(VietNamNet) - "Sự phân biệt đối xử đối với DN nước ngoài làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam kém hấp dẫn. Vì vậy Nhà nước cần trao thêm thương quyền cho DN nói chung và DN có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng".
Đó là phát biểu của bà Phạm Chi Lan, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong buổi gặp góp ý dự thảo Luật Doanh nghiệp (chung) và Luật Khuyến khích đầu tư được tổ chức hôm 11/3 tại TP.HCM.
Trước sức ép của chính sách cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư nước ngoài của các nước, Chính phủ Việt Nam chủ trương thay đổi các qui định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, mà theo đó sẽ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn và đặc biệt là giảm bớt các ràn cảo, sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Luật Doanh nghiệp (chung) là bước tiến mới mà Chính phủ Việt Nam đang hướng đến nhằm thay thế Luật Doanh nghiệp hiện hành và Luật Đầu tư nước ngoài đang hiệu lực. Luật Doanh nghiệp (chung) đang được các bộ của Chính phủ nghiên cứu soạn thảo, chỉnh sửa để trình Quốc hội xem xét và thông qua.
Bà Lan nói rằng luật hiện hành (cả Luật Doanh nghiệp và Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài) chưa thực sự tạo ra môi trường công bằng cho các thành phần kinh tế. "Giữa DN quốc doanh và ngoài quốc doanh có một sự ưu đãi khác biệt không dễ chấp nhận được trong tình hình hiện nay", bà Lan đã trả lời VietNamNet khi được hỏi về chính sách đối xử giữa các thành phần kinh tế.
Bà nêu dẫn chứng về lĩnh vực sản xuất xi măng mà theo bà phần ưu đãi được dành rất nhiều cho DN nhà nước trong khi DN có vốn đầu tư nước ngoài muốn mở rộng thêm đầu tư cực kỳ khó khăn: "Một công ty nước ngoài đã có nhà máy và muốn mở rộng, xây dựng thêm một nhà máy nữa để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì không được phép, trong khi Nhà nước lại bỏ hàng trăm triệu đô la để xây dựng thêm nhà máy mới".
Bà còn đưa thêm ví dụ về chính sách đất đai để dẫn chứng sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Đó là thời gian thuê đất dành cho DN trong nước ưu đãi hơn dành cho DN có vốn đầu tư nước ngoài. DN nước ngoài chỉ được thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định, trong khi DN trong nước thì được Nhà nước giao đất dài hạn.
Theo bà Lan - cũng là một trong những thành viên thuộc Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, những điều này cần phải được loại bỏ trong Luật Doanh nghiệp (chung) và trao thương quyền (quyền được tự do kinh doanh những ngành nghề không trái pháp luật) cho các thành phần kinh tế. Sự ưu đãi nên dành cho lĩnh vực, vùng miền theo chủ trương phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước hơn là cho hình thức sở hữu, vốn đã được luật pháp VN thừa nhận.
Ông Phạm Xuân Thọ, Chánh tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân TP.HCM nói, Luật Doanh nghiệp (chung) loại bỏ được những phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế sẽ là bước đột phá đáng kể đối với môi trường kinh doanh Việt Nam, và là đòn bẩy để thực hiện các mục tiêu kinh tế của Chính phủ.
Giới luật sư cũng như các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, rất hoan nghênh Luật Doanh nghiệp (chung) đang soạn thảo, mà họ dự đoán là sẽ tốt hơn và bình đẳng hơn Luật Doanh nghiệp hiện hành. Tất nhiên, sự cải thiện và bình đẳng sẽ như thế nào còn phải chờ hai năm nữa, khi luật mới được Quốc hội thông qua và cho thi hành.
-
Minh Quang