(VietNamNet) - Giá vàng thời gian gần đây có nhiều biến động. yếu tố nào chi phối? Diễn biến giá vàng rồi sẽ ra sao? Ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc trao đổi với PV VietNamNet xoay quanh những vấn đề này.
- Giá vàng thế giới thời gian gần đây trồi sụt mạnh là do nguyên nhân gì, thưa ông?
- Tôi cho rằng giá vàng thời gian vừa rồi lên xuống thất thường là do phụ thuộc vào sự biến động của đồng USD Mỹ. Một quy luật gần đây là lúc nào USD mà tăng giá thì vàng giảm giá hoặc ngược lại. Đương nhiên không phải bao giờ quy luật này cũng đúng một cách tuyệt đối nhưng đó là xu hướng chủ đạo. Trả lời tại sao giá vàng tăng giảm thất thường thì cũng có nghĩa là đồng USD Mỹ tại sao lại thất thường như thế!
USD Mỹ tuy có xu hướng giảm nhưng đang có những dấu hiệu phục hồi từng bước. Giá đồng USD Mỹ đã chững lại sau một thời gian mất giá mạnh. Đặc biệt đối với một số đồng tiền chủ yếu như EUR, yên Nhật, thời gian gần đây đồng USD đang lấy lại giá trị của mình. Đồng USD có lúc mất giá tới 1,30 USD/EUR, có lúc 1 USD chỉ bằng 105 yên Nhật. Nhưng đến bây giờ 1 USD cũng đã lên đến 107 yên Nhật rồi. Đồng EUR cũng có lúc mất giá xuống chỉ còn 1,23 USD/EUR và bây giờ đang giao dịch 1,23 -1,28 USD/EUR.
Đồng USD yếu là nét đặc trưng trong vòng 20 năm trở lại đây, khi Mỹ phải giải quyết rất nhiều vấn đề của nền kinh tế. Nhất là vấn đề nhập siêu và thâm hụt trên cán cân vãng lai của họ đã đẩy gia tăng thất nghiệp. Trong năm 2004, một sự kiện rất quan trọng của Mỹ là cuộc bầu cử tổng thống. Chính sách của Mỹ cũng nhắm tới mục tiêu làm sao tình trạng thất nghiệp giảm đi, để lấy cảm tình của cử tri Mỹ. Cho nên đồng USD yếu cũng là điều mà Chính phủ Mỹ muốn duy trì trước khi bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, đồng tiền yếu bao giờ cũng gây nên tác hại về lâu dài cho nền kinh tế. Đồng tiền mất giá quá mạnh sẽ làm cho giá hàng nhập khẩu tăng lên mà Mỹ là một xã hội nhập siêu, họ xài hàng của thế giới rất nhiều. Nếu đồng USD Mỹ mất giá có nghĩa là muốn nhập khẩu phải trả tiền nhiều hơn, có nghĩa là lạm phát tăng lên trong tương lai. Một đồng tiền yếu về lâu dài thì nó cũng không giúp cho việc thu hút vốn của nền kinh tế mà Mỹ rất mong muốn một sự chu chuyển vốn của thế giới vào Mỹ. Cho nên không phải bao giờ Chính phủ Mỹ cũng muốn đồng USD yếu triền miên mà đồng USD yếu cũng chỉ trong ngắn hạn mà thôi. Hơn nữa, châu Âu không mong muốn đồng EUR tăng giá quá mạnh để rồi không giải quyết được tình hình cạnh tranh hàng hoá của họ. Nhật Bản cũng bỏ ra hàng trăm tỷ USD để giải quyết bài toán ngăn ngừa đồng yên Nhật tăng giá quá mạnh.
Đồng USD tăng giảm có câu chuyện thời sự của nó và từ đó tác động đến giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới có nhiều nguyên nhân nữa chứ không hẳn chỉ là USD, tuy đó là nguyên nhân chủ yếu. Việc cung ứng vàng trên thị trường hoặc sự chuyển hoá các tài sản tài chính... cũng là nhân tố tác động vào vàng.
- Với việc Mỹ duy trì đồng USD yếu, giá vàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng?
- Theo tôi, để trả lời chính xác câu hỏi này là cực kỳ khó! Giá vàng thế giới 2 tháng đầu năm nay có biến động mạnh nhưng xu hướng của nó không phải là xu hướng tăng. Đã có lúc giá vàng lên đến 430 USD/ounce, hay xuống 392 USD/ounce (biên độ dao động trên 10%), tuy nhiên cái hướng hiện nay so với mấy tháng trước thì giá vàng không phải là tăng nhiều so với đầu năm.
Tôi thấy có nhiều người dự đoán giá vàng sẽ tăng với lý do Mỹ duy trì chính sách đồng USD yếu, nhu cầu về vàng tăng trong khi cung vàng giảm. Các công ty khai thác vàng lớn có xu hướng găm vàng, không bán ra để giữ giá vàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương 15 nước tham gia thoả ước Washington (lượng vàng bán ra của các ngân hàng này 400 tấn/năm) sẽ hết hạn vào tháng 9 năm nay, cũng có thể làm hạn chế lượng vàng bán ra.
Còn trong nước, giá vàng tương quan khá chặt chẽ và hợp lý với giá vàng thế giới. Ví dụ như có lúc giá vàng lên đến 420 - 430 USD/ounce thì giá vàng trong nước lên đến hơn 8 triệu đồng/lượng. Có lúc giá vàng thế giới xuống 396 USD/ounce thì giá vàng trong nước cùng xuống hơn 7,7 triệu đồng/lượng. Sự biến động tăng giảm của giá vàng trong nước là tất yếu vì vàng trong nước liên thông với thị trường thế giới.
- Theo ông, hiện tại nên lựa chọn đầu tư vào vàng, USD hay tiền đồng?
- Lời khuyên từ một quy luật muôn đời của tài chính ''cái gì mà lợi nhuận nhiều thì nó cũng hàm chứa rủi ro lớn''. Vấn đề là nhà đầu tư tự quyết định lấy vận mệnh của họ thông qua các lợi nhuận và rủi ro này chứ không ai có thể thay những người trong thị trường suy nghĩ về cách kinh doanh của họ. Trong điều kiện của Việt Nam, với một quy mô thị trường còn bé và chúng ta chưa có điều kiện thông tin đầy đủ để có thể đưa ra những phán quyết luôn luôn chính xác. Tôi cho rằng những nhà đầu tư có thể theo dõi biến động của giá vàng, ngoại tệ, tiền đồng để tính toán.
Thứ nhất, mức sinh lời hình thành từ các tài sản này. Nếu anh có tiền đồng anh đầu tư vào các công cụ tiền đồng thì mức sinh lời là bao nhiêu? Anh có vàng, ngoại tệ gửi vào ngân hàng thì mức sinh lợi là bao nhiêu? Vấn đề thứ hai, mỗi tài sản bao giờ cũng chứa đựng trong nó những yếu tố rủi ro. Chẳng hạn, nếu anh nắm giữ vàng mà vàng rớt giá thì anh bị lỗ bao nhiêu? Nếu anh nắm giữ USD mà USD xuống giá hoặc USD không tăng giá trong khi lãi suất thấp thì anh bị thiệt hại là bao nhiêu so với một lượng tiền đồng không tăng giảm về giá trị mà chỉ bị lạm phát điều tiết? Với lợi tức tính toán được thì mọi người có thể lựa chọn các tài sản tài chính để đầu tư.
-
Văn Tiến