(VietNamNet) - Từ nay đến hết năm 2004, giá cả nhiều mặt hàng sẽ còn tiếp tục tăng và lạm phát cả năm sẽ vượt mức khống chế 5% mà Quốc hội đã đề ra. Nếu có biện pháp bình ổn thị trường hiệu quả, có khả năng lạm phát mới khống chế được ở mức 5,5- 6%.
Đây là dự đoán của hầu hết các chuyên gia nghiên cứu và nhà quản lý tại buổi Tọa đàm ''Diễn biến giá cả thị trường 2 tháng đầu năm và dự báo năm 2004'' do Viện Khoa học Thị trường giá cả tổ chức sáng nay(11/3) tại Hà Nội.
''Mầm mống'' tăng giá còn tồn tại
Ông Ngô Trí Long, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thị trường giá cả cho rằng, tuy Nhà nước đã có giải pháp bình ổn giá một số nguyên liệu đầu vào chiến lược như thép, phân bón, xăng dầu, nhưng xu hướng trong những tháng tới giá những loại nguyên liệu này vẫn chưa giảm. Đây là sức ép tăng đầu vào trên diện rộng, làm chi phí và giá thành tăng cao, tác động đến đầu ra. Chẳng hạn, tăng giá xăng dầu khoảng 7% từ 22/2 đã và sẽ tác động dây chuyền đến chi phí đầu vào của hầu hết các DN trên cả nước, buộc họ phải giảm sản xuất, tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ.
''Sức ép tăng giá những tháng còn lại của năm 2004 vẫn còn tiềm ẩn'' - Tiến sĩ Trần Công Chuyên, Viện Khoa học Thị trường giá cả, nói. Dịch cúm gia cầm vừa diễn ra trên phạm vi toàn quốc, làm mất đi 20-25% nguồn cung ứng thực phẩm trên thị trường. Nay dịch cúm gia cầm tuy đã khắc phục, nhưng việc khôi phục lại đàn gia cầm còn tốn rất nhiều thời gian, giá thực phẩm thay thế sẽ còn ở mức cao. Một số nông sản có liên quan đến xuất khẩu như lúa gạo đang có nguy cơ lên cơn sốt giá trong khi nguồn xuất khẩu khó khăn. Hiện giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xấp xỉ 2.000 - 2.400 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, còn nhiều yếu tố có thể làm giá tăng từ nay đến cuối năm. Từ 1/4/2004 Nhà nước dự kiến sẽ tăng tiền lương và các khoản trợ cấp cho các đối tượng đã nghỉ hưu và chính sách xã hội. Tháng 10/2004 sẽ điều chỉnh tăng lương đối với khu vực hành chính sự nghiệp, tạo tâm lý lương tăng - giá tăng. Ngoài ra, giá cả tăng đối với một số mặt hàng phụ thuộc nhập khẩu còn do tỷ giá USD/VNĐ có xu hướng tăng nhẹ. Đồng USD đang dần hồi phục theo đà hồi phục của kinh tế Mỹ trong khi USD chiếm 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta.
Lạm phát năm 2004 sẽ ở mức 5,5-6%?
Theo Tổng cục Thống kê, tính riêng trong tháng 2/2004, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng 3%, bằng với mức tăng giá của cả năm 2003. Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 4,1%, gần tới mức dự kiến của cả năm là 5%. Đây là mức tăng giá cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 10 năm qua. Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng giá năm 2004 là 5% như Quốc hội đề ra thì trong 10 tháng tới mức tăng giá chỉ có 0,1% (?)
Nếu theo quy luật có tính thời vụ, thì hàng năm sau Tết Nguyên đán giá cả sẽ giảm dần trở lại mức bình thường và ổn định tương đối cho đến tháng 10, rồi sau đó mới bắt đầu chu kỳ tăng giá tiếp theo. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lý Minh Khải, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê TMDV - Giá cả, Tổng cục Thống kê cho rằng, năm nay do có những nguyên nhân tác động không bình thường của thị trường thế giới và trong nước, đặc biệt là việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động dây chuyền không nhỏ đến nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng khác. ''Trước mắt, giá cả trong vài ba tháng tới có nhiều khả năng vẫn tăng nhẹ mà không phải theo xu hướng giảm nhẹ như mọi năm'', ông Khải nói.
Trước tình hình giá cả có xu hướng tăng, đa số các chuyên gia dự đoán mức lạm phát năm nay sẽ vượt mức khống chế 5% mà Quốc hội đề ra. Theo GS. TS Vũ Văn Hóa, Giám đốc Học viện Tài chính, mức lạm phát 5,5-6% mà nhiều chuyên gia dự đoán chỉ đạt được khi Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu quản lý, điều tiết, bình ổn thị trường.
