi thì mới áp dụng. Trong luật mới, đối tượng khuyến khích đầu tư cũng sẽ mở rộng đến cả các cơ sở đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, hộ nông dân sản xuất hàng hóa, làm dịch vụ...
Về vấn đề bảo hộ, quan điểm xây dựng luật là cần sớm khắc phục tình trạng bao cấp, xóa bỏ bảo hộ bất hợp lý trong kinh doanh. Đối với một số trường hợp bảo hộ thì phải có thời hạn rõ ràng và không phân biệt các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, ''cũng cần bảo hộ hợp lý đối với DN trong nước'' với lý do nhiều nước phát triển cũng đang ''bảo hộ cho sản xuất trong nước''.
Đưa DN nhà nước vào sân chơi chung!
Đa số các ý kiến nhất trí đưa DN nhà nước, Hợp tác xã vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN chung. Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, Nhà nước không thể cho ''đứa con'' của mình những ưu ái riêng mà phải cho vào sân chơi chung, chịu luật chung với nhiều thành phần kinh tế khác. Còn theo ông Đinh Văn Ân, đến nay đã đủ điều kiện ''chín muồi'' xây dựng Luật DN chung và ''DN nhà nước đang bước sang sân chơi chung cùng các DN thuộc các thành phần kinh tế khác''.
Tuy nhiên ông Ân cũng cho rằng, đối với các luật riêng cần có những điều khoản chi tiết, chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, nếu cho nhà đầu tư nước ngoài lập công ty cổ phần mà không có ràng buộc thì sẽ có trường hợp họ lập công ty lừa đảo, phát hành cổ phiếu để thu tiền sau đó ''chuồn'' mất. Có ý kiến khác tương tự cho rằng, song song với việc xây dựng các luật ''chung'' thì cũng cần tính đến sửa đổi những luật ''riêng'' cho phù hợp với luật chung và chi tiết hóa, bổ sung cho luật ''chung''.
Văn bản hướng dẫn phải "đi" cùng luật
Đóng góp về ''kỹ thuật'' xây dựng luật, ông Trần Vũ Hải nói: ''Phải đổi mới cách làm luật, luật càng chi tiết càng tốt. Tránh tình trạng luật không khả thi hoặc mâu thuẫn với nhiều văn bản luật khác nhau. Nên đi đến chấm dứt ban hành thông tư, hạn chế ban hành nghị định hướng dẫn. Khi Quốc hội ban hành luật, tốt nhất các văn bản hướng dẫn cũng đồng thời được ban hành''. Ông Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, góp ý kiến: ''Chúng ta nên tham khảo luật thế giới''.
Ông Vũ Quốc Tuấn cho biết: ''Tổ soạn thảo sẽ cố gắng cuối năm nay có thể đưa dự thảo 2 luật này lấy kiến Quốc hội, sau đó dự kiến thông qua vào giữa năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2006''.
-
Văn Tiến