Bà Susan Adams, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, mức giá cả leo thang có thể làm thay đổi dự báo của IMF về lạm phát của Việt Nam lên 4% (so với trước đây dự báo 3,5%). Trong trường hợp ''bất thường'', con số dự báo có thể tăng lên 5%. Bà Susan Adams cho rằng, Việt Nam cần tính thêm chỉ số giá sản xuất (hiện nay mới tính chỉ số giá tiêu dùng) để đánh giá xác thực hơn tác động của giá đối với các DN.
Quay về thời ''giá sàn - giá trần''
Một điểm đáng chú ý là giải pháp bình ổn giá bằng ''giá trần - giá sàn'' đưa ra từ phía Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính. Thạc sĩ Nguyễn Duy Thiện, Phòng Chính sách Tổng hợp, Cục Quản lý giá cho rằng: ''Bỏ giá trần là bất cập''.
Ông Thiện đề nghị sử dụng mạnh mẽ hơn đòn bẩy giá trần và giá sàn trong điều hành giá cả. ''Đề nghị trong thời gian tới mở rộng diện áp dụng giá sàn đối với các nông sản khác như mía nguyên liệu đường, gỗ nguyên liệu giấy, hải sản nguyên liệu chế biến, cà phê, cao su... Đối với giá trần áp dụng cho các mặt hàng xăng dầu, thép, xi măng, phân bón là những mặt hàng thời gian qua thường xuyên chịu tác động của giá thế giới'', ông Thiện nói.
Không phản đối nhưng ông Ngô Trí Long cho rằng, việc trở lại áp dụng giá trần - giá sàn cho nhiều mặt hàng là không phù hợp trong điều kiện nền kinh tế thị trường, tham gia hội nhập quốc tế ngày càng cao.
Thực tế thời gian qua cho thấy, khống chế giá trần đối với kinh doanh xăng dầu tỏ ra nhiều bất cập. Khi giá xăng dầu thế giới lên cao, các DN xăng dầu bị lỗ, ngân sách Nhà nước lại phải làm công việc bù lỗ. Mỗi lần thay đổi giá đều gây nên tác động không tốt đối với thị trường. Bản thân giá xăng dầu, theo một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính, sẽ dần để thị trường điều tiết. Bộ Tài chính hiện công bố giá định hướng bán lẻ xăng dầu và DN tới đây sẽ được điều chỉnh giá bán theo biên độ khống chế cho phép.
Theo ông Vũ Văn Hóa, thời gian tới thuế vẫn là một trong những công cụ chủ yếu để bình ổn giá cả thị trường. Vừa qua, Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu thép thành phẩm và phôi thép, đẩy giá thép xuống khoảng gần 1 triệu đồng/tấn, góp phần bình ổn thị trường thép. Ông Hóa cũng cho rằng, cần dự báo tốt hơn diễn biến giá những sản phẩm chủ yếu trên thị trường thế giới để chủ động điều hành thị trường trong nước.
Ngân hàng Nhà nước tính giảm lãi suất?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước tại buổi Tọa đàm cho biết, đóng góp vào việc bình ổn giá cả và giảm chi phí đầu vào cho DN, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 2 giải pháp là tăng giá đồng Việt Nam để giảm giá hàng nhập khẩu, và giảm lãi suất cơ bản để giảm chi phí đi vay của DN. Tuy nhiên, hai giải pháp này đang được cân nhắc vì tăng giá tiền đồng sẽ không khuyến khích xuất khẩu và giảm lãi suất sẽ là giải pháp khó thực thi khi lạm phát tăng lên. Hơn nữa, hai giải pháp này nếu thực hiện đồng thời thì dường như mâu thuẫn nhau, vì giảm lãi suất tiền đồng thì chi phí vay tiền giảm, đồng tiền rẻ đi?!
Trên đây là một số biện pháp trực tiếp để bình ổn giá cả thị trường, nhưng chỉ là những biện pháp có tính tình thế và tạm thời. Theo hầu hết các chuyên gia, cần có các giải pháp vĩ mô và đồng bộ hơn như đầu tư sản xuất trong nước để chủ động một số mặt hàng chiến lược xăng dầu, phôi thép, phân bón; Quốc hội cần sớm ban hành Luật Cạnh tranh để kiểm soát độc quyền...
-
Văn Tiến